221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1239432
Huy động nhà dân làm trường học cho học sinh vùng lũ
0
Article
null
Miền Trung:
Huy động nhà dân làm trường học cho học sinh vùng lũ
,

 – Đây là thông tin do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học cung cấp tại cuộc họp công bố thông tin về diễn biến và hậu quả cơn bão số 9 do Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp với đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

Hơn 80% học sinh chưa đi học trở lại

Thông tin tại cuộc họp cho biết, lương thực, dịch bệnh, nhà ở, trường học đang là những vấn đề được quan tâm ngay trước mắt sau khi cơn bão số 9 đi qua và để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Trung.

Hiện nay, công tác cứu trợ thức ăn nước uống đã được triển khai. Riêng hậu quả mà cơn bão số 9 để lại cho ngành giáo dục các tỉnh miền Trung đang là một bài toán khó.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9, số lượng các trường học, lớp học, bàn ghế và thiết bị học tập bị bão lũ tàn phá là rất lớn. Chỉ tính riêng tại Quảng Ngãi đã có khoảng 2.000 phòng học hư hỏng.

d
Một mảng núi sạt đã đâm thủng Trường Trà Nam (Quảng Nam) - Ảnh: Hoàng Thọ

 

Ngoài ra, có một lượng lớn các em học sinh bị bão lũ cuốn trôi hoàn toàn sách vở cũng như đồ dùng học tập.

Đến ngày 6/10, đã có nhiều trường học trong vùng lũ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, có những trường trong vùng ngập sâu, ảnh hưởng nặng phải tiếp tục đóng cửa từ 1 đến 3 tuần nữa. Thậm chí, tại một số huyện thuộc tỉnh Kon Tum, Quảng Trị, Đắk Lắk, có những trường chỉ có thể hoạt động trở lại trong vòng 1 đến 3 tháng nữa.

Tính đến 6/10, vẫn có tới trên 80% học sinh vùng lũ chưa đến trường được bởi trường vẫn bị đổ nát hoặc vẫn bị chìm trong bùn đất.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Đào Xuân Học cho biết: “Hi vọng với những nỗ lực của các địa phương, sau khoảng 1 tuần nữa các cháu có thể đi học trở lại. Có thể học sinh sẽ không được học ở trường vì không nhanh chóng, dễ dàng để sửa sang hoặc xây mới trường học. Địa phương cần huy động nhà dân, kêu gọi nhân dân cùng chung sức để có chỗ cho con em học tập tạm thời”.

Bà Lê Thị Kim Dung, chuyên viên Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục Đào tạo) cho hay: “Đơn vị phòng chống và xử lý lụt bão trong các trường học của Bộ cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp cần thiết để sớm đưa các em học sinh trở lại trường, tiếp tục học tập đảm bảo tiến độ và chất lượng. Chắc chắn các em sẽ phải học bù”.

“Công tác hỗ trợ nhân dân vùng lũ đến đâu?”

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của đại diện Ngân hàng Thế giới về tiến độ triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân vùng lũ của Chính phủ Việt Nam, ông Đào Xuân Học cho biết: “Ngày 30/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thị sát các tỉnh bị lũ lụt và chỉ đạo hỗ trợ 500 tỷ đồng cùng hơn 10 nghìn tấn gạo cho nhân dân vùng lũ. Ngay hôm sau (1/10), việc này đã được thực thi”.

Tuy nhiên, do cản trở về giao thông nên phải 2 ngày sau (3/10), số lương thực hỗ trợ mới được chuyển vào cho nhân dân. Đến nay, việc này vẫn tiếp tục được triển khai.

Theo thông báo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định chi tạm ứng 100 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo để tập trung khắc phục ban đầu về dân sinh, giáo dục, y tế, giao thông thủy lợi.

Các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành và các doanh nghiệp trên cả nước đã hỗ trợ tiền, hàng đến Quảng Nam là 3,78 tỷ đồng và 2.000 thùng mỳ tôm; tỉnh đã phân bổ xuống các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai 1,35 tỷ đồng và 800 thùng mỳ tôm.

Hệ thống đường tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn hầu hết đã thông tuyến. Riêng tuyến tỉnh lộ 604 còn bị ách tắc tại Dốc Kiền; đã điều động 1.771 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với 1.000 thanh niên giúp đỡ nhân dân các vùng bị ảnh hưởng thiên tai.

Ngành y tế tỉnh đã cử cán bộ phối hợp với các địa phương khám chữa bệnh cho nhân dân, tổ chức khử độc tiêu trùng môi trường và các giếng nước bị ngập lũ. Điện lực tỉnh đang cố gắng khắc phục khó khăn để cấp điện trở lại cho hai huyện Đông Giang và Tây Giang trong một vài ngày tới.

Sở Giáo dục - Đào tạo và các địa phương chỉ đạo các trường tập trung khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai. Đến sáng 5/10, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh đều đi học trở lại. Riêng Trường PTTH Núi Thành sẽ tập trung học từ ngày 7/10.

Bão số 10 gần như đứng yên, biển động càng dữ dội

Cả ngày hôm nay (6/10), bão số 10 với cường độ cấp 10-11, giật cấp 12-13 gần như đứng yên khiến vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13, biển động dữ dội.

Trong vòng 3 giờ qua, bão số 10 dịch chuyển không đáng kể, có xu hướng nhích nhẹ xuống phía Nam (từ 18,9 xuống 18,7 độ Vĩ Bắc).

d
Đường đi của bão số 10
Cơn bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13 này đã khiến khu vực biển Đông của Việt Nam có gió mạnh. Bão di chuyển chậm nên thời gian và cường độ tác động càng mạnh khiến biển động càng dữ dội hơn.

Ngoài ra, vùng tâm bão dịch chuyển nhẹ xuống phía Nam nên mở rộng vùng ảnh hưởng từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước tình hình này, ngay trong chiều nay (6/10), Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Khu vực nguy hiểm được xác định là vùng biển phía bắc Vĩ Tuyến 15 và phía đông Kinh Tuyến 115. Ngoài ra, các tỉnh này cần thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 6/10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 120,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển phía Tây Bắc đảo Lu–Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn cho biết: “Hiện bão số 10 vẫn quanh quẩn trong khu vực vĩ tuyến và kinh tuyến như đã được thông báo do nó vẫn còn chịu ảnh hưởng tương tác từ siêu bão Melor. Chỉ khi tách khỏi cơn bão này thì diễn biến của nó mới trở nên rõ ràng hơn”.

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,