221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1246189
Bài 3: Quay về sống “nhảy dù” trên mảnh đất xưa
0
Article
null
Di dân thủy điện Sơn La:
Bài 3: Quay về sống “nhảy dù” trên mảnh đất xưa
,

 - Trong số 411 hộ dân từ huyện Mường La chuyển về xã Tân Lập, huyện Mộc Châu đến nay đã có 17 hộ bỏ về định cư hẳn ở Mường La, hơn 44 hộ vừa đi - về theo kiểu du mục. Các hộ dân quay về Mường La chủ yếu đều do ở Tân Lập ít đất, đời sống khó khăn nên không còn cách nào khác họ phải quay về đất cũ để tìm cách mưu sinh.

 

Mưu sinh trên mảnh đất xưa

 

Rời Tân Lập đi gần 150km chúng tôi về huyện Mường La (Sơn La) nơi có Nhà máy thủy điện Sơn La đang thi công để tìm lại những cư dân bản mới Tân Lập. Dọc theo ven bờ sông Đà thị trấn Ít Ong, sau gần 1h đồng hồ đi bộ lên đỉnh đồi chúng tôi đã gặp được một nhóm dân cư bản mới ở Tân Lập quay về đang nghỉ giải lao giữa trưa. Họ trở lại mảnh đất xưa tìm đất canh tác trồng ngô, trồng măng, nuôi trâu bò, lợn gà…

  

Mô tả ảnh.
Trong khi Nhà máy thủy điện Sơn La đang thi công thì nhiều hộ dân ở khu TĐC Tân Lập đã trở về Mường La tận dụng những đồi đất ven sông để canh tác. (Ảnh: Vũ Điệp).

Ông Cà Văn Bản ở bản Còn Cu, ngồi nghỉ giải lao giữa trưa tay vón vén điếu thuốc lào, mắt nhìn xa xăm xuống lòng sông Đà rồi bảo: “Chẳng còn lâu nữa khi Nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, thì phía chân đồi này nước ngập hết, nên chúng tôi chỉ tranh thủ được thời gian nước chưa ngập để canh tác tạm. Còn đến khi nước ngập chúng tôi chưa biết phải làm gì để kiếm sống. Biết lên đây canh tác sẽ không được lâu dài, nhưng không còn cách nào khác nên chúng tôi mới phải… quay về!”.

Gia đình ông Bản xuống Tân Lập từ năm 2004, nhưng chỉ sau một năm xuống ở bản Hoa 2 gia đình ông không có công ăn việc làm, đất trồng chè, trồng ngô ít, làm không đủ ăn nên ông đành đưa gia đình quay lại Mường La để làm ăn sinh sống. Quay lại bản Còn Cu có đất làm ruộng, trồng ngô, chăn bò nên tuy cuộc sống có vất vả nhưng gia đình ông Bản không lâm vào cảnh khó khăn như thời còn ở dưới Tân Lập.

 

Cùng cảnh ngộ trở về quê cũ với ông Bản, ông Lò Văn Dịn, không giấu được nỗi buồn mỗi khi nghĩ về cuộc sống của con cháu mình sau khi trở về bản mới Tân Lập. Sau cái thở dài ngao ngán, giọng trầm buồn ông Dịn kể: Năm 2004, sau khi gia đình ông chuyển xuống Tân Lập thấy khó sống nên ông đã chuyển về bản Còn Cu, thị trấn Ít Ong để tìm đất canh tác. Ở nơi ở cũ cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng ông cũng đủ ăn và còn tích cóp được đôi chút đề phòng khi ốm đau.

 

Mô tả ảnh.
Ông Cà Văn Bản cho biết: "Biết trở về Mường La canh tác sẽ không được lâu dài, nhưng không còn cách nào khác nên chúng tôi mới phải… quay về!”.

Tuy nhiên, nỗi khổ tâm hiện nay của vợ chồng ông Dịn chính là người con trai cả của ông, anh Lò Văn Quý hiện đang “cắm” lại ở bản Hoa 2, Tân Lập. Ông Dịn kể: Sau khi chuyển xuống bản Hoa 2, Quý may mắn được nhận vào làm ở xưởng chè trong bản, nhưng công việc không liên tục nên lương tháng cũng không đủ để nuôi sống vợ con. Hiện tại vợ chồng Quý vẫn đang phải cắm nợ 15 triệu đồng tiền gạo mà chưa biết phải lấy đâu ra để trả. 

