- Nghe bị can Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc nông trường Sông Hậu nói về cuộc đời doanh nhân của mình.
Năm 1981, bà Trần Ngọc Sương bước vào Nông trường Sông Hậu (NTSH - huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) chính thức là cán bộ nông trường.
Năm 2000, bà kế thừa vị trí Giám đốc nông trường, sau khi cha bà là ông Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng, Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, người gây dựng lên nông trường này) qua đời.
Bà Trần Ngọc Sương tại nơi ở nhờ hiện nay tại TP.HCM. Nơi đây trước đây bà tính mua để làm trụ sở văn phòng đại diện cho nông trường, sau này nông trường cho một người bà con của bà thuê lại, và nay bà lên ở đậu. Hiện bà Sương bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cũng trong năm 2000, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới và đây là trường hợp hiếm hoi trong cả nước mà trong một gia đình cả cha và con cùng được phong danh hiệu cao quý này.
Năm 2002, bà được chọn là “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, một giải thưởng danh giá với 15 phụ nữ xuất sắc nhất chọn lọc từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore.
Năm 2008 bà nghỉ hưu, sau 28 năm làm việc theo tấm gương “ngày không giờ, tuần không thứ” của cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng trước đây.
Năm 2009, bà Sương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cần Thơ khởi tố bị can với tội danh “Lập quỹ trái phép”, vai trò chủ mưu. Bà Sương cùng những cán bộ dưới quyền ra tòa trong một vụ án được xem là “trọng điểm”.
Bà Trần Ngọc Sương bị Tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ - TP Cần Thơ tuyên phạt 8 năm tù giam, cáo buộc phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả hơn 4,3 tỷ đồng.
Phóng viên đã tìm gặp bị can từng được xem là “quyền lực tối cao” (chữ dùng trong bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Sương) tại Nông trường Sông Hậu này, trước khi bà ra tòa trong phiên phúc thẩm sắp diễn ra, để nghe bà kể về cuộc đời doanh nhân của mình.
Người phụ nữ “bốn không”
- Hiện tại, sau khi bị TAND huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ tuyên 8 năm tù giam về tội lập quỹ trái phép, cuộc sống của bà như thế nào?
- Tôi vào nông trường từ năm 1981 ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, Khoá 1. Từ đó cho đến năm 2008, suốt 28 năm trời tôi ở luôn trong nông trường sống theo kiểu tập thể, không có gia đình riêng tư. Tôi từng nghĩ rằng sau này dù có nghỉ hưu thì vẫn tiếp tục ở lại nơi này để hậu thuẫn cho lứa đàn em, do vậy mà không hề chuẩn bị gì hết cho một cuộc sống riêng.
Đến khi tôi bị nghỉ hưu đột ngột, phải rời khỏi nông trường mà lại không có nhà cửa, nên giờ đây phải ở nhờ nhà anh em hay bà con, cứ mỗi chỗ vài hôm. Suốt cả đời tôi vẫn quen nằm ngủ trên cái ghế bố thôi, nay ở đậu chỗ nào thì cũng chỉ xin một cái ghế bố, chớ không có, mà cũng không cần, giường êm nệm ấm gì hết.
60 tuổi, bà Trần Ngọc Sương vẫn hằng ngày phải cặm cụi với đống giấy tờ để chứng minh mình vô tội trong một vụ án mà bà cho rằng mình là nạn nhân.
Sau phiên toà sơ thẩm, một số bạn bè đề nghị sẽ chung nhau góp khoản tiền hơn bốn tỷ đồng cho tôi nộp tòa để khỏi ở tù. Đó là những người đã từng làm ăn với NTSH trong mấy chục năm nay và biết rất rõ bản thân tôi không có tiền chớ đừng nói là dư dả. Nhưng tôi trả lời nếu chấp nhận bản án nói trên cũng có nghĩa là thừa nhận án xử đúng người đúng tội. Do đó tôi xin cám ơn anh em đã có lòng thương, không nhận tiền và tiếp tục kháng cáo ở phiên toà phúc thẩm.
Một điều cảm động là gần đây rất nhiều bạn bè, anh em thăm hỏi, gọi điện thoại động viên tôi. Mỗi khi ra đường gặp các cháu sinh viên học sinh hoặc đi chợ gặp những chị em buôn bán, ai cũng cầm tay tôi nói được gặp cô mừng quá, chứ chúng tôi cứ nghĩ cô bị bắt rồi.
