- Không chỉ các doanh nghiệp vận tải mà hàng ngàn người dân cũng đang phải đóng phí oan tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội suốt từ 2001 đến nay nhưng chưa ai lên tiếng bảo vệ.
Người dân cũng bị thu phí oan suốt 8 năm qua
Ngay từ khi đi vào hoạt động năm 2001, trạm thu phí xa lộ Hà Nội (XLHN) gặp không ít phản ứng từ phía các doanh nghiệp vận tải vì thu phí sai đối tượng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Theo thống kê của hiệp hội, khoảng 90% lượng xe tải từ các cảng quận 4, 7, Nhà Bè đi qua đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng để ra quốc lộ 52 (xa lộ Hà Nội) về hướng Đồng Nai, Bình Dương… và ngược lại.
Và nhất là sau khi trạm thu phí này dời về phía dưới cầu Rạch Chiếc, Q.9 thì số lượng phương tiện bị thu phí oan càng nhiều.
Đáng nói hơn, không chỉ có xe tải mà hàng trăm phương tiện khác như xe khách, xe du lịch, xe ô tô cá nhân… ra vào trung tâm thành phố không đi đường Điện Biên Phủ cũng đóng phí oan từ năm 2001 đến giờ.
Theo thống kê không chính thức từ Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, tính riêng lượng xe ra vào Cảng Cát Lái, mỗi ngày trung bình là 1.300 lượt, đã bị thu phí "oan" tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội.
Anh Phạm Bá Hình, người dân phường An Phú, Q.2 thắc mắc nếu trạm thu phí XLHN dùng để thu phí hồi vốn cho đường Điện Biên Phủ, sao lại bắt người dân đi các tuyến đường khác cũng phải nộp phí?
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trạm thu phí XLHN cũ cách đường Điện Biên Phủ (qua cầu Sài Gòn) khoảng 2km và trạm mới cách tuyến đường này khoảng 5km.
Như vậy, trong quãng đường 5km từ Điện Biên Phủ tới trạm thu phí mới có hàng chục tuyến đường kết nối vào XLHN như Thảo Điền, Trần Não, ngã ba Cát Lái (Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Liên tỉnh lộ 25B)… Điều này nghĩa là người dân lưu thông trên tất cả các tuyến đường trên qua XLHN dù không đi đường Điện Biên Phủ đều phải nộp mua phí.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội phải được đặt ở đường Điện Biên Phủ thay vì xa lộ Hà Nội (đường màu cam) cách đó khoảng 5km để "đón lõng" thêm hàng ngàn lượt phương tiện khác. Ảnh: diadiem.com |
Thậm chí, không chỉ người dân có xe ô tô cá nhân, xe khách, xe du lịch mà cả người không có xe cũng bị “móc túi” gián tiếp. Anh Hoàng Hải, tài xế taxi Vinasun giải thích: “Tiền vé qua trạm thu phí do khách tự trả. Vậy nghĩa là cả người đi xe taxi cũng bị mất tiền oan. Tôi không phải mất số tiền này nhưng cũng bức xúc vì việc thu phí sai đối tượng của chủ đầu tư”.
"Trước đây tôi chở khách theo tuyến đường từ Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, Liên tỉnh lộ 25B… về hướng quận Thủ Đức và ngược lại không hề phải nộp phí", anh Hải nói thêm.
Người dân cũng cần được bồi thường thiệt hại!
Được biết tới thời điểm này, mới chỉ có Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp vận tải. Theo đó, hiệp hội liên tiếp gửi các văn bản kiến nghị, yêu cầu CII ngừng ngay việc thu phí trái pháp luật trên và trả lại toàn bộ phí thu sai từ năm 2001.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GTVT và CII đưa ra phương án miễn thu phí xe qua liên tỉnh lộ 25B và triển khai ngay trong tháng 10/2009. Tuy nhiên, tới thời điểm này, hàng ngàn phương tiện qua trạm thu phí vẫn phải mất tiền oan.
Theo hiệp hội, từ tháng 7 đến nay, UBND thành phố đã có 3 văn bản chỉ đạo và giao Sở GTVT giải quyết các kiến nghị của hiệp hội. Thế nhưng tại cuộc họp ngày 26/10, Phó Giám đốc Sở GTVT lại khẳng định vụ việc nằm ngoài khả năng của Sở và kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì rà soát lại các văn bản pháp lý về đối tượng thu phí…
Chỉ mới có Hiệp hội Vận tải lên tiếng bảo vệ các doanh nghiệp trong khi người dân cũng đang bị đóng phí oan từng ngày. Ảnh: Thái Phương |
Vì thế, ngày 3/11, Hiệp hội Vận tải tiếp tục gửi văn bản đưa ra phương án giải quyết việc thu phí sai đối tượng tại trạm thu phí XLHN. Theo đó, hiệp hội đề nghị UBND thành phố quyết định tạm thời ngừng hoạt động trạm thu phí này và dời về đường Điện Biên Phủ để thu đúng đối tượng theo quy định.
Đồng thời, trạm thu phí XLHN cần ngừng hoạt động để chờ CII đưa ra giải pháp triệt để là tất cả các phương tiện không sử dụng đường Điện Biên Phủ thì không phải đóng phí. Khi nào giải pháp trên được cộng đồng doanh nghiệp và UBND thành phố chấp thuận mới được thu phí trở lại.
Nếu hai giải pháp trên không thực hiện thì đề nghị UBND thành phố mua lại quyền thu phí từ CII và giao cho một doanh nghiệp khác lập trạm mới trên đường Điện Biên Phủ nhằm thu đúng đối tượng.
Trong lúc chờ CII đưa ra phương án giải quyết hợp lý thì không chỉ doanh nghiệp vận tải mà hàng ngàn người dân cũng đang bị đóng phí oan.
“Trước giờ nghe báo chí phản ánh nhiều nhưng cứ nghĩ chỉ doanh nghiệp vận tải mới bị thiệt hại, không ngờ chúng tôi cũng đang bị “móc túi’ mà không thấy ai lên tiếng bảo vệ” - chị Thanh, người dân phường Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 cho biết.
-
Thái Phương