- “Trồng chè chè chết đến 15-20%, nuôi bò lấy sữa bò chết dần chết mòn, dân phải trả bò lại cho huyện. Đến như trồng tre lấy măng, tre cũng chết rạp hết ngoài đồi…”, ông Hà Văn Mun, Chủ tịch UBND xã Tân Lập đau xót nói về các dự án kinh tế được triển khai đã không đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân bản mới khi về Tân Lập.
Để thi công Nhà máy Thủy điện Sơn La, 12.500 hộ dân với 61.509 nhân khẩu ở vùng lòng hồ Sông Đà thuộc địa bàn tỉnh Sơn La phải di chuyển đến nơi tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, việc đưa người dân đến vùng TĐC mới ở Sơn La hiện đang gặp nhiều khó khăn và bất cập. PV VietNamNet đã có những ngày tìm hiểu thực tế tại một số điểm TĐC ở Tân Lập, Mường La, Quỳnh Nhai... của tỉnh Sơn La để ghi lại những khó khăn mà các cư dân vùng TĐC đang phải đối mặt.
Khu tái định cư (TĐC) ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) là điểm mở đầu cho quá trình di dân TĐC xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Từ năm 2003 đến nay đã có rất nhiều dự án kinh tế được triển khai nhằm ổn định đời sống cho bà con bản mới ở xã Tân Lập, thế nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả.
Dự án trồng...chè hoang
Từ năm 2003 đến năm 2004, 75ha chè Bát Tiên đã được trồng cho dân TĐC và dân bản địa ở Tân Lập nhường đất. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án trồng chè chỉ mang lại vị chát đắng.
Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, khu TĐC của dân bản mới ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) trông khá khang trang, nhưng đi vào bên trong mới thấy đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn do các dự án kinh tế không đem lại hiệu quả. (Ảnh: Vũ Điệp) |
Anh Cà Văn Hặc, ở số nhà 27 bản Hoa 2, mỗi khi nói đến dự án trồng chè vẫn không khỏi lắc đầu ngao ngán. Anh than phiền: “Năm 2003 khi chúng tôi được vận động xuống Tân Lập thì được Ban Quản lý dự án (BQLDA) TĐC tỉnh bảo xuống vùng mới đã có chè trồng rồi, nhưng khi xuống thì đất trồng chè chưa được phát quang. Trong khi đó chúng tôi không hề có kinh nghiệm về trồng chè nên khi trồng hiệu quả và năng suất chè không cao, chè chết gần hết”.
Tân Lập còn hơn 20ha diện tích đất chè Bát Tiên được chủ yếu ở bản Hoa 2 và bản Dọi 2 nhưng năng suất quá thấp.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè trước bản, anh Lò Văn Phương, ở bản Dọi 2 cho biết: “Trước đây chúng tôi còn được Nông trường chè Cờ Đỏ hỗ trợ phân bón và thu mua với giá cao, nhưng một năm trở lại đây do cây chè Bát Tiên không được thu mua nữa nên chúng tôi cũng không được hỗ trợ phân bón. Chúng tôi muốn đầu tư phân bón nhưng không có tiền, vả lại, chè bán với giá quá rẻ nên gia đình tôi đành bỏ mặc, cứ đến mùa thu hoạch được đâu thì hay đấy”.
Chỉ tay vào đồi chè trước bản Dọi 2, anh Lò Văn Phương cho biết: Cây chè Bát Tiên cho năng suất thấp và khó bán nên bà con không thể đầu tư phân bón. (Ảnh: Vũ Điệp) |
Mới đây, sau khi thu hoạch chè xong, thấy Nông trường chè Cờ Đỏ “ép giá” mua với giá thấp 2.500 đồng/kg, anh Phương đã đem chè ra dốc Tân Cương bán với giá 4000 đồng/kg thì bất ngờ bị người của nông trường Cờ Đỏ cho chặn lại, anh Phương không đồng ý bán với giá 2500 đồng/kg, cuối cùng người của Nông trường chè Cờ Đỏ đã mua lại chè của anh với giá 3000 đồng/kg.
Anh Phương bức xúc: “Nhà tôi chỉ có 4 nhân khẩu, tất cả chỉ biết trông vào 5.000m2 đất trồng chè, nhưng thu hoạch từ chè lại không cho năng suất, khi thu hoạch xong bán ra với giá quá rẻ thì chúng tôi không biết phải làm gì để kiếm sống!”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Văn Mun, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: "Xã đã đề nghị với huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La cho chuyển đổi giống chè Bát Tiên bằng giống chè Kim Tuyên, vì giống chè này cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển đổi”.
Đem những bức xúc về khó khăn trong dự án trồng chè của bà con bản mới Tân Lập đến Ban QLDA tái định cư huyện Mộc Châu, chúng tôi được ông Trần Văn Triển, Phó BQLDA tái định cư huyện thừa nhận: Giống chè Bát Tiên được nhập từ Trung Quốc về, trước đây thấy ở Lâm Đồng trồng cho hiệu quả nên BQLDA đã áp dụng đưa về Tân Lập trồng theo. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thấy giống chè này không cho hiệu quả nên BQLDA huyện cũng đang yêu cầu với tỉnh cho trồng thay thế giống chè khác.
Mặc dù thừa nhận giống chè Bát Tiên đang không cho hiệu quả kinh tế, nhưng khi nói về dự án trồng chè ở Tân Lập ông Triển vẫn lạc quan cho rằng: “Về lâu về dài dự án trồng chè ở Tân Lập sẽ phát huy hiệu quả”.
