- Trước thềm năm học mới, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định lịch khai giảng diễn ra đúng dự kiến và kế hoạch học tập của năm học này tiếp tục được triển khai như đã định, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc thi cử cuối năm. Còn đại diện Bộ Y tế cho biết tiếp tục hỗ trợ các trường học phòng cúm, nhất là sau ngày khai giảng.
Đỉnh dịch trùng với đợt thi giữa kì
Ông Lã Quý Đôn, Phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho hay: “Theo dự báo của ngành y tế, dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam sẽ lây lan mạnh và chạm đỉnh vào khoảng tháng 11, tháng 12 năm 2009. Đây chính là quãng thời gian các em học sinh thi giữa kỳ. Do vậy, ngành giáo dục cũng đang khá lo lắng về điều này”.
Số học sinh nhiễm cúm sẽ ngày càng tăng nhanh, nhưng ngành y tế vẫn đang kiểm soát dịch tốt. (Ảnh minh họa: VNN) |
Hiện cả nước đã có 50 trường học với 450 học sinh nhiễm cúm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, số trường học và học sinh nhiễm bệnh nhiều lên nhưng xuất hiện không dày đặc nên hiện chưa có trường nào đóng cửa để thành lập bệnh viện dã chiến như dịp hè vừa qua tại TP.HCM.
Dự báo của ngành y tế cho thấy, sau ngày khai trường, số học sinh nhiễm cúm có thể tiếp tục sẽ tăng mạnh do các hoạt động trong trường học diễn ra với mật độ dày, liên tục, kết hợp với nhiệt độ môi trường giảm khiến virut lây mạnh hơn. Hơn nữa, các em học sinh học tập căng thẳng, mệt mỏi có thể khiến sức khỏe giảm sút phần nào.
Tuy nhiên, ông Đôn cho biết Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có phương án phòng chống cúm A/H1N1 hoàn chỉnh ở tất cả các cấp. “Bộ đã thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Không được khai giảng nếu trường học không có ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đến nay, chỉ còn 1 ngày nữa là khai trường, toàn bộ công tác phòng chống dịch các cấp học đã hoàn tất”.
Ông Đôn thông tin thêm: “Lễ khai giảng năm học mới vẫn diễn ra đúng dự kiến do đã có kế hoạch năm học từ trước, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học cũng như việc thi cử cuối năm”.
Không nên quá lo lắng
Trước việc các phụ huynh, và bản thân các em học sinh cũng như nhà trường lo lắng dịch có thể xuất hiện trong trường học, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết: “Dập dịch trong trường học là một trong những nội dung của chiến lược phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Đến nay, nội dung này vẫn được làm tốt. Dịch vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát của ngành y tế”.
Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và căng thẳng vì dịch cúm. (Ảnh: Bích Ngọc) |
Do vậy, ông Nga cho biết các bậc phụ huynh, các em học sinh, nhà trường không nên quá lo lắng, căng thẳng và cần phối hợp với ngành y tế theo đúng hướng dẫn đã ban hành.
Tuy nhiên, ông Nga cho biết: “Nếu em học sinh nào có biểu hiện ho, sốt, hắt hơi… thì nên chủ động nghỉ ngơi ở nhà, không nên cố gắng đến lớp học, vì nếu bị cúm A/H1N1 thì sẽ làm dịch lây lan rộng”.
“Giáo viên của lớp học có học sinh nghỉ học vì nghi nhiễm cúm phải có trách nhiệm giúp đỡ các em bổ sung kiến thức trong quá trình nghỉ học để học sinh và gia đình yên tâm”. Ông Lã Quý Đôn, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo)
Trong thời gian vừa qua, đường dây nóng về dịch cúm A/H1N1 của Bộ Y tế đã nhận được những ý kiến từ phía các bậc phụ huynh bày tỏ lo lắng khi trường học có học sinh nhiễm cúm nhưng nhà trường không cho học sinh nghỉ học, khiến con họ có thể bị lây bệnh theo.
Về điều này, ông Nga lý giải: “Chúng tôi đã căn cứ vào các yếu tố chuyên môn để có hướng dẫn trường học cho học sinh nghỉ học hoặc đóng cửa khi nào cần thiết. Đối với những lớp có học sinh nhiễm cúm, chỉ cần cách ly em đó và những em có tiếp xúc gần chứ không cần thiết phải cho cả lớp nghỉ học”.
Ông Nga cho biết thêm: Nếu sau đó có thêm nhiều em trong lớp cùng nhiễm bệnh thì mới tính đến phương án cho lớp đó nghỉ, hoạt động của lớp khác vẫn bình thường. Phương án đóng cửa trường học cũng chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh cụ thể với số học sinh, cán bộ giáo viện bị nhiễm cúm rất nhiều.
Còn ông Lã Quý Đôn cho hay, Bộ GD-ĐTcũng nhận được những ý kiến phản ánh của phụ huynh cho rằng họ muốn con mình nếu chẳng may nhiễm cúm sẽ được cách ly và điều trị ngay tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế.
Ông Nga khẳng định: “Hệ thống y tế vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị tại bệnh viện và tất cả bệnh nhân cúm vẫn phải vào viện điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc mà nếu ở nhà có thể sẽ phát hiện muộn dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.
-
Cẩm Quyên