221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1242250
Bệnh nhân cúm cần điều trị, nhưng thuốc phải tự xoay xở?
0
Article
null
Bệnh nhân cúm cần điều trị, nhưng thuốc phải tự xoay xở?
,

 – Chị Lê Thị Thanh (trú tại Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quá bức xúc trước việc người thân của mình bị nhiễm cúm, được bác sỹ chỉ định là phải uống Tamiflu nhưng bệnh viện lại không phát cho bệnh nhân một viên nào, khiến gia đình người bệnh phải nhờ người làm trong bệnh viện mua Tamiflu với giá cắt cổ. 

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, Tamiflu là thuốc được miễn phí trong điều trị cúm và bệnh viện phải có trách nhiệm cấp phát cho bệnh nhân khi bệnh nhân cần điều trị và có chỉ định của bác sỹ. 

Được chỉ định điều trị nhưng không có thuốc 

Trường hợp đầu tiên là cháu Lê Hà Thu, 9 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Kim Liên. Cháu Thu đến khám tại Bệnh viện Xanh Pôn cách đây gần 3 tuần với các dấu hiệu ho, sốt. Trước đó, trong lớp của cháu đã có bạn dương tính với cúm A/H1N1. 

Theo lời chị Thanh, khi đến viện trên, cháu Thu được kiểm tra nhanh, kết quả cho thấy cháu dương tính với cúm A. Nhưng do hết sinh phẩm nên cháu không được xét nghiệm tiếp để biết liệu cháu có bị nhiễm cúm A/H1N1 hay không. 

Tuy nhiên, xét thấy lớp học của cháu Thu đã có học sinh nhiễm cúm A/H1N1, bác sỹ khám cho cháu ở Bệnh viện Xanh Pôn đã có chỉ định cho bệnh nhân uống Tamiflu. 

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Xanh Pôn xét nghiệm và điều trị cúm A/H1N1 đang gặp nhiều bức xúc do không được giải thích rõ ràng (Ảnh chụp chiều 22/10 - C.Q)

Theo phản ánh của chị Thanh, do thấy bệnh viện quá đông đúc, gia đình đã xin cho cháu về nhà. Điều đáng nói là khi gia đình xin cho cháu về, không có một viên Tamiflu nào được cấp. 

Chị Thanh kể: “Khi người nhà hỏi đến Tamiflu thì nhận được câu trả lời: Nằm viện thì được cấp thuốc, còn không nằm viện thì không có thuốc”. 

Để có thuốc Tamiflu điều trị cho cháu Thu, gia đình chị Thanh đã nhờ một người quen hiện đang làm trong Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia mua hộ. Cuối cùng, gia đình cháu cũng mua được 10 viên Tamiflu với giá 100.000 đồng/viên. 

Theo chỉ định ghi trong đơn thuốc của bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn, mỗi lần cháu uống ¾ viên. Sau 5 ngày uống thuốc như vậy, cháu Thu đã khỏi bệnh và đi học trở lại. 

Trường hợp thứ 2 là cháu ruột của bạn thân chị Thanh, cũng gặp trường hợp tương tự cháu Thu. Cháu X. hiện học lớp 3, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Thanh Xuân, Hà Nội).  

Hiện nay giá Tamifflu theo quy định là 450.000 đồng/hộp 10 viên. Các gia đình trên đã phải mua với giá đắt gấp 3 giá thị trường. Bộ Y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng Tamiflu khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

Cách đây hơn 1 tuần, khi đến Bệnh viện Xanh Pôn, cháu X. được kiểm tra, kết quả cho thấy cháu dương tính với cúm A. Bác sỹ khám cũng chỉ định cháu phải uống Tamiflu.

Tuy nhiên, cháu X. không nhập viện được vì bệnh viện quá đông. Gia đình cũng không nhận được thêm một hướng dẫn nào liên quan đến việc: Phải xử lý cháu như thế nào, lấy Tamiflu ở đâu? 
 

Sau đó, để có Tamiflu điều trị, gia đình cháu X. đã phải tự xoay sở bằng cách nhờ một người quen hiện đang làm trong Bệnh viện Xanh Pôn mua hộ với giá 130.000 đồng/viên, gia đình mua được 10 viên, hết 1,3 triệu đồng. Cháu X. được đưa về nhà theo dõi và uống Tamiflu ở nhà theo liều lượng bác sỹ ghi trong đơn. 

