221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1239235
Giữ rừng đầu nguồn, xã phun thuốc trừ cỏ diệt… lúa
0
Article
null
Yên Bái:
Giữ rừng đầu nguồn, xã phun thuốc trừ cỏ diệt… lúa
,

 - Gần 10 hécta đất rừng trồng lúa nương sắp đến ngày thu hoạch ở xã miền núi Lâm Giang đã bị phun thuốc làm chết cháy. Lãnh đạo xã ở đây cho biết họ vừa làm việc này vừa... run.

 

Dân kêu xã “làm ác”

 

Gần một tháng nay, các hộ dân thuộc hai thôn 8, thôn 9 (xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bức xúc vì hàng ngàn mét đất trồng lúa sắp trổ bông đã bị chết cháy vì chính quyền xã cho dân quân mang thuốc trừ cỏ đi… diệt lúa. Biết rằng diện tích ruộng nương có nguồn gốc từ đất rừng này là không hợp pháp, nhưng theo người dân, chính quyền xã làm như vậy là không có tình người, bởi lúa của họ đã sắp đến ngày thu hoạch. 

Mô tả ảnh.

Vạt nương bị chết cháy vì xã phun thuốc diệt cỏ. Ảnh: Kiên Trung

Các hộ dân nằm trong diện có lúa nương bị chết bởi thuốc diệt cỏ nói trên gồm có hộ ông Bàn Văn Lương, Bàn Văn Khởi, Bàn Văn Đông, Bàn Văn Quang, Bàn Văn Láu, Bàn Văn Bích, Đặng Văn Thất, Trương Văn Long, Đặng Văn Phúc… Hầu hết các hộ dân này đều là người dân tộc Dao (thuộc bản Trục, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên).

 

Theo lời kể của anh Đặng Văn Thông (con trai ông Đặng Văn Thất): Vào một buổi sáng giữa tháng 10, UBND xã Lâm Giang đã cho lực lượng dân quân, công an viên xã mang máy phun thuốc trừ cỏ lên các khu ruộng lúa nương của các hộ dân nói trên để phun thuốc diệt lúa, bỏ qua những lời van xin của nhiều người dân.

 

Mô tả ảnh.

Theo chính quyền xã, đây là biện pháp cưỡng chế đối với phần đất lúa canh tác trái phép trên đất rừng. Ảnh: Kiên Trung

Lực lượng dân quân, công an viên xã làm nhiệm vụ này còn tưới xăng vào một chiếc lán giữa quả đồi nơi các hộ dân này phát nương để đốt cháy, cũng như quần áo lao động, vật dụng… của người phát nương để trong lán.

 

“Chúng tôi xin xã cho phép khai thác nốt vụ lúa này, vì hầu hết lúa đang trổ bông, chỉ chừng một tháng nữa sẽ được thu hoạch, sau đó sẽ trả lại nương cho xã. Thế nhưng, xã đã không chấp thuận… Đa số những hộ dân đi phát nương trồng lúa đều là những hộ nghèo, đều phải chịu cảnh thiếu đói vào các ngày giáp hạt…” – người phụ nữ người Dao (vợ ông Đặng Văn Thất) kể lại.

 

Mô tả ảnh.

Khuôn mặt buồn thiu của một hộ dân có nương lúa bị chết. Họ cho rằng, xã làm như thế là không có tình nghĩa... Ảnh: Kiên Trung

Khu đồi trồng lúa nương của 9 hộ dân nói trên nằm sâu trong khu vực núi Phúc Linh trong, mất hai giờ đi bộ, và nằm trong thung lũng, rất khó phát hiện. Những khoảnh lúa nương bị phun thuốc diệt cỏ, lúa đã chết cháy, không còn khả năng sinh trưởng.  

 

Ông Bàn Văn Dóc, bí thư Đảng ủy bản khu Trục cho biết: “Diện tích lúa nương nói trên thuộc diện tích đất trồng rừng đầu nguồn. 9 hộ dân trên khai khẩn trồng lúa là trái phép, nhưng việc làm của chính quyền xã đã khiến nhiều người bức xúc, bởi tâm lý của người dân trồng cây sắp đến ngày hái quả. Tuy nhiên, nếu như chính quyền xã làm triệt để, người dân sẽ tuân thủ, bởi hầu hết diện tích lúa canh tác của người dân bản Trục (thuộc thôn 8, thôn 9), đều là… đất rừng!”.

