221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1245704
Làm sao để Nông trường Sông Hậu thực sự "có hậu"?
1
Article
null
Kỳ cuối:
Làm sao để Nông trường Sông Hậu thực sự 'có hậu'?
,

 - Tác giả băn khoăn hỏi phải làm sao để mô hình nông trường được lãnh đạo cao cấp đánh giá là "có một không hai", "đơn vị nông nghiệp duy nhất đi đúng định hướng..." có thể phát triển "có hậu", sau 30 năm gây dựng.

Từ sự khai phá, mở đường của những người tiền bối, đứng đầu là cố giám đốc, Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng, những người lãnh đạo của thế hệ kế tiếp đã kế tục nền tảng đó, nâng cao và mở rộng bằng cơ cấu sản xuất - kinh doanh đa dạng và đầy sáng tạo để làm nên một mô hình Sông Hậu qua bao khó khăn, thử thách vẫn không ngừng lớn mạnh về mọi mặt.

"Mô hình có một không hai"

Nếu có được hưởng sự ưu ái đặc biệt nào, thì đó chính là NTSH đã có được hai người giám đốc đầy bản lĩnh, đầy đức độ và tấm lòng nhiệt huyết của người cộng sản với con người và công việc.

Lão nông tri điền, anh hùng chân đất Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng), người cả cuộc đời lội đồng nghĩ cách giúp nông dân làm giàu từ mảnh đất Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV. 

Nếu Giám đốc tiền nhiệm Trần Ngọc Hoằng với kinh nghiệm của một “lão nông tri điền”, không chỉ hiểu đất, giỏi sử dụng đất mà còn rất hiểu người, giỏi dùng người đã không quản tuổi già sức yếu, cần mẫn lội đồng, gắn bó với dân, đưa sản xuất đi lên từ nông nghiệp… thì bà Trần Ngọc Sương - người kế tục sự nghiệp đó - như chim trời tung cánh, bà đã có mặt tại gần 40 quốc gia trên thế giới, từ Đông - Bắc Á tới Âu - Mỹ - Phi để tìm hiểu thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh.

Điểm gặp gỡ chung ở họ là sự dấn thân và chấp nhận, ở sự bền bỉ và kiên định từ nhận thức đến ý chí và hành động để cùng vươn tới một mục đích: mỗi con người đều ấm no, hạnh phúc, từng gia đình đều sung túc, bình yên, cả Nông trường đều văn minh, giàu đẹp.

Đó là sự đồng thuận về ý chí và niềm tin (tuy không đồng nhất về tư duy); trong đó người đi sau đã tiếp nhận thành công kinh nghiệm của người đi trước một cách trung thành nhưng đầy tinh thần sáng tạo.

Ngày 17/5/1999, Chính phủ đã có công văn số 498/CP-NN về việc tổng kết mô hình NTSH nhằm: “Rút ra những bài học phổ biến để bổ sung chính sách, biện pháp phát triển nông nghiệp nông thôn, mở rộng việc áp dụng cho các địa bàn khác. Phân tích những vấn đề cần tiếp tục giải quyết của Nông trường Sông Hậu để phát huy những kết quả đã đạt được và mở ra bước phát triển mới theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”.

Tiếp đó, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập NTSH, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu tổng kết mô hình NTSH nhằm “rút ra những bài học bổ ích để bổ sung chính sách, biện pháp phát triển nông thôn, mở rộng cho những địa bàn khác…”.

Nông trường viên vất vả nắng mưa nhiều năm, để 30 năm sau có được một mô hình Nông trường Sông Hậu được đánh giá là "có một không hai trong cả nước". Ảnh: CTV.

Báo cáo của Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu về NTSH kết luận: “Kết quả của 20 năm xây dựng và phát triển chứng tỏ mô hình kinh doanh tổng hợp, đa dạng và liên kết kinh tế rộng rãi với kinh tế hộ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp, các cơ quan khoa học của Nông trường Sông Hậu là đúng đắn và hợp lý. Nông trường Sông Hậu đã phát huy vai trò hạt nhân liên kết của một doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn”.

Đồng chí Lê Bình - nguyên Phó Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, sau nhiều năm theo dõi và quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, trong một nghiên cứu mới đây nhất về mô hình kinh tế của NTSH đã đánh giá: “…Nông trường Sông Hậu đã thực sự trở thành đơn vị sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại; có nông nghiệp, công nghiệp, thương mại phát triển, đang chuyển lên theo trình độ nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế với thị trường trong nước và nước ngoài, trở thành nông trường đầu tiên tự mình trưởng thành trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, thành mô hình có một không hai trong cả nước”.

Là một nhà khoa học nhiều năm gắn bó với NTSH, GS, TS. Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang), sau khi tổng kết “chín bước” đi vững chắc của NTSH đã kết luận: “Ba mươi năm xây dựng, Nông trường Sông Hậu đi lên bằng hai thế đứng vững chắc; sản xuất đã mở ra nhiều mô hình mới, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ cao tạo ra nền tảng công nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, mà nông trường là hình tượng tiêu biểu cho nền tảng sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, mô hình xã hội chủ nghĩa thu nhỏ. Đời sống cán bộ công nhân viên, nông trường viên không ngừng được cải thiện, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống cho gần 15.000 người trong nông trường, với một đời sống văn hóa - xã hội lành mạnh…”.

