221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244099
"Gian nan là nợ..." ở Nông trường Sông Hậu
1
Article
null
Bài 2:
'Gian nan là nợ...' ở Nông trường Sông Hậu
,

 - Tháng 4/1979, 16 chàng trai, cô gái đi theo Giám đốc Trần Ngọc Hoằng bơi xuồng vào vùng đất hoang hóa sình lầy để 30 năm sau lo được cuộc sống ấm no cho gần 16 ngàn người dân.

Dường như ông trời cũng bất công: Người hay lo thường vất vả! Người xưa có câu:  “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”, vận vào trường hợp này ngẫm thấy đúng.

16 người, 30 năm và ấm no của gần 16 ngàn người

Năm 2000, chị Ba Sương được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong số hiếm hoi phụ nữ ngành nông nghiệp thời đổi mới được phong tặng danh hiệu cao quý này. Năm 2002, tại Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tổ chức ở Singapore, chị được tặng danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương" về kinh doanh. 

Nông trường Sông Hậu những ngày đầu vừa thành lập. Ảnh: CTV.

Những danh hiệu ấy và nhiều danh hiệu khác là sự đánh giá công lao của chị với cộng đồng.

Có thể hình dung một cách rất khái quát như thế này: Cả nước ta có 1.500 xã nghèo thuộc diện 135, tức là diện rất nghèo được chương trình 135 của Chính phủ ưu tiên đầu tư để thoát nghèo.

Nếu so sánh với các xã 135 ấy, điểm xuất phát của Nông trường Sông Hậu xếp hàng cuối cùng, nghĩa là nghèo nhất, nghèo đến mức hầu như không có gì ngoài đất đai hoang hóa, bùn lầy.

Tháng 4/1979, mười sáu chàng trai cô gái đi theo Giám đốc Trần Ngọc Hoằng bơi xuồng vào vùng đất ấy với 10 chiếc máy kéo mua chịu của Chi cục Cơ khí Hậu Giang và 50.000 đồng vay của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Thốt Nốt để mua gạo, muối, nồi, niêu, bát đũa và dựng mấy túp lều.

Nhưng cái xã 135 nghèo nhất là Nông trường Sông Hậu thời kỳ đầu ấy đã thoát khỏi đói nghèo sớm nhất trong 1.500 xã nghèo. Thoát nghèo mà không tốn tiền ngân sách. Thoát nghèo hòan toàn bằng tự lập, bằng sức lao động bền bỉ cộng với khoa học kỹ thuật và với tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Đó là điều cuối cùng quan trọng nhất và là cội nguồn sức mạnh của Nông trường, vượt qua các khó khăn trở ngại để đi đến thành công. 

Cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) , Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, người khai phá, xây dựng lên Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

Nông trường có 3.000 hộ với gần 16.000 nhân khẩu, từ đói nghèo hạng nhất đi lên mà mấy chục năm nay, không cần ai phải đến cứu đói. Chỉ có Nông trường đi cứu đói nơi khác.

Những năm đồng bằng sông Cửu Long gặp lũ lớn, nhiều nơi dân tình nháo nhác khổ sở trăm bề, vùng đất Nông trương Sông Hậu vẫn bình yên. Những khi đồng bằng sông Cửu Long gặp dịch bệnh, sản xuất khốn đốn như năm 1992 bị dịch rầy nâu hoành hành xơ xác thì lúa ở Nông trường Sông Hậu vẫn xanh tốt. Năm ấy không những vẫn đạt sản lượng cao mà Nông trường còn có 10.000 tấn lúa kháng rầy cung cấp cho nông dân trong vùng làm giống.

Rồi những xã giàu trầy trật với vấn đề “ly nông bất ly hương” và vấn đề lao động dư thừa thì Nông trường Sông Hậu đã xây dựng xong 16 xí nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, lâm sản, cơ khí để thu hút 2.000 người vào làm việc.

Do đó, khi ở nhiều nơi, không ít nông trường quốc doanh thua lỗ nặng nề thì Nông trường vẫn có lời. Chỉ tính từ 1993 đến 2005 trả lãi vay ngân hàng hơn 235 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 82 tỷ đồng. Vài năm gần đây bị “búa rìu” dư luận chĩa vào nhưng Nông trường vẫn đứng vững bởi Nông trường đứng trên đôi chân của mình, đi lên bằng nội lực của mình, đã quen với sóng gió.

Năm 2007, Nông trường là một trong 129 doanh nghiệp cả nước được trao “Giải thương hiệu mạnh Việt Nam” và chị Ba Sương được tặng danh hiệu “Người phụ nữ tài năng tòan quốc”.

Có một sự kiện không nhiều người biết là Nông trường Sông Hậu đã cử hai cán bộ trẻ tham gia “Tuần lễ nông dân Indonesia” từ ngày 6 đến 12/7/2007. Đây là họat động thường niên của Indonesia, năm 2007 có đại diện nông dân các nước Nhật Bản, Thái Lan, Phi-líp-pin, Căm-pu-chia, Mi-an-ma tham dự.