Đời sống của tôi hiện nay rất khó khăn, không có thu nhập nào khác ngoài khoản lương hưu hơn ba triệu. Muốn làm ăn gì thì cũng phải đợi cho xong vụ án. Điều an ủi duy nhất là tôi đang sống trong tình thương bảo bọc của mọi người. Kể cả Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương, biết tôi khó khăn nên mới đây văn phòng phía Nam có gởi bao thư giúp đỡ, tôi nhận mà chảy nước mắt. Cả đời tôi đã từng giúp đỡ rất nhiều người, đỡ đầu cho biết bao phong trào, cưu mang không ít người gặp khó khăn, bây giờ không ngờ lại rơi vào hoàn cảnh phải nhận sự giúp đỡ của người khác.
- Từng là gương mặt tiêu biểu cho phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương năm 2002, đặc biệt từ năm 2000 là giám đốc một nông trường được đánh giá thành công nhất trong cả nước, bảo đảm đời sống của nông trường viên với khoảng 3200 hộ dân và gần 15 .000 khẩu ở đây. Bây giờ bà lại trở thành một người phụ nữ “bốn không”: không còn làm giám đốc, không tiền, không nhà, không chồng con. Điều này có vẻ rất khó tin?
Bà Trần Ngọc Sương sau khi bị khởi tố chỉ biết thắp hương nói với cha mình, ông Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) “Chỉ vì nghe lời ba nên con mới khổ vậy”. Ở Việt
- Nhà báo có thể đến gặp những cán bộ, công nhân từng sát cánh với tôi, gặp những người kế toán, thủ quỹ, nhân viên hành chính để thẩm tra lại điều đó. Cũng có thể hỏi những nhà doanh nghiệp từng làm ăn với tôi để tìm câu trả lời chính xác. Lương giám đốc của tôi từ năm 2000 cho tới 2008 không hề được xét tăng lương lần nào, mà tôi cũng không thắc mắc cho tới lúc nghỉ hưu.
Từ năm 1998, tôi đã giao việc quản lý tài chính cho một phó giám đốc để có thời gian tích cực lo xúc tiến thương mại, phát triển khoa học kỹ thuật, tìm kiếm khách hàng mới, mặt hàng mới. Do đó tôi vắng nhà thường xuyên, mọi việc ở nông trường là do ba tôi đảm đương (khi đó ông đang làm giám đốc), về sau thì có các phó giám đốc.
Có những năm NTSH xuất khẩu tới 300 ngàn tấn gạo, hàng trăm ngàn tấn phân bón, nếu muốn bỏ túi riêng, thì nội tiền bao bì thôi, mỗi năm tôi kiếm năm bảy tỷ đồng dễ ợt! Nhưng ai cũng biết, làm nông nghiệp ở nước mình lời thì ít mà nguy cơ lỗ lã thì nhiều. Tôi không tơ hào đồng bạc nào mà nông trường còn khó. Tôi mà tư túi riêng thì chắc sập tiệm lâu rồi.
Có lần cha con tôi tới thăm chú Sáu Dân, chú nói một câu mà tôi rất cảm động và không bao giờ quên: “Tôi chịu cha con anh lắm, biết xin nhiệm vụ, dám lãnh trách nhiệm chớ không đòi hỏi quyền lợi”. Ba tôi qua đời cũng không để lại của cải tiền bạc gì cho con cháu, ngoài những lời răn dạy cách sống ở đời.
Về NTSH, có thể nói suốt 25 năm trước, chúng tôi lãnh trách nhiệm làm thay chức năng của một xã, từ xây dựng hạ tầng cơ sở đến lo an sinh của người dân, mà không được Nhà nước cấp ngân sách, vốn thì phải vay ngân hàng, cơ chế khoán lại có nhiều bất cập khiến cho nông trường thu không đủ bù chi. Lại còn phải đóng 100% thuế nông nghiệp cho Nhà nước, chứ đâu có được như xã bây giờ chỉ thu 30%. Rồi phải lo bắt điện, làm đường, xây trường, trạm y tế, nhà văn hoá các thứ, chi tiền đền bù đất đai, rồi sau này địa phương còn giao cho nông trường lãnh cơ chế xuất gạo nhập phân… Rất nhiều chủ trương điều hành của địa phương không hợp lý và không công bằng, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận thi hành. Sau đó lại giao cho NTSH xây dựng khu công nghệ cao, một trong ba khu công nghệ đầu tiên của cả nước, mà cũng phải tự lực chứ chẳng ai giúp được gì.
Do đó tôi muốn nhấn mạnh rằng, NTSH đã từng gánh nhiệm vụ làm thay một cấp xã – mà hiện nay ngân sách Nhà nước mỗi năm phải tốn khoảng vài tỷ – nếu tính thành tiền thì trong 25 năm đó đã lên đến bao nhiêu? Có thể nói cả nước chưa có một đơn vị nào làm được như NTSH.
