– Kể từ 13h ngày 3/9 đến 4h ngày 4/9, áp thấp nhiệt đới đã di chuyển thêm 60 km, tiến gần hơn vào bờ biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Áp thấp còn cách bờ biển Quảng Nam, Quảng Ngãi 120km
Hồi 4 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi khoảng 120 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Áp thấp nhiệt đới ngày càng tiến sâu vào bờ biển các tỉnh Quãng Nam, Quảng Ngãi (Ảnh: NCHMF) |
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định.
Dự báo đến 4 giờ ngày 5/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định và khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to và dông. Cần đề phòng ngập úng ở vùng trũng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.
Đảm bảo an toàn người, nhà ở, tàu thuyền bằng mọi cách
Tàu thuyền vào neo đậu tại bến Nhật lệ (Quảng Bình) trong cơn bão số 6. Ảnh minh họa: VNN |
Trước tình hình áp thấp nhiệt đới như trên, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau cần gấp rút thực hiện quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi trú tránh; khẩn trương sắp xếp tàu thuyền vào nơi neo đậu hoặc kéo tàu thuyền lên bờ đảm bảo an toàn.
Riêng vùng núi và khu vực Tây Nguyên cần khẩn trương rà soát địa bàn và có phương án phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản, đặc biệt là các khu vực đang có diễn biến sạt lở phải tổ chức sơ tán để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Đối với các tỉnh vùng đồng bằng và ven biển, ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh cần sẵn sàng phương án tiêu úng đề phòng mưa lớn gây ngập úng, đặc biệt là tại các khu đô thị. Ngoài ra, cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò.
Toàn bộ các địa phương, đơn vị nằm trong khu vực được báo động cần duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành. Huy động phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
-
Cẩm Quyên