221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1247965
Hà Nội bắc cầu phao giảm tải cầu Thăng Long
0
Article
null
Hà Nội bắc cầu phao giảm tải cầu Thăng Long
,

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và  UBND thành phố Hà Nội phối hợp bắc cầu phao qua sông Hồng nhằm giảm tải cho cầu Thăng Long trong thời gian sửa chữa cây cầu này. Chiều qua, việc bắc cầu phao đã được tiến hành khẩn trương.

Lực lượng công binh kéo phao lắp cầu tại Võng La, Đông Anh - Ảnh: Hồng Vĩnh


Vậy là trong vòng 6 năm lại đây, Hà Nội đã ba lần bắc cầu phao: Lần thứ nhất là bắc cầu phao Khuyến Lương qua sông Hồng (2003) giảm tải cho cầu Chương Dương trước dịp Sea Games 22; Năm 2008 bắc cầu phao Phùng qua sông Đáy trong dịp đại hồng thủy và lần này bắc cầu phao Chèm qua sông Hồng giúp giảm ùn tắc cho cầu Thăng Long.
 

Bắc cầu phao như cứu hỏa

Trên thực tế, cầu Thăng Long được đưa vào sửa chữa đúng một tháng trước (23/10). Cũng từ ngày sửa cầu Thăng Long, cánh cửa giao thông phía bắc Thủ đô đã bị gián đoạn và có nhiều thời điểm hỗn loạn.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi ngày cầu Thăng Long phải gánh khoảng 35.000 ô tô các loại, trong đó phần nhiều là xe con, kế đó là xe khách liên tỉnh rồi đến xe tải. Tuy nhiên, việc phân luồng giao thông sửa cầu Thăng Long đã gây ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình của các loại phương tiện.

Cụ thể, để đi vào bến xe Mỹ Đình các xe liên tỉnh từ Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang... phải vòng xa 50km. Mỗi ngày có cả ngàn lượt xe như vậy khiến nhà xe và hành khách rất khổ sở.

Tương tự, các xe tải muốn vượt sông thì hoặc phải chờ đến 21 giờ đêm hoặc chấp nhận đi vòng 50km. Chi phí vận tải của các doanh nghiệp và người dân đội lên nhiều.

Đó là chưa kể việc tập trung lượng xe tải qua khu vực cầu Đuống cũng tăng nguy cơ mất an toàn cho cây cầu ốm yếu này. Đối với lượng xe con mỗi khi qua cầu để sang sân bay Nội Bài đều trong tâm trạng bất an vì có thể lỡ chuyến bay bất kể lúc nào.

“Trên cầu dù chỉ để xe con đi lại nhưng ngày nào cũng xảy ra ùn ứ do mặt cầu hẹp chỉ còn một nửa. Điều này không chỉ gây phiền hà cho người tham gia giao thông mà còn là hình ảnh không mấy đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế”- Ông Thạch Như Sĩ, Chánh Thanh tra GTVT- Sở GTVT Hà Nội thừa nhận.

Cầu phao PMP được bộ đội công binh lắp đặt lúc 15h ngày 22/11 - Ảnh: Hồng Vĩnh


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, sở GTVT và Binh chủng Công binh đã khảo sát địa điểm bắc cầu phao ngay trong đêm 21/11.
 

Địa điểm thứ nhất được khảo sát là bến Bạc (phía Từ Liêm) và bờ bắc thuộc xã Hải Bối ( huyện Đông Anh) lùi về phía hạ lưu cầu Thăng Long khoảng 1km. Tuy nhiên địa điểm này có lòng sông rộng ( gần 1.000m) nên nếu bắc cầu sẽ gặp khó khăn và tốn kém.

Vị trí thứ hai được lựa chọn là bến phà Chèm thuộc xã Đông Ngạc ( Từ Liêm) và xã Võng La ( Đông Anh). Tại đây, ngoài lợi thế bến bãi của bến phà cũ còn có thể tận dụng được thì dòng sông Hồng còn bị chia làm hai nhánh. Nhánh phía bắc dài 97m và nhánh phía nam dài 590m. Giữa hai nhánh sông là bãi bồi rộng khoảng 400m.