Từ Sông Hậu tới 135

Từ gian khó dựng xây, củng cố, đi lên bằng nội lực của mình, NTSH đã thực sự trở thành đơn vị sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, hiện đại; đã có vốn và tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể đủ sức mở rộng sản xuất - kinh doanh; không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, thực sự lớn mạnh và phát huy ưu thế trong kinh tế thị trường, luôn giữ vững là nông trường điển hình xã hội chủ nghĩa.

Sau nhiều năm gây dựng, giờ đây ở Nông trường Sông Hậu đã cơ giới hoá công việc. Trong ảnh là bà con nông dân ở Nông trường Sông Hậu đang thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: CTV.

Nguyên Tổng Bí thư, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh, trong dịp về thăm Nông trường (năm 1994) đã đánh giá: “…Có thể khẳng định rằng Nông trường Sông Hậu là một mô hình nông trường quốc doanh tốt nhất của cả nước”.

Mô hình Nông trường Sông Hậu với những bước đi mới mẻ, độc đáo và đầy sáng tạo của nó đã được các cơ quan nghiên cứu quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học nghiên cứu hội thảo và rút ra nhiều bài học trên cơ sở thực tiễn để ứng dụng và nhân rộng ra trên phạm vi cả nước.

Một số viện, trường quốc tế cũng lấy mô hình Sông Hậu làm đề tài nghiên cứu và giảng dạy (chẳng hạn như chương trình đào tạo sau Đại học ở Hoa Kỳ).

Đặc biệt gần đây, đề tài công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp huyện Ô Môn do Ban Kinh tế Trung ương Đảng chủ trì, đã lấy trung tâm hạt nhân NTSH làm động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Chính phủ cũng đã chỉ đạo tổng kết mô hình Sông Hậu từ năm 2000.

NTSH đã được nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học trong nước cũng như ngoài nước đánh giá như là một điển hình kinh doanh nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam và khẳng định đây là một mô hình kinh tế - quản lý có giá trị phổ biến, có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có qui mô kinh doanh nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông sản, mà trước hết là các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp.

Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi ở Nông trường Sông Hậu đều được chế biến để xuất khẩu. Ảnh: CTV.

Trong bản tổng kết của mình, Trung ương đã đánh giá: NTSH là đơn vị nông nghiệp duy nhất đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa theo cơ chế thị trường. đến thăm Nông trường đều đánh giá cao “tính tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ ỷ lại cấp trên và không dựa vào cơ chế bao cấp”.

Nông trường được các đồng chí lãnh đạo Đảng - nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao về mô hình đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa và đã nhiều lần chỉ đạo cho đúc kết kinh nghiệm.

Các đồng chí ở Vụ Nông nghiệp thuộc Ban Kinh tế Trung ương Đảng đã phát biểu: “… Chính nhờ mô hình và cách làm ăn của Nông trường Sông Hậu đã giúp cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm trong việc ra Nghị định 135 về đổi mới các nông, lâm trường”.

Với bề dày 30 năm xây dựng và phát triển, những gì mà NTSH đã làm giúp chúng ta hình dung một cách có cơ sở về một tập đoàn kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ - tài chính - kinh doanh XNK tổng hợp đang hình thành từ mô hình này, bất chấp bộn bề khó khăn, thách thức ở phía trước.

Thực tiễn phát triển của NTSH cho thấy: cội nguồn của sự phát triển bắt đầu từ việc lựa chọn đúng phương hướng sản xuất, mà phương hướng đó chính là mô hình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp tổng hợp đa năng và đa dạng, phát triển theo hướng mở và có quy mô ngày càng lớn.

Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Sương (con gái ông Năm Hoằng) ra toà cùng các cộng sự trong vụ án "Lập quỹ trái phép", bị cáo buộc vai trò "chủ mưu". Tại phiên toà sơ thẩm (từ 11-15/8/2009), bà Sương bị TAND huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) tuyên phạt 8 năm tù giam và buộc chịu trách nhiệm số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.

Từ đó, có sự qui hoạch cụ thể, khoa học và triển khai thực hiện tốt qui hoạch đó; trong đó lấy điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội làm cơ sở để khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động bằng việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Để NTSH tiếp tục là “điểm sáng”, là mô hình điểm về “tam nông” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là niềm tự hào của đất nước trong quá trình đổi mới và hội nhập, thiết nghĩ phải tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn.

Đó là cần phải làm gì và làm như thế nào để “điểm sáng Sông Hậu” với những ưu việt của nó (sức mạnh của người nông dân thực sự được phát huy, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới v.v…) tiếp tục toả sáng; phát triển “có hậu” theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này; thực sự là một mô hình mẫu trong việc phát huy “tam nông” theo chủ trương của Đảng trong cuộc hành trình đưa toàn dân ta đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

  • Triều Hải Quỳnh (tác giả là tiến sỹ ngành Truyền thông đại chúng, hiện là Biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Những nội dung trong loạt bài này trích từ nghiên cứu năm 2008 của tác giả).
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,