- Gần 4 năm nay, người dân khu vực bến Mễ Cốc (phường 15, Q.8, TP.HCM) phải sống trong cảnh bị cô lập từ khi dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố triển khai. Từ ngày trở thành "ốc đảo", đám cưới của người dân nơi đây phải chuyển sang rước dâu bằng xe máy. Đám ma phải khiêng quan tài đi bộ hoặc chở dưới thuyền...
Từ trước tới nay, khu Mễ Cốc được xem là vùng trũng của thành phố, người dân luôn phải đối diện, chống chọi với những đợt triều cường lên xuống hằng tháng.
Chính vì vậy, khi Dự án cải tạo môi trường nước được triển khai nhằm cải tạo hệ thống thoát nước bằng máy bơm giúp chống ngập cho toàn bộ khu vực Mễ Cốc, người dân nơi đây rất phấn khởi.
Thế nhưng vui chưa bao lâu thì gói thầu B cải tạo thoát nước bằng máy bơm thuộc dự án trên được thực hiện, người dân Mễ Cốc lại phải học cách… quen với cảnh cả triều cường lẫn “lô cốt” bao vây tứ phía. Toàn bộ khu vực rộng gần 60ha với cả ngàn hộ dân sinh sống này gần như bị cô lập “nội bất xuất ngoại bất nhập” vì con đường mòn giờ chỉ còn khoảng 2m cho người dân ra vào.
Khu vực bến Mễ Cốc như hình con dao được bao bọc bởi hai tuyến đường Lưu Hữu Phước và bến Mễ Cốc nhưng cả hai đường này đều bị "lô cốt" bao vây, cô lập. Ảnh: diadiem.com |
Theo quan sát trên bản đồ thành phố, khu Mễ Cốc trông như một con dao Thái Lan được ghép bởi hai tuyến đường bến Bình Đông và Lưu Hữu Phước. Hai tuyến đường này lại được 2 kênh Đôi, kênh Lò Gốm bao bọc khiến mỗi đợt triều cường nước từ ngoài sông lên cao tràn vào làm khu vực này chìm nghỉm trong nước.
Từ ngày dự án thi công, “lô cốt” chiếm dụng 2/3 mặt đường, có đoạn “lô cốt” bít cả lối đi, nhà dân cũng bị nhốt, ra vào chỉ bằng cách… đi bộ. Tấm biển “đường tạm” được dựng lên cho bà con đi lại nhưng đường hẻm vòng vèo như đi vào mê cung.
Khi được hỏi về việc thi công dự án này, người dân nào ở khu Mễ Cốc cũng lắc đầu ngán ngẩm “lâu lắm rồi, chẳng nhớ nổi!”.
Anh Nguyễn Phi Long, chủ tiệm hớt tóc số 59A Mai Hắc Đế, phường 15, Q.8 cho biết: “Chẳng nhớ chính xác khi nào nhưng chỉ nhớ dự án vừa thi công thì tôi đi bộ đội. Hai năm sau tôi về rồi mở tiệm cắt tóc đã hơn 1 năm nay mà dự án vẫn… chưa xong. Lâu quá nên ai cũng ráng chịu đựng để làm ăn chứ than thở cũng không ích gì”.
Dù "lô cốt" dựng phía sau nhưng đoạn đường trước mặt và hai bên được dùng để tập kết vật liệu khiến đường lầy lội, trơn trượt. Ảnh: Thái Phương |
Khác với anh Long, một số người dân bị “lô cốt” ám ảnh đến nỗi nhớ chính xác cả ngày tháng năm đoạn đường này thi công. “Ban đầu cứ nghĩ công trình sẽ giúp người dân hết khổ vì triều cường, ngập lụt. Ai ngờ làm chừng ấy năm vẫn chưa đâu vào đâu, ban đầu người dân hy vọng công trình thế kỷ giúp họ bớt khổ nhưng giờ là “thế kỷ… rùa” hành dân” - vị khách đang chờ cắt tóc trong tiệm anh Long bức xúc.
Theo quan sát của PV VietNamNet, suốt đoạn đường dài khoảng 3-4km từ đường Lưu Hữu Phước kéo dài vòng qua đường bến Mễ Cốc, nơi nào cũng có “lô cốt” án ngữ khiến đường đi còn lại của người dân chỉ lọt thỏm chừng 1-2m.