Cầu phao hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ

Theo phương án tổ chức giao thông dự kiến, cầu phao sẽ hoạt động từ 5 giờ sáng đến 23 giờ hằng ngày. Trong khoảng thời gian từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng, các phương tiện thủy được phép xuôi, ngược sông Hồng.

Như vậy khẩu độ cầu phao gồm hai đoạn với tổng chiều dài gần 700m sẽ thuận lợi cho công tác lắp đặt, vận hành. Vị trí bắc cầu phao cách cầu Thăng Long về phía thượng lưu khoảng 500m. 

Đại tá Phạm Quang Xuân, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho biết, Lữ đoàn 239 đã ém khí tài phía bờ nam chờ đến 14 giờ ngày 23/11 sẽ lắp ráp. Bên bờ bắc, Lữ đoàn 249 đã đưa khí tài xuôi từ Ba Vì về tập kết tại bến Chèm.

Đúng 15 giờ chiều qua  (22/11), Lữ đoàn 249 đồng loạt ra quân. Trên sông Hồng những chiếc ca nô đẩy hạng nặng đưa những đốt cầu phao vào khớp. Cây cầu phao dài gần 100m đã được lắp hoàn chỉnh trong vòng chưa đến 2 giờ đồng hồ.

“ Đây là loại cầu phao hiện đại nhất thế giới hiện nay được quân đội ta nhập về từ Nga. Hiện Mỹ cũng sở hữu loại cầu phao này nhưng trọng tải chỉ 50 tấn”- Đại tá Phạm Quang Xuân cho biết.

San tải 6.000 - 10.000 lượt xe/ngày đêm

Xe chở phao đang thả phao xuống sông - Ảnh: Hồng Vĩnh


Ngay trong ngày 22/11 Sở GTVT Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Cty CP giao thông 1 và Cty CP công trình giao thông 2 tiến hành khảo sát, sửa chữa đường dẫn hai đầu cầu phía bờ nam và bờ bắc. 
 

Trên bãi giữa rộng 400m, các đơn vị của Sở cũng tiến hành san ủi tạo thành đường đi lại rộng trên 10m nối hai đoạn của cầu phao.

Dự kiến phía bờ nam, các đơn vị phải sửa chữa khoảng 150m đường dẫn ( từ đê sông Hồng xuống mép nước); bờ bắc chiều dài đường dẫn là khoảng 500m.

Theo quan sát của chúng tôi, do bến phà Chèm một thời gian dài không sử dụng nên đã xuống cấp, đường dẫn hỏng hóc và bị lấn chiếm tập kết vật liệu xây dựng. Chiều qua, thanh tra GTVT đã huy động nhân lực và các phương tiện máy móc đến hiện trường, giải tỏa mặt bằng cho đơn vị sửa chữa.

Xe container, xe cao trên 3m lưu ý khi qua cầu phao

Nếu xe container đi từ hướng bắc qua cầu phao sang bờ nam sẽ phải đi đường Nam Hồng qua đê tả Hồng về cầu phao. Xe container, xe tải cao  từ 2,8m trở lên không  được đi hướng Hải Bối lên cầu phao vì gầm cầu Thăng Long qua đê Hải Bối  thấp hơn 2,8m.

Bên cạnh đó, tuyến đường từ Hải Bối lên đê để xuống cầu phao khá hẹp và hành lang bị vi phạm nhiều. Việc các xe tải lớn đi vào sẽ gặp khó khăn nhất là xe chạy hai chiều.  

Đại diện Sở GTVT cho biết, đồng thời với việc sửa chữa đường dẫn hai đầu cầu, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị sơn kẻ đường, cắm biển báo và thông tin trên báo chí để các phương tiện được biết về việc lưu thông qua cầu phao Chèm.