“Bệnh viện cũng như Bộ Y tế hằng ngày đều thông tin cho nhân dân trên báo chí là không xét nghiệm cúm A/H1N1 nữa. Nhưng chi phí điều trị được miễn, tức là thuốc điều trị phải được cấp miễn phí. Các trường hợp này đều có chỉ định uống Tamiflu, tại sao không được cấp?”, chị Thanh đặt câu hỏi. 

“Bệnh viện Xanh Pôn đã làm đúng quy định của Bộ Y tế” 

Với 2 trường hợp trên, ông Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, ông chưa kiểm tra lại hồ sơ bệnh án cũng như sổ y bạ để nắm rõ tình hình cụ thể. Ông cũng chưa xác nhận nội dung bệnh nhân phản ánh như trên có đúng hay không.  

Nhưng ông khẳng định: “Đây là quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện không được cấp Tamiflu cho các bệnh nhân điều trị bên ngoài, chỉ được cấp cho bệnh nhân điều trị nội trú, và có chỉ định của bác sỹ. Bệnh viện Xanh Pôn đã làm đúng quy định của Bộ Y tế”.

Về tình huống bệnh nhân muốn được nhập viện nhưng không thể nhập được do bệnh viện quá đông, dẫn đến việc bệnh nhân phải điều trị ngoại trú và không được hưởng Tamiflu miễn phí theo chế độ quy định, ông Thân cho rằng cả bác sỹ lẫn Bệnh viện Xanh Pôn đều không có lỗi. 

“Bệnh viện quá đông, không nhập viện được thì bây giờ biết trách ai?”, ông Thân hỏi lại. 

Mô tả ảnh.
"Bệnh viện quá đông, không nhập được viện thì biết trách ai?" (Ảnh chụp chiều 22/10 - C.Q)

Tuy nhiên, ông Thân cũng nói thêm: “Nếu tôi là vị bác sỹ khám cho bệnh nhân hôm đó, tôi sẽ giới thiệu bệnh nhân đó đến một cơ sở khác cũng có chức năng điều trị cúm như Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia”. 

“Cứ tình hình này có khi chúng tôi phải tìm mua Tamiflu để tự đề phòng, không thể yên tâm nghe khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhất là mùa đông tới sẽ nhiều người nhiễm hơn, lấy đâu ra giường bệnh, chắc phải điều trị ở nhà hết”, chị Thanh nói. 

Ông Thân cho rằng, trong bối cảnh bệnh nhân thì quá đông, lại liên tục hỏi, bác sỹ không còn thời gian và tâm trí để đưa ra giải pháp cho bệnh nhân nên không thể giải thích cặn kẽ với họ được. Có thể họ khám xong là xong, còn việc bệnh nhân lấy Tamiflu ở đâu thì họ không biết. 

Nhưng nếu nhận được giải thích, hướng dẫn đúng như ông Thân nói, 2 bệnh nhân trên (và có thể còn nhiều trường hợp tương tự) cũng khó có thể được “toại nguyện” ở các bệnh viện còn lại. Bởi, theo thông tin ông Thân cung cấp, cách đây 3 tuần, bệnh nhân cúm từ Bệnh viện Xanh Pôn được chuyển lên Bệnh viện Đống Đa, từ Bệnh viện Đống Đa sẽ lại được chuyển lên Bệnh viện Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, rồi từ đây lại được chuyển về Xanh Pôn! 

“Bệnh viện nào cũng quá tải cả”, ông Thân ngao ngán. 

Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Về nguyên tắc bệnh nhân sử dụng Tamiflu phải điều trị nội trú để bệnh viện có thể quản lý liều lượng và quá trình sử dụng thuốc nhằm giảm nguy cơ kháng thuốc”. 

Liên quan đến tình huống này, ông Kính cho rằng, nếu có chỉ định sử dụng Tamiflu của bác sỹ nhưng vì bệnh viện đông quá mà bệnh nhân không nhập viện được, dẫn đến việc họ mất quyền lợi thì Sở Y tế Hà Nội phải xem lại việc sắp xếp, tổ chức điều trị bệnh nhân cúm giữa các tuyến của mình. Nếu Bệnh viện Xanh Pôn quá tải, có thể chuyển bệnh nhân xuống các tuyến thấp hơn (quận/huyện). Các tuyến này đều đã được tập huấn điều trị cúm. 

  • Cẩm Quyên 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,