Luật pháp, thì cũng phải có lý, có tình chứ?, bà Trần Ngọc Sương tự hỏi.
- Năm 2002 khi lãnh giải thưởng tại Singapore, bà có nói rằng thần tượng của mình chính là người cha. Vậy thì ông Năm Hoằng, một Anh hùng lao động trong thời kỳ Đổi mới, đã làm được những gì cho NTSH?
- Tôi có thể khẳng định, ba tôi là một trong những người tiên phong trong việc phá bỏ bao cấp và không trông chờ vào cấp trên. Hồi năm 1979, khi thành lập NTSH với nguồn vốn hoàn toàn tự lực, từ một vùng trũng luôn bị thiên tai ngập lụt, ba tôi đã cải tạo làm lúa tăng vụ, biến một vùng hoang hóa trở thành đất bờ xôi ruộng mật, lo được đời sống cho hàng chục ngàn con người. Ông lại không ở yên hưỏng thụ thành quả mà làm xong cái này thì giao lại cho cấp dưới rồi đi tìm cái khác. Từ Sông Hậu, ông xuống tới An Biên, miệt U Minh rồi về tận Sóc Trăng. Cho tới những ngày cuối đời ông vẫn miệt mài xây dựng những mô hình mới trong các loại đất và đặc thù của từng nơi, để rút ra bài học kinh nghiệm trong vấn đề cải tạo đổi mới nông nghịêp Việt Nam.
Trong số các con thì tôi may mắn được ở gần cha nhiều nhất, được ông chỉ bảo dạy dỗ nhiều. Và ông cũng đặt để hy vọng tôi có thể kế tục sự nghiệp của ông.
- Vậy thì bà đã kế thừa ra sao đến mức bị kết luận là mất cân đối tài chính đến hàng trăm tỷ đồng như vậy?
- Thanh tra đã cho rằng khoản tiền mất cân đối lên đến cả trăm tỷ, nhưng tôi không đồng ý về kết luận này. Về tài chính, không chỉ căn cứ trên khoản tiền phải thu, nợ phải trả mà đánh giá toàn bộ tình hình tài chính của một đơn vị. Chúng tôi còn tài sản cố định, sản phẩm dở dang, hàng tồn kho. Riêng tài sản cố định đã lên đến một trăm mấy chục tỷ đồng, chưa kể nông trường có 150 ngàn cây xoài, chưa tính giá trị hàng triệu cây bạch đàn mà vừa rồi bị dân phá hết. Chính Ngân hàng Nhà nước Cần Thơ cũng xác nhận chuyện này không có mất cân đối mà chỉ do những đầu tư của nông trường mang tính lâu dài chậm thu.
Bà Trần Ngọc Sương khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Bà nói hiện đây là tấm ảnh duy nhất bà còn giữ được, sau khi bị khởi tố.
Ngoài ra còn có nhiều tài sản khác, cả một cánh đồng gần 7 ngàn hecta đang khai thác với hai vụ lúa, một vụ màu, một vụ thuỷ sản, cái đó giá bao nhiêu? Rồi còn hơn mười cơ sở chế biến, nhà kho, máy móc thiết bị cố định khác. Chưa kể chúng tôi đã mua cho nhà nước ba mươi mấy mẫu đất có luôn nhà, rải rác tại Cần Thơ, TP HCM và miếng đất hơn 30 mẩu ở Đắk Nông. Có những căn nhà hồi mua chỉ vài trăm triệu mà bây giờ trị giá tới bảy, tám tỷ. Chưa kể vừa rồi chúng tôi đã cổ phần hoá bảy, tám công ty từ các phân xưởng đã xây dựng gồm có chế biến lương thực, nhà máy đông lạnh, nhà máy nông sản, trại heo hàng ngàn con, trại bò hàng trăm con bò sữa, ao nuôi cá. Bấy nhiêu tài sản như thế có đảm bảo một trăm mấy chục tỷ vay của ngân hàng không?
- Trong cáo trạng có chi tiết về quỹ đen của NTSH chi vô tội vạ, thậm chí chi tiền cho người đã chết, mà cụ thể là chi cho ông Trần Ngọc Hoằng, dù ông đã mất. Bà giải thích sao về điều này?
