– Sau khi nhận được đơn khiếu nại của gia đình bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong tại bệnh viện Xanh Pôn vào ngày 19/11, theo nguồn tin riêng của VietNamNet, chiều 23/11, Sở Y tế Hà Nội thông báo sẽ vào cuộc thanh tra vụ việc.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong là anh Nguyễn Hoàng Diệp, sinh năm 1984, trú tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai-Hà Nội. Người làm đơn khiếu nại thanh tra là anh Nguyễn Văn Phúc, anh ruột bệnh nhân.
Tử vong do sốc phản vệ khi truyền tiểu cầu
Theo thông tin ghi trong bản tường trình gửi Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội của anh Nguyễn Văn Phúc thì em trai anh (anh Diệp) có dấu hiệu sốt và đến khám tại bệnh viện Xanh Pôn vào ngày 24/10/2009. Bác sỹ bệnh viện Xanh Pôn khám và kết luận là anh Diệp bị sốt xuất huyết.
Sau quá trình truyền dịch, tình trạng của anh Diệp xấu đi và đến ngày 29/10 anh được các y bác sỹ của bệnh viện Xanh Pôn tiến hành truyền tiểu cầu.
Đến 3h sáng ngày 30/10 việc truyền tiểu cầu cho anh Diệp kết thúc. Anh Phúc cho biết sáng ra, sức khỏe anh Diệp tốt hơn, bắt đầu ăn được, người cũng bắt đầu hết sốt, da trở lại mát mẻ.
Đơn khiếu nại anh Nguyễn Văn Phúc gửi đến các cơ quan chức năng và giấy chuyển viện của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Diệp ghi rõ "bệnh nhân bị sốc phản vệ sau truyền khối tiểu cầu" |
Đến 14h cùng ngày, bác sỹ của bệnh viện Xanh Pôn tiếp tục yêu cầu phải truyền thêm 3 túi tiểu cầu nữa cho anh Diệp với lý do máu của anh Diệp vẫn còn loãng quá.
1 tiếng sau đó, việc truyền tiểu cầu lần 2 được tiến hành. Theo lời kể của anh Phúc, khi truyền túi tiểu cầu đầu tiên vào người, anh Diệp vẫn cảm thấy rất bình thường. Tuy nhiên, khi các y tá chuyển sang truyền túi tiểu cầu thứ 2 thì chỉ khoảng vài phút sau, anh Diệp nói với mọi người là cảm thấy tưng tức, khó chịu ở cổ tay.
Sau khi báo cho bác sỹ, bác sỹ cho gia đình anh Phúc biết là “không sao cả” và vẫn tiếp tục truyền túi tiểu cầu cho anh Diệp. Liền sau đó anh Diệp bắt đầu kêu rét, người run, thân nhiệt tăng lên cao kèm triệu chứng là đau toàn bộ vùng bụng.
Vài phút sau đó, bác sỹ và y tá tắt ống truyền tiểu cầu khi đã truyền được hơn một nửa túi tiểu cầu thứ 2 vào người anh Diệp.
Ngay sau đó, anh Diệp liên tục đi ngoài ngay tại giường, nôn ra máu. Ngoài ra, anh Diệp bắt đầu chuyển sang trạng thái khó thở, tức ngực.
Ngay lập tức anh Diệp được đặt ống thở ô xy. Đến 18 giờ ngày 30/10 thì bệnh viện quyết định chuyển anh Diệp khỏi Khoa Nội 2 ra Khoa cấp cứu hồi sức. Cho đến 24 giờ đêm 30/10, các bác sỹ ở Khoa cấp cứu hồi sức trả lời gia đình anh Phúc rằng ở đây không cứu chữa được, đề nghị chuyển sang bệnh viện Bạch Mai. Giấy chuyển viện của anh Diệp đã ghi tóm tắt bệnh án là bị sốc phản vệ trong khi truyền tiểu cầu.
Sang khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ ở đây cũng đã chẩn đoán là anh Diệp bị sốc phản vệ do truyền tiểu cầu. Đến 2 giờ sáng ngày 31/10, anh Diệp được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Sau những nỗ lực cứu chữa nhưng không thành, anh Diệp đã tử vong vào rạng sáng thứ hai, ngày 2/11.
“Trường hợp của em tôi, trước khi truyền máu, nếu cẩn thận bao giờ bác sỹ cũng kiểm tra kỹ và thậm chí còn phải thử các phản ứng chéo. Nhưng êkíp y, bác sĩ chăm sóc cho em tôi ngày hôm đó đã làm việc không hết trách nhiệm và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là khiến em tôi bị tử vong”, anh Phúc bức xúc nói.
“Không có quy định phải thử phản ứng trước khi truyền tiểu cầu”
Trao đổi về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Hoàng Diệp tử vong do sốc phản vệ khi truyền tiểu cầu, ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay không có quy định phải thử phản ứng trước khi truyền tiểu cầu cho bệnh nhân”.
“Bất kỳ một loại thuốc nào, dung dịch nào khi truyền vào cơ thể cũng có khả năng gây sốc phản vệ. Loại phổ biến nhất là nước muối khi truyền vào cơ thể cũng có thể gây ra sốc phản vệ”, ông Kính nói.
Ông Kính khẳng định: “Ban đầu các bác sỹ phải chẩn đoán bệnh để có hướng điều trị. Trong quá trình điều trị có thể xảy ra những tai biến”.
Theo giải thích của nhà chuyên môn, truyền tiểu cầu cho bệnh nhân sốt xuất huyết tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Từ góc độ của một nhà chuyên môn, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết: “Việc truyền tiểu cầu cho bệnh nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người bệnh”.
Việc rủi ro này được ông Hà phân tích trên 3 phương diện.
Thứ nhất, muốn truyền 1 đơn vị tiểu cầu cho bệnh nhân cần tới 4 người cho máu. Ngay cả khi tất cả 4 người cho máu đều có nhóm máu đồng nhất với bệnh nhân thì vẫn có thể xảy ra tình huống sốc phản vệ khi truyền, có thể dẫn đến tử vong.
Thứ hai là chất lượng tiểu cầu được duy trì tốt nhất trong 1 ngày đầu tiên. Nếu tiểu cầu được lưu trữ càng lâu trước khi truyền cho bệnh nhân thì không những chất lượng không được đảm bảo mà còn có thể gây ra các phản ứng phụ do các chất bảo quản tiểu cầu.
Thứ 3 là việc truyền tiểu cầu còn tiềm ẩn các nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm qua đường truyền mái như HIV, viêm gan B, …
“Vì thế việc truyền tiểu cầu nhất thiết phải do bác sỹ điều trị chỉ định. Việc truyền tiểu cầu thường chỉ định với các bệnh nhân có thoát dịch ra ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 10.000”, ông Hà nói.
Hà Nội có thêm 2 bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết
Chiều 23/11, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin: Hà Nội đã có thêm 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết, nâng tổng số người chết vì sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố lên 4 người. Trường hợp tử vong thứ 3 là một bệnh nhận 53 tuổi (ở Hà Đông) và trường hợp thứ 4 là một cháu bé 15 tuổi (ở Đông Anh). Ông Hạnh cho biết dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội bắt đầu có xu hướng giảm rõ rệt. Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho thấy từ 13/11 - 19/11, bình quân mỗi ngày Hà Nội ghi nhận thêm khoảng 50 bệnh nhân. Trong những tuần tới, khả năng sốt xuất huyết sẽ giảm hơn nữa. |
- Cẩm Quyên