221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1239959
Thu hồi đất công lãng phí: Vì sao còn gian nan?
0
Article
null
Thu hồi đất công lãng phí: Vì sao còn gian nan?
,

 - Tình trạng được thuê nhà, đất nhưng sử dụng sai mục đích, cho thuê lại, bỏ trống... đang rất phổ biến tại các địa chỉ nhà đất thuộc Nhà nước quản lý. Với những trường hợp này, UBND TP kiến nghị Chính phủ “mạnh tay” giao thêm thẩm quyền xử lý cho TP. 
 
Đua nhau “kiếm chác”
 
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM (Sở TN-MT), TP hiện có 521.200m² đất được các doanh nghiệp cổ phần hóa đem cho thuê lại để hưởng chênh lệch, nhất là khi giá Nhà nước cho thuê còn nặng tính bao cấp như hiện nay.

Nếu so sánh, hiện giá cho thuê đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP bằng 2% khung giá quy định/tháng, trong khi, mức giá quy định của Nhà nước công bố hàng năm chỉ bằng từ 30% đến 40% giá thị trường... thì khoản chênh lệch trên là rất lớn. Lợi nhuận “trên trời rơi xuống” này khiến nhiều doanh nghiệp (DN)  “ôm” đất cho thuê lại.

d
Phần đất cho thuê làm quán cà phê Napoli thuộc diện thu hồi từ năm 2005, đến nay vẫn "án binh bất động" (?) Ảnh: Thái Thiện  
Trường hợp Công ty Cổ phần May da Sài Gòn là một ví dụ. Công ty này được giao sử dụng mặt bằng có diện tích 712m² tại số 32/2 Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận, nhưng cho Trường THPT Dân lập Hồng Hà thuê sử dụng làm trường học với giá từ 21 triệu đồng lên đến 30 triệu đồng/tháng.

Với vị trí “đất vàng”, hợp đồng cho thuê giá rẻ này sẽ không bị phát hiện nếu không có sự tranh chấp khiến bên thuê và cho thuê kéo nhau ra toà. 
 
Phát hiện việc “âm thầm” cho thuê đất công được giao khi không còn nhu cầu sử dụng, Sở TN-MT đề xuất hướng xử lý: “Sau khi cổ phần hoá, Công ty Cổ phần May da Sài Gòn đã không đưa vào sử dụng mặt bằng 32/2 Trương Quốc Dung mà cho Trường THPT Dân lập Hồng Hà thuê. Điều này thể hiện công ty không có nhu cầu sử dụng đất để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo hướng dẫn của Bộ TN-MT, Nhà nước thực hiện thu hồi (có bồi thường giá trị tài sản trên đất) để cho thuê hoặc giao cho người có nhu cầu...”.

Cũng theo kiểm tra của Sở TN-MT, Công ty Cổ phần May da Sài Gòn từng cho thuê mặt bằng 284/1A Lê Văn Sỹ, quận 3, có diện tích 704m2 để làm tụ điểm karaoke Nice, thu chênh lệch rất lớn từ đơn giá đất công và giá thị trường.  

d
Phía sau cánh cửa sắt này là bãi giữ xe. Đây là "chiêu" đối phó của một DN ghim đất vàng tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: Thái Thiện 


Một trường hợp khác, mà VietNamNet từng đề cập, là khu đất công sử dụng sai mục đích thuộc quyền quản lý của Sài Gòn Ship hiện là quán cà phê Napoli vẫn chưa thu hồi được.

Hơn 700m2 đất công tại số 7 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, được Sài Gòn Ship cho DN tư nhân Ngọc Anh thuê dài hạn, theo một nguồn tin - mức giá là vài ngàn USD/tháng, nếu so với mức độ “đẻ trứng vàng” của khu đất thì chưa thấm vào đâu, bởi doanh thu của quán cà phê sang trọng này có thể lên tới cả chục triệu đồng/ngày..

Vì sao doanh nghiệp "thích" cho thuê hơn sử dụng đất công?
 
Trên thực tế, khi có yêu cầu rà soát, sắp xếp từ cơ quan chức năng, các đơn vị sử dụng đất đều lập kế hoạch sử dụng đất rất “hoành tráng”. Phần lớn xin được… tiếp tục sử dụng hoặc đưa ra các phương án đối phó nhằm giữ lại mặt bằng.

