– Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến TP.HCM cần dự trữ lương thực, nước uống đề phòng tình huống lũ có thể xảy ra gây chia cắt nhiều ngày.
2/11 bão sẽ đổ bộ, diễn biến khó lường
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, vào chiều tối 30/10, bão Mirinae chỉ còn cách Philippines khoảng hơn 200km với sức gió ở gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13.
Như vậy, vào sáng sớm ngày 31/10, bão Mirinae (bão số 11) sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông, cường độ bão lúc này vẫn mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Vào chiều tối cùng ngày, bão Mirinae sẽ còn cách đảo Hoàng Sa khoảng hơn 700km.
“Đây là một cơn bão với cường độ mạnh và tốc độ di chuyển nhanh, có thời điểm bão đã di chuyển với tốc độ 30-35 km/h. Tuy nhiên, sau khi vào biển Đông, bão Mirinae sẽ suy yếu đi 1-2 cấp và di chuyển chậm hơn, khoảng 20km/h”, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định.
Dự kiến ngày 2/11 bão sẽ đổ bộ vào đất liền (Ảnh: NCHMF) |
Hiện ở phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh cường độ mạnh di chuyển xuống nước ta. Dự báo vào sáng sớm ngày 1/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ tràn xuống các tỉnh miền Bắc, bởi vậy, diễn biến của bão Mirinae khi vào biển Đông sẽ rất phức tạp.
“Hiện có 2 khả năng có thể xảy ra: Nếu bão chịu tác động của không khí lạnh, bão sẽ đổ bộ sâu xuống phía Nam và nhiều khả năng sẽ suy yếu tiếp. Song, nếu không chịu tác động của không khí lạnh, bão Mirinae sẽ tiến thẳng và độ bộ vào khu vực Nam bộ trong ngày 2/11”, ông Tăng cho hay.
Tuy nhiên, bão Mirinae khi đổ bộ sẽ không mang theo mưa lớn như bão số 9 vừa qua, mưa sẽ tập trung vào ngày 2 và 3 /11 với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm. Khu vực các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến TP HCM cũng được xác định sẽ có mưa lớn.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong khoảng 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Đến 16 giờ ngày 1/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc, 113,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng – Khánh Hòa khoảng 500km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 16 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc, 108,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Gần sáng và ngày 1/11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 3 – 4, vùng ven biển cấp 5. Vịnh bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh
Không xả lũ bừa bãi
Điều đáng ngại nhất hiện nay là một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 9, nhiều vùng sâu vùng xa giao thông vẫn chưa được khắc phục, lương thực khan hiếm nguy cơ thiếu đói rất cao. Mặt khác, phần lớn các hồ chứa ở khu vực này đã đầy hoặc mức nước cũng đã đạt 80%.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh có hồ chứa phải vận hành đúng quy trình, không xả lũ bừa bãi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (Ảnh minh họa: Nhà máy thủy điện A Vương xả lũ trong cơn bão số 9 đã làm vùng hạ lưu ngập nặng hơn. Đây là bài học xương máu được rút ra sau khi bão số 9 đi qua) |
Điều đáng ngại không kém nữa là theo thông báo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, hiện đang có 4.416 tàu/31.240 lao động đang hoạt động trong phạm vi được xác định là vùng nguy hiểm của bão.
Chỉ đạo đối phó với bão Mirinae, trong cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chiều 30/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các tỉnh từ Quảng Bình đến TP.HCM cần triển khai nghiêm túc các phương án phòng chống tại chỗ.
Các địa phương cần kiểm tra, rà soát, tăng cường dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực có khả năng bị chia cắt khi có bão lũ, đặc biệt đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng của bão số 9 để chủ động đối phó khi mưa bão xảy ra.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh ven biển được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, vùng biển nguy hiểm được xác định từ Quảng Bình đến TP.HCM.
“Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong thời điểm này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có hồ chứa phải đảm bảo vận hành hồ theo đúng quy trình đã được thiết kế, không xả lũ, cắt lũ bừa bãi tránh thêm lũ nhân tạo.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn lúc 6h30 chiều 30/10 yêu cầu các địa phương cần tổ chức trực ban chặt chẽ và tiếp tục thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão ở nơi an toàn.
-
Cẩm Quyên