Với những gia đình vốn không giỏi xoay xở khó khăn đã đành, nhưng ngay với các hộ dân vốn được xem là khá giả khi còn ở Mường La, sau khi về Tân Lập cũng thấy khó sống nên đành phải tìm cách quay về quê cũ để mưu sinh.

 

Trên con đường dốc cao chót vót thuộc bản Thẩm Thon, xã Tạ Bú (Mường La), vợ chồng ông Lò Văn Xoan và bà Lò Thị Niên đã rời khu tái định cư Tân Lập về đây dựng lại một túp lều chăn nuôi gia súc gia cầm để có thêm thu nhập nuôi bốn đứa con lớn đang tuổi ăn học.

 

Bà Niên bảo: Xuống Tân Lập ít đất canh tác, lo gạo ăn chưa đủ huống chi nghĩ đến chuyện có lương thực để chăn nuôi, chính vì vậy vợ chồng bà đành phải quay về thị trấn Ít Ong thuê nhà ở rồi lên đây chăn nuôi để kiếm sống.

 

Mô tả ảnh.
Gia đình bà Lò Thị Niên thấy ở Tân Lập khó sống nên đã trở về Mường La thuê nhà ở thị trấn Ít Ong rồi lên ven đồi bên bờ sông Đà, nơi đang thi công Nhà máy thủy điện Sơn La dựng lều chăn nuôi. (Ảnh: Vũ Điệp).

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn lợn, gà, dê nhốt trong chuồng làm tạm ven đồi, bà Xoan không giấu nổi vui mừng cho biết vợ chồng bà đang ăn nên làm ra ở vùng đất cũ, bà Xoan bảo: “Quay về đây đất rộng, lương thực sẵn nên tuy vợ chồng tôi có vất vả đôi chút nhưng mỗi năm cũng thu được từ 25 đến 30 triệu đồng từ chăn nuôi, số tiền này đủ để vợ chồng tôi nuôi các con ăn học chứ không khó khăn như ở dưới Tân lập”.

“Chúng tôi muốn được sống lâu dài trên đất cũ”

 

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, khi tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, lúc đó mực nước sông Đà sẽ ngập cao khiến cho nhiều vùng đất đang được bà con Tân Lập quay về tận dụng canh tác ngập sâu trong nước. Dù biết thế nhưng nhiều hộ gia đình bản mới sống “nhảy dù” vẫn không muốn chuyển về Tân Lập.

 

Xách bó măng trồng trên đồi ở bản Thẩm Thon sát ven sông Đà ra chợ bán về, bà Quàng Thị Nhung, ở bản Còn Cu không khỏi vui mừng cho biết, ở Mường La nhiều đất, nên việc trồng rau, trồng măng thu hoạch và đem đi bán để có từ 70 đến 100 nghìn đồng/ngày đối với gia đình bà không khó. Điều này trái ngược hoàn toàn với ngày bà ở bản Hoa 2, Tân Lập không biết trồng cây gì, nuôi con gì…

 

Mô tả ảnh.
Bà Quàng Thị Nhung cho biết: Gia đình bà không muốn quay về Tân Lập vì ở dưới đó ít đất, việc làm không có nên làm ăn rất khó khăn. Còn ở Mường La nếu nước sông Đà lên cao thì gia đình bà sẽ canh tác lấn dần lên vùng đất cao hơn mực nước dâng. (Ảnh: Vũ Điệp).

Khi được chúng tôi hỏi: Khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động nước ngập lấn đất liệu gia đình bà sẽ tính ra sao? Bà Nhung nhất quyết khẳng định: Gia đình bà không muốn quay về Tân Lập vì ở dưới đó ít đất, việc làm không có nên làm ăn rất khó khăn. Còn ở Mường La nếu nước sông Đà lên cao thì gia đình bà sẽ canh tác lấn dần lên vùng đất cao hơn mực nước dâng.