- Quỹ này được lập ra từ thời ba tôi làm giám đốc, mọi việc chi đều do Công đoàn quyết định chứ không phải là cá nhân tôi. Còn việc chi cho ông Trần Ngọc Hoằng, thì đây là một việc làm có tính kế tục. Chuyện như thế này: hồi năm 1996, anh Quang Lâm (nguyên Phó Giám đốc NTSH, đã mất - NV), người Hà Nam Ninh, chết đột ngột bỏ lại mẹ già, năm đứa con nhỏ mà người vợ lại đang bị bệnh nặng. Vì vậy ba tôi đã họp anh em để bàn bạc và đi đến quyết định Công đoàn sẽ đứng ra lãnh trách nhiệm nuôi gia đình này, kéo dài cho đến năm 2006 mới chấm dứt.
Ba tôi có một đứa con gái nuôi, năm 2000, sau khi ông mất, nông trường cũng họp giống như trường hợp ông Quang Lâm, và quyết định chu cấp cho cháu gái, vì biết bản thân tôi không dư dả gì. Do đó hàng tháng công đoàn đưa khoản tiền ấy cho tôi để phụ lo cho cháu bé, nhưng không có yêu cầu ký nhận.
Tôi cũng muốn nói rõ: về việc này, tôi không hề ký duyệt.
- Còn với tội danh “Lập quỹ trái phép” với vai trò chủ mưu?
- Quỹ này không phải do chính tôi lập ra, mà đã có từ thời ba tôi còn làm giám đốc. Lúc bấy giờ Nghị định 25-CP cho phép sản xuất thêm theo kế hoạch 3, tức là làm ngoài kế hoạch sản xuất chính.
Cách làm của ba tôi vừa lo được cho dân nhưng vẫn có tiền cho đơn vị. Chẳng hạn ba tôi lên kế hoạch trồng 150 ngàn cây xoài, chia cho mỗi hộ dân 80 cây, sáu năm đầu nông trường không lấy gì hết. Sang năm thứ 7, bà con có nghĩa vụ nộp cho nông trường mỗi năm 5 ký xoài với giá chỉ 5.000 đồng/kg, có nghĩa là một cây chỉ thu 25 ngàn đồng/năm. Thông thường một cây xoài bắt đầu có trái từ năm thứ hai, từ 5 năm tuổi trở lên thì trị giá mỗi cây khoảng nửa triệu đồng và mỗi cây có vòng đời 20 năm. Như vậy thì chúng tôi thu cho Nhà nước 150.000 cây trong vòng 20 năm, có phải là 75 tỷ không? Nhưng mình thu dần dần, nghĩa là cả dân và Nhà nước cùng có lợi.
Rồi các anh em cán bộ ở dưới khu vực mà ba tôi chia ra 8 khu sản xuất với 24 vùng, cho bà con bên ngoài đem máy cày, máy xúc, máy bơm để làm, công đoàn mới chia lại cho họ 30%, còn 70% sung vào quỹ.
Mấy chục năm qua, chính quỹ này chi tiền cho cán bộ nhân viên bị đau ốm, chi cho việc xây dựng nhà tình thương, ăn trưa, tang ma, cưới hỏi …Rồi các hội đoàn, các cơ quan hành chính từ xã đến huyện, kể cả tỉnh yêu cầu giúp gì thì ba tôi đều xuất từ quỹ này, không thể xuất tiền của nông trường vì tài chính không cho phép.
Đến khi tôi nhận chức giám đốc năm 2000 thì quỹ đó do Công đoàn quản lý, giao cho kế toán trưởng là cô Hồng Nhung phụ trách, sau này cô là Phó giám đốc thì vẫn kiêm nhiệm chủ tịch Công đoàn.
Trường hợp cây bạch đàn là áp dụng phương cách nói trên. Tôi trồng cây bạch đàn, trồng chuối, cho người ta tận dung làm nấm rơm gốc bạch đàn. Vừa rồi chúng tôi bị kết tội lập quỹ trái phép là từ cây bạch đàn này.
Tôi ngạc nhiên khi bị kết tội lập quỹ trái phép, trong khi chẳng hề có một văn bản, cuộc họp, hay quyết định nào về việc thành lập quỹ do chính tôi ký .
- Sức khoẻ của bà hiện giờ thế nào?
- Tháng 2/2008 tôi bắt đầu bị dồn dập nhiều bệnh do biến chứng từ căn bệnh tiểu đường, mà tôi lại không có đủ điều kiện chữa trị tới nơi tới chốn. Mắt tôi đang cần phải mổ nhưng cũng không đủ tiền. Tôi lại đang bị bệnh động mạch vành rất nặng, mỗi lần nghĩ ngợi nhiều là thở không nổi. Tôi hiện đi đứng không vững vì chân rất yếu.
Nói chung là đủ thứ bệnh, vả lại nay tôi cũng đã hơn 60 tuổi rồi.
(còn tiếp)
-
Trường Minh