Hà Nội:
Cầu phao thông, đường vào... tắc
Cập nhật lúc 16:22, Thứ Ba, 24/11/2009 (GMT+7)
- Do đường giữa bãi bồi nối 2 nhánh cầu phao bị sụt lún, nên đã có hàng trăm xe xếp hàng dài chờ đợi trên đường dẫn xuống cầu phao (bắc qua sông Hồng, Hà Nội) phía bờ Nam, gây cảnh ùn tắc hàng giờ đồng hồ.
Vừa qua cầu vừa kéo
Vừa qua cầu vừa kéo
Từ 8h30 ngày 24/11 cầu phao Chèm chính thức đón xe tải, xe khách vượt sông Hồng, giảm tải cầu thăng Long. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới thăm và chúc mừng các đơn vị đã nỗ lực trong việc đưa cầu phao Chèm vào hoạt động.
Theo quan sát của chúng tôi, những chuyến xe đầu tiên đã qua cầu khá êm thuận, từ cả hai hướng Bắc và Nam sông Hồng.
Tuy nhiên, đến 10h trưa, sau khoảng 50 lượt xe qua cầu, tuyến đường dẫn lên bãi bãi bồi ở giữa sông đã có hiện tượng sụt lún, khiến nhiều xe mắc lầy, chết máy. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đường lên cầu phía bờ Nam, từ cầu phao lên đê Hữu Hồng, cũng có nhiều xe bị chết máy.
Tại đầu cầu bờ Nam, một chiếc xe cứu kéo của lực lượng công binh Lữ đoàn 239 luôn trong tình trạng “sẵn sàng xuất kích”.
Không chỉ những xe tải chở nặng, mà những chiếc xe cỡ nhỏ khi đi hết cầu phao, chuẩn bị lên dốc đường dẫn thì bỗng nhiên… chạy lùi. Phải nhờ lực lượng thanh tra giao thông và công binh dùng đá chèn bánh sau xe mới dừng lại. Sau năm lần bảy lượt không thể tự lên dốc, một số chiếc xe đã phải cầu viện xe cứu kéo của bộ đội.
Tuy vậy, không ít trường hợp xe cứu kéo cũng quay tít bánh sau, bắn bùn đá tung tóe như sắp... ”sa lầy”. Lính công binh phải vừa móc cáp kéo, vừa đẩy thì xe mới lên được đường dốc.
Lúc 11h, một chiếc xe tải 3 tấn chạy từ hướng Bắc, sau khi vượt nhánh cầu phao dài 110m phía Đông Anh (do Lữ đoàn 249 bắc) đã bị sa lầy ngay trước đường dẫn xuống nhánh cầu phía Bắc. Lúc này, gần 10 chiến sỹ của Lữ đoàn công binh 249 phải xắn tay đẩy thì chiếc xe mới có thể xuống cầu.
Trực ban của Lữ 249 ở chốt bãi giữa, Trung uý Nguyễn Tiến Dương cho biết: “Từ 8h30 đến 11h30, riêng tại bãi giữa đã có 10 xe bị sa lầy, chết máy, phải nhờ lữ đoàn cứu kéo, đẩy xuống cầu hoặc kéo ngược trở lại vào bãi tạm để thông đường cho xe sau qua”.
Ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, sau khoảng thời gian đầu xe qua cầu cả 2 làn, đến giữa buổi sáng, do bãi giữa sụt lún nên xe từ hai hướng phải chờ nhau, hướng này qua thì hướng kia tạm dừng.
“Quả thật địa chất bãi giữa quá phức tạp, đường ở trên đó lại thi công gấp trong 48 tiếng nên sụt lún nhiều chỗ”, ông Sỹ thừa nhận.
Cầu thông, đường “vành đai” tê liệt
Từ khi thông xe kỹ thuật vào 16h hôm 23/11, đến 11h trưa 24/11, cả hai nhánh cầu phao đều hoạt động ổn định, không gặp bất cứ sự cố gì.
Tuy nhiên, trong hơn 3h đồng hồ đón xe vượt sông buổi sáng 24/11, số lượt xe qua cầu chỉ đạt chưa đầy 300 lượt, một con số có lẽ không như mong đợi ban đầu nhằm giảm tải phương tiện cho cầu Thăng Long (hiện có khoảng 3.500 lượt xe qua cầu mỗi ngày).
Trong khi đó, trên đê Hữu Hồng, đoạn xuống bến Chèm qua cầu phao, hàng trăm chiếc xe đủ loại xếp hàng dài hơn 2km chờ đợi đến lượt qua cầu.
Nhiều tài xế tuyến Tuyên Quang, Yên Bái đã có mặt trên Hữu Hồng từ 9h sáng hăm hở chờ qua cầu phao, tránh đi đường vòng hơn 40km nhưng đã tỏ ra thất vọng sau 2 tiếng chờ đợi, trong khi đoàn xe vẫn dài dằng dặc trên đê.
Đến đúng 12h trưa, sau hơn 2 tiếng chờ đợi, đoàn xe mạn bờ Nam mới từ từ nối đuôi nhau xuống cầu.
Cùng lúc đó, tại ngã 3 đường An Dương Vương giao với gầm cầu Thăng Long, các lực lượng chức năng cũng khuyến cáo xe tải (dù chưa tới 16 tấn) hạn chế qua cầu vì đường lún.
Theo Sở GTVT, tình trạng đường lún sẽ được khắc phục ngay, làm cả vào ban đêm, bằng cách đổ đá dăm lên lớp lún sụt. Tuy nhiên, cũng phải mất 1-2 ngày, tình hình sụt lún mới có thể khắc phục hẳn được.
-
Chí Hiếu
,