“Chúng tôi không thể sống nếu không có đất canh tác, nên bằng mọi giá chúng tôi vẫn muốn được ở trên đây làm ăn sinh sống. Nước sông Đà ngập thì chúng tôi sẽ canh tác lấn lên vùng đất cao. Chúng tôi quen sống ở đây rồi!”, bà Nhung cho biết.

 

Dù đang rất vui mừng với thành quả chăn nuôi canh tác của gia đình mình, nhưng khi nghĩ tới cảnh nước thủy điện dâng, thì bà Lò Thị Niên cũng không khỏi băn khoăn, bà Niên bảo: “Hiện gia đình tôi đang canh tác trên vùng đất của bản Thẩm Thon, xã Tạ Bú nên nếu nước ngập thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng tôi không biết chắc mình có được ở đây lâu nữa không. Chúng tôi chỉ muốn được ở nơi có điều kiện đất tốt để làm ăn sinh sống, chứ về dưới Tân Lập sống như trước kia thì chúng tôi không sống nổi”.

 

Mô tả ảnh.
Bà Lò Thị Niên cho biết: "Chúng tôi chỉ muốn được ở nơi có điều kiện đất tốt để làm ăn sinh sống, chứ về dưới Tân Lập sống như trước kia thì chúng tôi không sống nổi".

Chỉ tay ra cánh đồng lúa trước nhà, ông Lường Văn Lánh, ở bản Còn Cu (trước sống ở số nhà 14 ban Hoa 2, Tân Lập) không khỏi băn khoăn khi nghĩ tới chuyện một ngày gần đây gia đình ông phải chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống. 

Ông bảo, ở đây ngoài diện tích đất canh tác trên đồi thì một năm hơn 3 sào lúa với 2 vụ thu hoạch cũng đủ để cấp lúa gạo cho gia đình ông ăn trong năm không phải mua chịu gạo như ở dưới Tân Lập nên bằng mọi giá ông phải bám lại thị trấn Ít Ong để sống.

Ông Lù Văn Mẳn, Phó Bí thư UBND thị trấn Ít Ong, huyện Mường La cho biết: Hiện trên địa bàn thị trấn có 119 hộ với 105 nhân khẩu đi tái định ở Tân Lập huyện Mộc Châu và ở Nà Nhụng, xã Mương Chiên (Mường La) quay lại định canh định cư lại trên địa bàn thị trấn. Các hộ dân này tập trung tại các điểm: Cát Tát, Na Khén, Huây Tỉnh, Huây Quanh, Bản Lót và để vận động các hộ quay lại khu TĐC mới gặp rất nhiều khó khăn.

 

“Chức năng của UBND thị trấn cũng chỉ dừng ở việc động viên bà con quay về bản mới, còn nếu sự việc phức tạp hơn thì UBND thị trấn không thể xử lý được”, ông Mắn cho biết.

 

Mô tả ảnh.
Ông Lánh bảo: Ở Mường La ngoài diện tích đất canh tác trên đồi đất thì một năm hơn 3 sào lúa với 2 vụ thu hoạch cũng đủ để cấp lúa gạo cho gia đình ông ăn trong năm không phải mua chịu gạo như ở dưới Tân Lập nên bằng mọi giá ông phải bám lại thị trấn Ít Ong để sống.


Ngay đến cả ông Nguyễn Bà Túc, Trưởng BQLDA tái định cư tỉnh Sơn La cũng thừa nhận: Đến tháng 4/2010 nước của nhà máy thủy điện ngập cao, đất ở khu vực được các hộ dân đang sử dụng sinh sống không thể sử dụng được nữa chính vì vậy cần phải vận động bà con quay lại vùng đất tái định cư mới Tân Lập. Tuy nhiên, nếu vận động không tốt bà con sẽ ở hẳn trên Nhà máy thủy điện Sơn La điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình di dân tái định cư của tỉnh.

 

Để ổn định đời sống cho các hộ dân TDC Tân Lập và vận động tốt các hộ dân từ Mường La quay trở lại, theo ông Túc cần phải tái đầu tư phương án hỗ trợ sản xuất. Hiện tại tỉnh Sơn La đã giao cho huyện Mộc Châu, nhưng huyện Mộc Châu vẫn chưa đưa ra được phương án phê duyệt cụ thể.

  •  Vũ Điệp
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,