Hai cán bộ của Nông trường Sông Hậu được phía bạn mời trực tiếp, đại diện cho nông dân Việt Nam là anh Huỳnh Quốc Quân và Nguyễn Tuấn Anh. Trong khuôn khổ Tuần lễ có hội thảo “Diễn đàn nông dân ASEAN” do Bộ Ngọai giao, Bộ Nông nghiệp và Ban thư ký ASEAN tổ chức ngày 8/7, mô hình đa canh của Nông trường Sông Hậu đã được đánh giá cao bởi giải quyết được 4 vấn đề lớn của nông dân ASEAN hiện nay: Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng; tạo thương hiệu cho nông sản để vào các thị trường phát triển; và cuối cùng thu hút được tuổi trẻ ở lại với nghề nông.

Khi anh Nguyễn Tuấn Anh tự giới thiệu bằng tiếng Anh rằng anh là nông dân thế hệ thứ 3 ở Nông trường Sông Hậu, một Nông trường từ 16 người khai phá ban đầu nay có gần 16.000 dân thì buổi hội thảo vỗ tay kéo dài.

Sau những bộn bề

Lo cho hàng vạn nông dân có cuộc sống no đủ và có tương lai ổn định là giải quyết được vấn đề rất lớn có tầm khu vực, vấn đề của nhiều châu lục trên thế giới. Một vấn đề lớn như thế, nếu thu hút hết tinh lực của một hay hai cuộc đời, thậm chí nhiều hơn thì cũng là điều dễ hiểu.

Nên dù đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý, mỗi lần gặp chị Ba Sương, tôi vẫn thấy chị tất bật bận rộn.

Cán bộ Văn phòng Nông trường kể, trong chiếc xe con chị thường đi, chị chuẩn bị sẵn cái gối nhỏ và tấm mền mỏng, rất nhiều khi chị đi suốt đêm trên đường, xe chạy và chị nằm ngủ co ro, đến nơi nào đó vừa sáng là chị làm việc luôn với đối tác, với khách hàng của Nông trường. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nông trường Sông Hậu khi còn là nhà lá, nhưng năng suất trồng lúa đã dẫn đầu cả nước. Ảnh: CTV.

Một tối nọ, tôi đi công tác và ghé vào Nông trường Sông Hậu để hỏi thêm một số thông tin. Khu Nông trường bộ ban tối im ắng, chỉ có mấy ngọn đèn điện lặng lẽ tỏa thứ ánh sáng nửa trắng nửa vàng êm đềm và đượm buồn. Tôi tính đi tìm cán bộ kỹ thuật thì nhác thấy phòng làm việc của chị Ba Sương mở cửa, liếc vào thấy chị đang nằm còng queo trên ghế xem ti vi.

Vóc dáng chị vốn nhỏ, khi nằm còng queo trông càng nhỏ, lọt thỏm trong cái ghế sa lông nom như một cô bé, xung quanh vắng vẻ, chỉ có tiếng nói đều đều phát ra từ ti vi làm cho sự vắng vẻ càng thêm hiu hắt. Một sự cô đơn bao trùm gian phòng! Sự cô đơn se sắt thật khó tả thành lời.

Chỉ có thể hình dung để suy ngẫm mà thôi, là cách một đỗi không xa, theo con đường thoáng đãng kia đi tiếp sẽ bắt gặp những ngôi nhà ấm cúng tràn đầy tiếng nói cười, tiếng của người già xen lẫn tiếng trẻ thơ, tiếng của chồng dịu dàng bên tiếng vợ, tiếng trẻ học bài, tiếng guốc dép đi lại, và có thể cả tiếng mè nheo đòi ăn, đòi uống, đòi chơi, có thể có tiếng cộc cằn không kiềm chế hòa với tiếng gà lục cục trong chuồng, chó sủa đổng bóng trăng và gió xào xạc ngọn cây…

Tất cả âm thanh trộn lẫn ấy làm nên một không gian trìu mến không gì thay thế được: Hạnh phúc gia đình!

Nhưng sẽ chẳng có gì phải nói thêm ở đây, nếu tôi không nhìn thấy một sự cô đơn khác lớn hơn ở chị Ba Sương: Nỗi cô đơn trong công việc. 

Nông trường Sông Hậu hôm nay. Ảnh: CTV.

Trở lại thời điểm năm 1989, khi tôi hỏi chị là có người cho rằng Nông trường Sông Hậu tổ chức sản xuất theo phương thức tư bản chủ nghĩa? Chị trả lời ngay: “Có thể, nhưng phân phối thu nhập theo phương thức xã hội chủ nghĩa”. Tôi đã viết câu này lên báo bởi tôi thấy sự năng động lạ lùng trong đó, năng động trong tư duy.

Lúc đó, nói đến tư bản chủ nghĩa là người ta thường nghĩ đến một cái gì tương tự với phủ định chủ nghĩa xã hội, cũng như thể phủ định chế độ hiện hữu, một điều “hứa hẹn” nhiều lôi thôi trong cuộc sống.

Nhưng làm việc theo “cách” tư bản chủ nghĩa để thực hiện “mục tiêu” xã hội chủ nghĩa thì vấn đề đã khác rồi. Vế trước chỉ là phương tiện, vế sau mới quan trọng: vế sau còn là tư tưởng, lập trường.

Cuộc sống phát triển, đôi khi con người lại vướng vào những khái niệm do chính mình đặt ra mà không thể nhảy qua như nhảy qua một ngọn núi, phải đau đầu nghĩ ra khái niệm thay thế.

(còn tiếp)

  • Sáu Nghệ 
     
    (Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - nhà báo hiện sống ở ĐBSCL)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,