Theo đại tá Phạm Quang Xuân, đơn vị công binh sẽ đảm bảo bắc cầu để các phương tiện qua lại an toàn còn khả năng thông hành được bao nhiêu thì phụ thuộc vào việc tổ chức giao thông hai đầu cầu. Hiện cầu phao có bề rộng khoảng 8m, đáp ứng hai chiều xe đi lại.

“Theo tính toán, cầu phao Chèm sẽ đảm bảo lưu lượng phương tiện qua cầu trong một ngày đêm từ 6.000 đến 10.000 xe” - Ông Xuân cho biết.

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, với việc tổ chức giao thông trên cầu phao, tình trạng giao thông trên cầu Thăng Long sẽ giảm tải đáng kể. Việc có cầu phao gần ngay cầu Thăng Long cũng giúp giảm thiểu quãng đường tránh và thời gian đi lại của các phương tiện.

Thiếu tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh:

Xe 60 tấn trở xuống đều có thể qua cầu

Thiếu tướng Dương Đức Hòa chỉ đạo lắp cầu phao chiều qua - Ảnh: H.V
Trao đổi với phóng viên tại địa điểm bắc cầu phao bến phà Chèm vào sáng qua (22/11), Thiếu tướng Dương Đức Hòa cho biết, việc bảo dưỡng, sửa chữa cầu Thăng Long đã triển khai được một thời gian nhưng lưu lượng xe hằng ngày qua cầu quá lớn, nhất là dịp cuối năm.  

Việc thi công đã gây ách tắc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội cũng như công tác đối ngoại vì đây là tuyến giao thông ra sân bay.

Vì lý do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng giao cho Binh chủng Công binh phối hợp với Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, Cục ĐBVN các địa phương tổ chức bắc cầu phao qua sông Hồng, góp phần giúp giảm ách tắc trên cầu Thăng Long.

Dự kiến Binh chủng sẽ đưa loại cầu phao nào để góp phần san tải cho cầu Thăng Long và chiều dài của cầu phao là bao nhiêu thưa thiếu tướng?

Binh chủng sẽ đưa loại cầu phao quân sự PMP 60 tấn vào tham gia chia sẻ với cầu Thăng Long. Do chúng tôi chọn tại bến phà Chèm để bắc cầu nên cầu gồm hai đoạn: đoạn bên phía bắc  dài 97m, đoạn phía bờ nam là 590m. Tổng số là gần 700m.

Cầu phao sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại cho những loại phương tiện nào?

Tất cả các loại phương tiện có tổng trọng tải bằng hoặc nhỏ hơn 60 tấn đều có thể đi qua cầu phao. Và cầu này đáp ứng cho hai làn xe đi và về.

Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cầu phao sẽ làm nhiệm vụ tại bến phà Chèm trong khoảng  thời gian bao lâu thưa Thiếu tướng?

Theo kế hoạch, cầu phao sẽ giúp chia sẻ cùng với cầu Thăng Long trong khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng. Khi nào việc sửa chữa cầu Thăng Long hoàn chỉnh thì cầu phao mới hết nhiệm vụ tại khu vực Chèm.

Ngoài việc khảo sát tại hiện  trường thì Binh chủng đã có kế hoạch đưa lực lượng nào làm chủ chốt trong việc lắp ráp cũng như quản lý vận hành cầu phao Chèm?

Hiện chúng tôi đã tập trung khí tài và đang phối hợp với địa phương giải toả đường ra vào cầu và làm bến lên xuống cầu. Hai đơn vị chủ lực của Binh chủng là Lữ 239 và Lữ 249 sẽ tham gia lắp ráp và vận hành cầu phao.

Nếu quyết liệt, sau khi có bến một giờ là đơn vị sẽ hoàn thành việc bắc cầu. Kế hoạch là cuối chiều ngày 23/11 chúng tôi sẽ hoàn thành việc bắc cầu phao.

Cảm ơn Thiếu tướng.

( Theo Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,