Rất dễ nhận thấy, DN càng lớn, phạm vi hoạt động càng rộng, thì mức độ vi phạm trong quản lý, sử dụng công sản càng nhiều. Điển hình là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cấp TP đang quản lý sử dụng 410 khu đất với diện tích lên tới 6,3 triệu m2, tuy nhiên diện tích cho thuê trái pháp luật cũng không hề nhỏ: lên tới là 24.543m2 đất. Các vị trí cho thuê, phần lớn là rất thuận lợi, thậm chí là đất “vàng”..
 
Điển hình, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho thuê lại 4.307m2; Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho thuê lại 985m2 đất; và Tổng Công ty Gia cầm Miền Nam cho thuê lại 2.528m2... 
 
Theo lý giải của Sở TN&MT tại báo cáo số 4935/TNMT ngày 10/07 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN cho thuê lại đất một cách tràn lan hiện nay là do pháp luật không minh bạch, rõ ràng giữa cho thuê lại đất và cho thuê tài sản trên đất, nên trong thực tiễn xử lý còn không thống nhất. 

d
Phần đất được giao 26.000m2 của một doanh nghiệp chỉ để trồng... cỏ từ năm 2005 tới nay.   

 
Giá thuê đất còn nặng tính bao cấp, nhất là nhà đất có nguồn gốc "công sản". Giá thuê đất thấp so với thị trường, vô hình trung kích thích động cơ cho thuê lại đất để hưởng chênh lệch giá. 

Cũng theo Sở TN&MT, nguyên nhân cho thuê lại cũng xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế xã hội đã làm mất đi hoặc giảm dần những ngành nghề trước đây từng nắm giữ vai trò chiến lược và tương ứng với nó là quỹ đất lớn được giao chưa được điều chỉnh theo.

Ngoài ra tình trạng cho thuê lại là do tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, do những đặc quyền, đặc lợi, do sự thiếu trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ quan hay vì những lợi ích cục bộ của đơn vị... thể hiện rõ nhất ở các DN Nhà nước, nhất là DN do Trung ương quản lý. Tuy nhiên cũng có trường hợp DN sau cổ phần hóa trong giai đoạn tổ chức lại, để giải quyết đời sống cho công nhân nên buộc phải cho thuê lại.          

Nhận định về việc cho thuê đất công tràn lan, ông Đặng Văn Khoa - đại biểu HĐND TP cho rằng: Sự chênh lệch giá trị đất công được giao và giá cho thuê là rất lớn. Từ đó không loại trừ những hợp đồng được ký giữa DN được giao đất và bên thuê đất, giá có thể thấp, nhưng khoản chi "phía sau" mới đáng nói và không thể kiểm soát.    

Tăng “quyền” xử lý cho UBND TP.HCM  
 
Theo bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, vừa qua TP  đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 09 về nội dung thẩm quyền thu hồi đất như: Khi các cơ quan đơn vị Trung ương sử dụng đất sai mục đích như bỏ trống, cho thuê lại, cho mượn… thì UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được thẩm quyền thu hồi đất theo đúng Luật Đất đai năm 2003. 
 
d
Một kho bãi bỏ hoang ở quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Đoàn Quý 
Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 132 Nghị định số 181 theo hướng: Đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng đất có vi phạm, sử dụng đất không đúng mục đích giao hoặc thuê đất, khi có đầy đủ chứng cứ vi phạm thì UBND TP ban hành quyết định thu hồi, không phải chờ kết luận thanh tra…”.  
 
Ủng hộ các kiến nghị quyết liệt từ UBND.TP, tuy nhiên ông Nguyễn Minh Hoàng - nguyên Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM còn bổ sung thêm: “Việc thu hồi những khu đất bị lãng phí diễn ra chậm chạp một phần do năng lực của các cơ quan quản lý yếu, một phần là do cơ chế chính sách, pháp luật, kể cả việc phối hợp chưa tốt, thiếu quyết liệt và cả trách nhiệm của người quản lý sử dụng đất”.

Ông Hoàng đề xuất theo hướng: “Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và DN quản lý sử dụng mặt bằng, có biện pháp chế tài và xử lý các DN vi phạm và sớm điều chỉnh giá cho thuê theo cơ chế thị trường”.

  • Thái Thiện
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,