- Tính đến hết ngày 5/11, Hà Nội đã có 5 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến các ca sốt xuất huyết tử vong không được Sở Y tế Hà Nội công khai.
Báo cáo lên Bộ: Không có ca sốt xuất huyết nào tử vong
Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho hay: “Hà Nội đã có 5 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong tại Viện Truyền nhiễm, 3 ca còn lại tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia. (Ảnh: C.Q) |
Theo thông tin ghi trên sổ lưu bệnh nhân tử vong của Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, 2 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết tại Viện đều là nam.
“Thành phố Hà Nội có báo cáo đã triển khai phun hoá chất, tuy nhiên mới chỉ triển khai tại một số ổ dịch. Diễn biến dịch sốt xuất huyết hiện còn phức tạp. Nguyên nhân là do chỉ số bọ gậy sau chiến dịch phun không giảm. Đây là nguyên nhân phát sinh đàn muỗi mới” (trích báo cáo ngày 22/10 của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường). Hà Nội mới triển khai phun hóa chất tại một số ổ dịch, tuy nhiên trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy chiều 23/10, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Hiện Hà Nội đã có 29 quận/huyện với 431 xã/phường có ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 5210 ổ dịch quy mô nhỏ và 1 ổ dịch sốt xuất huyết quy mô vừa”.
Một bệnh nhân tên Nguyễn Tiến Đạt, 17 tuổi, trú tại đường Trương Định, quận Hoàng Mai. Bệnh nhân còn lại tên Ngô Hồng Quang, 20 tuổi, trú tại phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa.
Bệnh nhân Đạt nhập viện vào sáng ngày 19/9/2009, đến 21h cùng ngày bệnh nhân đã tử vong. Còn bệnh nhân Quang nhập viện ngày 22/9/2009, một tuần sau (29/9/2009), bệnh nhân tử vong.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo trình Thủ tướng ngày 22/10 về tình hình bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp chống dịch đã triển khai của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) có phần báo cáo riêng của Sở Y tế Hà Nội nhưng không hề nhắc đến các ca tử vong do sốt xuất huyết.
Bản báo cáo ghi rõ: “Tại Hà Nội, tính đến ngày 22/10/2009 đã ghi nhận 7.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong”.
Ngày 5/11, khi được hỏi thông tin về các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong tại Hà Nội, ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết vừa đi công tác Thái Lan về nên chưa thể nắm được tình hình, do đó chưa thể trả lời về vấn đề này.
Còn ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho hay: “Các ca tử vong là do bệnh viện phải báo cáo lên cụ thể. Nếu các bệnh viện không có báo cáo cho Sở Y tế thì họ sẽ không có số liệu”.
Nhưng khi được hỏi về cơ chế thông tin giữa Viện và Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia khẳng định: “Ngày nào Viện cũng có một báo cáo tình hình dịch bệnh gửi Sở Y tế Hà Nội qua email”.
80% bệnh nhân nhập viện trong trạng thái sốc
Bắt đầu từ cuối tháng 10, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện đã bắt đầu giảm, mỗi ngày trung bình có từ 50 đến 60 bệnh nhân nhập viện (giảm một nửa so với thời kì đỉnh dịch hồi tháng 9). Tuy nhiên, các bệnh nhân bị biến chứng nặng xuất hiện rất nhiều ở thời điểm này.
Hiện đang có rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện với các biến chứng nặng. (Ảnh: C.Q) |
Dấu hiệu bệnh nặng là chảy máu, sốc, tiểu cầu hạ, không ít người huyết áp và mạch hạ bằng không, nguy cơ tử vong cao. Hiện tại, vẫn có một sinh viên (ở Sóc Sơn, Hà Nội) bị sốt xuất huyết rất nặng, đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức của viện, phải thở máy và truyền máu liên tục. Đáng lưu ý, năm nay bệnh nhân sốt xuất huyết bị hạ tiểu cầu vô cùng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết: “Hiện có khoảng 80% bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong trạng thái bị sốc. Đây là thời điểm cuối vụ dịch nên bệnh nhân bị sốc nhiều là chuyện dễ hiểu. Mặt khác, giai đoạn này dịch cúm lan tràn, lượng bệnh nhân bị viêm phổi cũng rất cao”.
Về khả năng lây chéo giữa bệnh nhân sốt xuất huyết và bệnh nhân cúm A/H1N1, ông Kính khẳng định khả năng này có thể xảy ra, vì nước ngoài đã có rồi. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa xuất hiện trường hợp lây chéo nào như vậy.
Chỉ duy nhất có 2 bệnh nhân vừa bị nhiễm cúm A/H1N1 vừa bị sốt xuất huyết đã được viện điều trị và thoát khỏi cơn nguy kịch, đã ra viện và sức khỏe trở lại ổn định. Ông Kính khẳng định, ngay khi nhập viện các bác sỹ đã phát hiện bệnh nhân đồng nhiễm chứ không phải nằm viện điều trị cái này rồi mới bị mắc cái kia.
“Chúng tôi có khu cách ly riêng, nếu bệnh nhân mắc cả 2 thì sẽ cho nằm ở khu vực cách ly vì cúm có khả năng lây từ người sang người. Việc điều trị song song 2 phác đồ cho 2 bệnh sẽ không ảnh hưởng gì đến nhau”, ông Kính nói.
Ông Nguyễn Huy Nga cảnh báo: “Dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch quy mô trung bình tại một số tỉnh, thành phố vào thời điểm cuối năm (khoảng tháng 11,12) nếu không triển khai triệt để chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng”.
-
Cẩm Quyên