Hiệu quả đâu chưa thấy, hiện tại dự án trồng chè đang khiến cho đời sống của bà con bản mới ở xã Tân Lập lâm vào cảnh khốn đốn.
Bò siêu xương, tre chết rạp ngoài đồi
Cùng với dự án trồng chè, ở Tân Lập còn được thực hiện hai dự án nuôi bò lấy sữa và trồng tre lấy măng. Tưởng như cả hai dự án này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao để ổn định đời sống cho các hộ dân bản mới ở huyện Mường La chuyển về, nhưng thực tế cả hai dự án này đều có chung mẫu số “thất bại”.
Anh Cà Văn Hặc, ở số nhà 27, bản Hoa 2 cho biết: Khi từ huyện Mường La chuyển về Tân Lập, gia đình anh được hướng dẫn trồng cỏ voi và được nhà nước hỗ trợ 1 con bò nuôi lấy sữa, nhưng sau một thời gian nuôi thấy bò ngày càng gầy đi rồi chết nên anh và các hộ được phát bò đã đem bò trả lại cho BQLDA.
Trong mô hình xây nhà sàn cho các hộ gia đình TĐC ở Tân Lập, hệ thống chuồng bò cũng được xây dựng khá kiên cố, nhưng bò chết hết nên chuồng bò bỏ hoang. (Ảnh: Vũ Điệp) |
Ông Hà Văn Mun, Chủ tịch xã Tân Lập giờ đây nghĩ về dự án nuôi bò lấy sữa vẫn không khỏi ngao ngán, ông cho biết: Khi triển khai dự án nuôi bò lấy sữa đã có 96 con bò sữa được phát hỗ trợ cho các gia đình ở bản Hoa 2, bản Dọi 2 nuôi, nhưng sau một thời gian nhiều hộ nuôi thấy bò ngày càng gầy đi rồi chết nên toàn bộ dân bản mới đã đem bò trả lại cho BQL dự án tỉnh.
Dù rất lạc quan về khu TĐC Tân Lập, nhưng ông Trần Văn Triển, Phó BQL dự án TĐC huyện Mộc Châu cũng thừa nhận: “Dự án nuôi bò lấy sữa ở Tân Lập đã thất bại, việc này huyện Mộc Châu đã báo cáo với tỉnh Sơn La và tỉnh đã báo cáo với Chính phủ xin xử lý quyết toán”.
Cũng năm 2004, người dân bản mới Nậm Khao, và 40 hộ dân thuộc hai bản Nòng Cóc, Nà Phay ở xã Tân Lập được BQL dự án tỉnh Sơn La hỗ trợ trồng 10ha tre Bát Độ lấy măng. Tưởng như dự án trồng tre sẽ đem lại hy vọng ổn định đời sống cho các cư dân bản mới, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn toàn bộ diện tích 10ha tre Bát Độ đều chết sạch.
Ông Lò Văn Học, Trưởng bản Nậm Khao, xã Tân Lập nhớ lại: “Khi dự án trồng tre lấy măng được triển khai, bà con dân bản chúng tôi hăm hở đào hố để trồng với mong muốn cây tre sẽ đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng chỉ sau một thời gian được lực lượng công nhân của BQLDA trồng, cây tre Bát Độ không chịu được ảnh hưởng của thời tiết sương muối nên toàn bộ 10ha tre chết rạp hết”.
Dù các dự án kinh tế được triển khai ở Tân Lập đều không đem lại hiệu quả kinh tế và đang trở thành nỗi ám ảnh đối với các hộ dân bản mới, nhưng khi trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Văn Triển, Phó BQLDA tái định cư huyện Mộc Châu vẫn lạc quan cho rằng: “So với các điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh Sơn La, Tân Lập không phải là mô hình thất bại và không phải khu tái định cư nào cũng có khả năng bền vững như Tân Lập!”.
Trong khi đó, nhìn nhận tổng thể về các dự án được triển khai ở khu tái định cư Tân Lập, ông Nguyễn Bá Túc, Trưởng BQLDA tái định cư tỉnh Sơn La lại cho biết: Khu TĐC ở Tân Lập chính là “bài học lớn” của tỉnh Sơn La trong việc di dân tái định cư.
“Tân Lập là dự án điểm, trong quá trình làm có vấn đề này, vấn đề kia và hiệu quả đem lại chúng tôi phải thừa nhận là không cao”, ông Túc thừa nhận.
Ông Túc cho rằng: Để ổn định đời sống cho bà con ở khu TĐC Tân Lập, trước mắt cần phải tái đầu tư phương án hỗ trợ sản xuất. Hiện tại tỉnh Sơn La đã giao cho huyện Mộc Châu lập phương án, nhưng huyện vẫn chưa đưa ra được phương án phê duyệt cụ thể.
Tuy nhiên, khi trao đổi với VietNamNet ông Nguyễn Thế Hiệu, Trưởng BQLDA huyện Mộc Châu cho biết, hiện tại huyện chưa nhận được bất kỳ một văn bản chính thức nào của tỉnh Sơn La về việc lập phương án hỗ trợ tái sản xuất ở khu TĐC Tân Lập.
Trong khi chờ có phương án hỗ trợ tái sản xuất cụ thể từ cấp chính quyền thì người dân bản mới ở Tân Lập vẫn đang phải vật vã trong cơn túng quẫn chưa tìm được hướng mưu sinh.
-
Vũ Điệp