Đường hẹp, người lớn đi lại đã khó, học sinh đến trường còn vất vả hơn. Không ít lần các em bị ngã vì đường ổ voi, ổ gà lại trơn trượt phải về nhà thay quần áo giữa chừng, anh Nguyễn Lương Bằng, người dân khu Mễ Cốc cho biết.
“Đó là chưa kể chuyện dở khóc dở cười mỗi khi có đám ma đám cưới. Đám cưới cô dâu chú rể được xe máy chở ra đường lớn còn đỡ. Đám ma, người dân phải hô hào nhau khiêng quan tài đi cả cây số hoặc đưa xuống dưới thuyền rồi chở đi. Rồi mỗi lần có người ốm đau bệnh tật, taxi, cấp cứu đều “chịu chết” chờ ở bên ngoài… Khổ không kể hết!” - anh Bằng nói.
Còn khi được hỏi về đơn vị thi công, người dân lại càng ngao ngán: “Lô cốt” dựng mấy năm trời khiến cuộc sống của chúng tôi đảo lộn, đi lại làm ăn khó khăn muôn phần nhưng tiến độ thi công lại ì ạch như rùa bò” - ông Danh, nhà ở 376C bến Bình Đông thở dài nói.
“Dân khóc, nhà thầu cũng… khóc”!
Trao đổi với ông Đặng Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Phân ban quản lý Dự án cải thiện môi trường nước thành phố về tiến độ thi công của gói thầu B, ông Hồi cho rằng không chỉ dân khóc mà nhà thầu cũng… khóc vì khó khăn phát sinh hàng loạt trong quá trình thi công.
Dẫn chứng cho lời vừa nói, ông Hồi giải thích năm 1998 khi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tiến hành khảo sát lập Dự án quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải cho TP.HCM đến năm 2020 (sau đó lập nghiên cứu khả thi Dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ) thì mặt đường khu vực Mễ Cốc rộng 6m.
Trong lúc người dân phải nhẫn nhịn sống chung với "lô cốt" hàng năm trời thì công trình lại thi công ì ạch, vắng bóng công nhân như thế này! Ảnh: Thái Phương |
Thế nhưng khi nhà thầu đi khảo sát lại chuẩn bị tiến hành triển khai dự án thì mặt đường các tuyến Lưu Hữu Phước, bến Bình Đông chỉ còn lại khoảng 4m do người dân lấn chiếm vỉa hè, dựng chậu hoa, cây cảnh… khiến việc thi công gặp khó khăn.
Tấm biển thông tin của gói thầu bị rách nát nằm bên đường, cạnh "lô cốt’ đang thi công... rùa bò. Ảnh: Thái Phương |
Theo ông Hồi, chẳng hạn đường bến Bình Đông chỉ rộng 4m nhưng dưới mặt đường có 2 tuyến cống cấp nước 350mm và 400mm. Trong đó ống cấp nước 400mm nằm trong phui đào cống của dự án khiến việc thi công thường xuyên phải dừng lại vì tình trạng nước rò rỉ, bể đường ống nước…
Đó là chưa kể hệ thống đường dây điện, mạng nhện giăng mắc chằng chịt ngay trên cống phui đào. “Chính vì vướng nhiều công trình ngầm dưới mặt đất nên tình trạng nhiều “lô cốt” dựng lên xong chưa thể thi công là có thật. Nguyên nhân do nhà thầu đóng cừ thép xuống mặt đường nhưng gặp sự cố nên buộc phải rào lại chờ di dời công trình ngầm” - ông Hồi phân trần.
Được biết đến đầu quý II/2010 gói thầu B cải tạo hệ thống thoát nước bằng máy bơm sẽ cơ bản hoàn thành.
“Nếu đến khi dự án hoàn thành mà hết ngập, hết “lô cốt” chúng tôi sẽ cố gắng chờ đợi. Chỉ hy vọng nhà thầu, đơn vị thi công làm theo đúng tiến độ dự án chứ đừng triển khai… rùa bò như thời gian qua” - ông Danh nói.
-
Thái Phương