- Không thể phủ nhận việc tổ chức lại giao thông thời gian qua của Sở GTVT Hà Nội đã xoá hàng chục điểm ùn tắc. Nhưng trước nguy cơ xuất hiện nhiều điểm ùn tắc mới trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng Hà Nội đang lo, nếu không khéo, ùn tắc có thể chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, sau khi đã "ghi công" xoá gần 50 điểm ùn tắc nửa đầu năm 2009!
Xuất hiện nhiều điểm mới có nguy cơ ùn tắc
Tại cuộc họp liên ngành giao thông và Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội về tổ chức lại một số nút giao thông của Thủ đô, ngày 15/9, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an Hà Nội) cho biết, công tác tổ chức giao thông của Sở GTVT đã giúp HN xoá gần ½ điểm ùn tắc, nhưng có một số điểm ùn ứ mới xuất hiện.
“Hiện Hà Nội có 66 điểm nguy cơ ùn tắc, so với 124 điểm cuối năm 2008. Nhưng trong 66 điểm này, có 58 điểm tồn tại từ năm ngoái, còn 8 điểm mới phát sinh sau khi tổ chức lại giao thông”, ông Ngọc nói.
Ngã tư Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng, một điểm mới thường xuyên có nguy cơ ùn tắc sau khi tổ chức lại giao thông (Ảnh chụp sáng 15/9) Ảnh: C.Hiếu
Điều này cũng dễ hiểu, bởi thực tế, một khi tốc độ thông xe trên những tuyến phố chính, tuyến phố vừa được tổ chức lại giao thông được cải thiện, được nâng lên thì lưu lượng xe từ những con phố này đổ về các tuyến phố nhỏ lân cận cũng tăng lên đáng kể. Các phố nhỏ vốn quen với lượng phương tiện ít, nay tăng đột biến thì ùn tắc là điều đương nhiên.
Cho nên, nếu không tiếp tục điều chỉnh cách tổ chức giao thông, thì nguy cơ phát sinh điểm ùn tắc mới rất dễ xảy ra. Dẫu rằng, thành công trong việc tổ chức lại giao thông nửa đầu năm 2009 đã cho kết quả đáng ghi nhận.
Trưởng Phòng CSGT Hà Nội dẫn ví dụ, sau khi các điểm ùn ứ trên đường Kim Mã được xoá nhờ tổ chức lại các điểm Giang Văn Minh, Núi Trúc… thì tốc độ lưu thông từ Kim Mã, qua Nguyễn Thái Học tăng lên, điều này dẫn tới cường độ, lưu lượng xe dồn về nút Chu Văn An - Nguyễn Thái Học cũng tăng lên nhanh như một điều tất yếu, và đây, chính là điểm mới có nguy cơ ùn tắc.
Phó Trưởng phòng CSGT, Thượng tá Nguyễn Văn Ngoàn, cũng lưu ý, sau khi tuyến Trường Chinh – Tôn Thất Tùng – Lê Trọng Tấn thông thoáng hơn nhờ tổ chức lại, dòng xe đổ về nút ngã tư Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng cũng khủng khiếp hơn, và thực tế gần đây, dân lại than phiền rất nhiều rằng nút giao này thường xuyên ùn ứ.
Cũng theo Thượng tá Ngoàn, 3 chiếc cầu như cầu Cót, Hoà Mục bắc qua sông Tô Lịch đâm ra đường Láng làm xuất hiện nguy cơ ùn ứ rất cao khi xung đột với dòng xe chạy thẳng rất đông trên trục Láng. Vì vậy, ông Ngoàn đề xuất đóng dãy phân cách trên đường Láng tạo thành đảo như với cầu Cống Mộc.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cũng thẳn thắn nhìn nhận: tuyến đường Tây Sơn – Tôn Đức Thắng, tốc độ xe đã cao hơn nhiều nhờ xoá các điểm ùn tắc Gò Đống Đa, Hồ Đắc Di…, nhưng dòng xe này mà gặp một chiếc xe từ Bệnh viện Đống Đa ra, nếu xử lý không khéo sẽ ùn cả nút. Đây cũng chính là một điểm có nguy cơ ùn ứ mới.
Trước thực tế đó, lãnh đạo cao nhất của ngành giao thông vận tải và CSGT của Thủ đô đã lên kế hoạch đích thân thị sát, đánh giá và đưa ra phương án điều chỉnh tại những điểm có nguy cơ ùn tắc mới xuất hiện nói trên ngay trong tuần này.
“Ô tô của cơ quan nhà nước vi phạm còn nhiều”
Trưởng Phòng CSGT Công an TP cũng thừa nhận, sau 15 ngày ra quân "tháng văn hóa giao thông", tình hình đã phức tạp trở lại.
“Chỉ xử lý mạnh mới ra… văn hoá, còn thật sự, tháng văn hoá giao thông nhưng chưa nghiêm túc”, ông Ngọc đánh giá.
Dù không đưa ra một con số chính thức, nhưng ông Ngọc cho biết, số ô tô của cơ quan nhà nước vi phạm còn nhiều.
Thêm vào đó, ông Ngọc cũng than phiền có quá ít sự phối hợp, phản hồi của các cơ quan đoàn thể, trường học trong kế hoạch thông báo đến cơ quan chủ quản của những người có hành vi vi phạm giao thông, dù cho cơ quan CSGT đã gửi thông báo đi rất nhiều nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhất là người đã có lỗi vi phạm.
-
Chí Hiếu