 

Xã vừa ra quyết định vừa… run

 

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Lâm Giang (huyện Văn Yên), người trực tiếp ký quyết định cho dân quân, công an viên phun thuốc diệt cỏ đối với diện tích lúa nương nói trên cho biết: “Việc làm này là một trong những biện pháp cưỡng chế của chính quyền xã, vì nếu xã không mạnh tay, sẽ không giữ được đất rừng đầu nguồn!”.

 

Mô tả ảnh.

Bí thư Đảng ủy thôn 8, ông Bàn Văn Dóc: diện tích đất rừng đầu nguồn được tính bắt đầu từ hẻm núi. Thế nhưng, quá nửa đã bị khai phá thành đất canh tác... Ảnh: Kiên Trung

Ông Hải thông tin: Việc các hộ dân kể trên khai phát trái phép đất rừng để trồng lúa nương, xã phát hiện được vào khoảng tháng 4, tháng 5. Lúc đó, người dân đã tra hạt, và lúa đã lên hai, ba lá. Lý do của việc phát hiện muộn, là do người dân đã “chui” tít vào chỗ sâu, khó phát hiện để làm nương trốn xã.

 

Khi đó, UBND xã Lâm Giang đã yêu cầu các hộ dân nói trên xuống làm việc với xã để trả lại diện tích đất rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, các hộ dân trên đã bất hợp tác. Xã đã “xuống nước” yêu cầu họ ký hợp đồng trồng keo cho xã (giống, phân bón do xã cung cấp), thế nhưng, không đi đến sự thống nhất.

 

Ngày 24/8, tại biên bản xử phạt hành chính đối với các hộ dân phát nương làm rẫy, UBND xã Lâm Giang đã yêu cầu những hộ dân vi phạm nộp phạt 500 ngàn đồng/1 hộ để được tiếp tục thu hoạch lúa đến hết mùa, sau đó phải trả lại đất rừng cho xã. Những hộ không nộp phạt, xã sẽ tiến hành cưỡng chế cho nhổ lúa nương tại các khoảnh đồi kể trên. Thế nhưng, chỉ có một vài hộ chấp hành.

 

“Đó là lý do tại sao chúng tôi cho phun thuốc cỏ để diệt lúa, dù biết rằng biện pháp trên sẽ bị người dân phản đối!” – ông Hải phân trần.

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Chủ tịch xã Lâm Giang, ông Vũ Mạnh Hải và Biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ dân khai phá đất rừng trái phép. "Chúng tôi phải nghiến răng làm mạnh, nếu không sẽ không giữ được rừng...". - Ảnh: Kiên Trung 

Lâm Giang là một xã miền núi nghèo với tỷ lệ trên 57% hộ nghèo, có hộ thiếu đói vào mùa giáp hạt. Việc xâm hại rừng đầu nguồn do phát nương làm rẫy vẫn còn tồn tại trong nhiều năm qua. 

 

Vì thiếu diện tích đất canh tác nên nhiều bà con người dân tộc đã tự ý phá rừng đầu nguồn để canh tác. Khu vực Khu Trục (thuộc thôn 8, thôn 9) có 650ha rừng phòng hộ trước năm 2007 thuộc quyền quản lý của Nông trường Văn Yên. Sau đó, nông trường Văn Yên đã bàn giao lại để xã quản lý. Thế nhưng, khi tiếp quản, diện tích rừng phòng hộ này chỉ còn hơn 300ha. Quá nửa diện tích rừng còn lại đã bị người dân phát nương, làm rẫy, và canh tác trong thời gian dài.

 

“Tình trạng người dân khai phá đất rừng biến thành ruộng nương là vấn đề lịch sử tồn đọng từ trước. Thế nhưng, cái khó đối với xã, nếu thực hiện biện pháp cưỡng chế, thì nhiều hộ dân sẽ không có đất canh tác. Với bài toán khó này, chúng tôi vẫn đợi xin ý kiến chỉ đạo của huyện!” – ông Hải phân trần.

 

Đối với phương án phun thuốc diệt cỏ để triệt lúa nương do khai khẩn đất rừng, ông Hải thanh minh: “Chúng tôi cũng biết, đấy là phương án sẽ bị người dân phản đối, nhưng cực chẳng đã… Hơn nữa, để bảo vệ rừng đầu nguồn, đành phải nghiến răng làm mạnh. Nói thực, chúng tôi vừa ra quyết định vừa… run!”. 

  • Kiên Trung 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,