Dự án tư nhân, áp giá “bèo” (?)
Tháng 1/2001, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (viết tắt là SDI) được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng trên 139 ha đất tại phường An Phú, quận 2 để đầu tư xây dựng Khu liên hợp sân golf – thể dục thể thao và nhà ở (sau đây gọi tắt là sân golf An Phú – P.V)
Dự án sân golf An Phú sau đó được UBND.TP điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất, diện tích còn lại là 137,4 ha (trong đó đất sân golf 100,4 ha; đất xây dựng nhà ở - biệt thự : 22 ha; đất giao xây khu tái định cư, dân cư: 15ha)
Mặc dù có vị trí “vàng” tại khu vực quận 2, TPHCM nhưng tới nay dự án vẫn ì ạch triển khai do vướng đền bù giải toả. Cuối năm 2008, số hộ bị ảnh hưởng là 312 hộ, chi trả bồi thường cho 200 hộ, diện tích 80,47 ha, đạt 57,56%.
Nguyên nhân khiến dự án gần 9 năm sau cấp phép “chôn” hàng trăm ha đất nông nghiệp là do giá đền bù quá thấp và cứng nhắc trong áp dụng. Giá đất nông nghiệp được “áp” tại dự án này là 150 – 200 nghìn đồng/m2 (theo phương án phê duyệt năm 2003), trong khi giá bồi thường dự án công ích (làm đường) tại khu vực quận 2 hiện nay cũng đã lên tới 1,5 triệu đồng/m2/đất nông nghiệp.
Sân golf An Phú hiện vẫn chưa thực hiện xong đền bù giải tỏa..
Điển hình là hộ ông Đặng Hoài Ký, nhận được quyết định bồi thường, hỗ trợ của UBND quận 2 cho diện tích đất trên 1.000 m2 với số tiền 151 triệu đồng và “quyền” được đăng ký mua căn hộ chung cư. Ông bức xúc: “Năm 2008 mới có quyết định bồi thường cho gia đình tôi, nhưng lại áp giá đền bù theo phương án từ năm 2003 là hết sức vô lý. Thử hỏi với 7 nhân khẩu, gia đình tôi sống ra sao với số tiền ít ỏi trên…”
Muốn bồi thường thêm cho dân cũng…tắc Tháng 11/2005, UBND quận 2 có công văn gửi SDI đề nghị “tự thương lượng thoả thuận sang nhượng trực tiếp với các hộ dân có đất, vật kiến trúc, hoa màu trong dự án”. Tuy nhiên, ý kiến rất “thoáng” này của quận 2 gặp phản ứng gay gắt của Sở tài chính TPHCM tại công văn số 10442 /TC ngày 19/12/2005 khi cho rằng “..đề nghị này không phù hợp với quy định của pháp luật…Việc cho phép chủ đầu tư thương lượng…sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án đầu tư của Nhà nước trong khu vực quy hoạch này…”
Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Dậu (ngụ tại quận 1) có 1.015 m2 đất cũng được bồi thường ở mức 308 triệu đồng. Ông Dậu đã có đơn khởi kiện UBND quận 2 ra Toà hành chính (TAND.TPHCM) về việc ban hành quyết định áp giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định pháp luật…
Trong đơn gửi VietNamNet, nhiều hộ dân khác cùng chung bức xúc: “Giá đền bù và giá cả thị trường trong gần 9 năm qua thay đổi chóng mặt nhưng UBND quận 2 cùng chủ đầu tư vẫn đền bù theo khung giá cũ, bỏ qua các quy định mới của UBND.TP, của Chính phủ”
“Đây là dự án với những hạng mục, công trình đầu tư của một số cá nhân nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận từ các dịch vụ thể thao cao cấp, xây biệt thự cho thuê, phân lô bán nền không phục vụ cho cộng đồng người dân mà lại áp giá đền bù theo Nghị định 22/CP năm 1998 quy định về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…là hết sức phí lý”
Về mức giá đền bù, trả lời VietNamNet, đại diện phía chủ đầu tư công ty SDI xin không bình luận, mà cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư là cung cấp tài chính, còn việc giải toả đền bù đã được UBND.TP giao cho địa phương ?
Tuy nhiên lý giải này mâu thuẫn với điều 8 - Bản chấp thuận đầu tư (do Sở kế hoạch & Đầu tư cấp ngày 7/12/2000) ghi rõ công ty SDI: “Thông qua chính quyền địa phương để đền bù cho dân theo thoả thuận” và “…có trách nhiệm phối hợp với các Sở - ngành chức năng có liên quan để thực hiện việc đền bù nhằm bảo đảm quyền lợi cho dân”
Trên thực tế, theo phản ảnh của người dân, trong gần 9 năm qua, chỉ có 1 cuộc họp duy nhất giữa Ban bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân, chưa từng có một cuộc thương lượng, thoả thuận nào như trong phương án mà UBND quận 2 và chủ đầu tư “hứa hẹn” ?
Đằng sau “điều chỉnh quy hoạch” là…nền biệt thự ?
Một đại diện có trách nhiệm của công ty SDI cho rằng có nhiều nguyên nhân “khách quan” khiến dự án liên tục phải điều chỉnh quy hoạch (việc xử lý nợ của công ty Việt Hà, UBND.TP giao làm khu tái định cư – dân cư 15 ha..) và các thủ tục hành chính “nhiêu khê” từ các cơ quan hành chính khiến dự án không thể triển khai như mong muốn…
Tuy nhiên trên thực tế, chính công ty SDI đã liên tục “đề xuất” việc điều chỉnh quy hoạch theo theo hướng có lợi cho họ. Đó là việc liên tục xin tăng tăng số nhà biệt thự trong khu quy hoạch 22 ha từ 50 căn lên tới 100 căn, 164 rồi 193 căn và xây dựng hàng loạt nhà liên kế, chung cư cao tầng.
Cụ thể, tháng 1/1999, UBND.TP có công văn 329 cho công ty TNHH Thiên Hải (công ty mẹ của SDI) đầu tư sân golf tại khu Rạch Chiếc, quận 2, trong đó quy định “ngoài khu sân golf, chủ đầu tư được xây dựng không quá 50 biệt thự..”
Tiếp đó, tại quyết định số 4530 ngày 12/7/2000 của UBND.TP cũng nói rõ chủ đầu tư – công ty SDI được xây dựng khu biệt thự 50 căn và không cao quá 3 tầng (12m), mật độ xây dựng tối đa 30%.
Tháng 1/2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho phép SDI thực hiện dự án Khu liên hiệp sân golf – thể dục thể thao và nhà ở phường An Phú, quận 2, trong đó yêu cầu UBND.TP có trách nhiệm: “…Kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng đất, kiến trúc xây dựng và bảo vệ môi trường theo đúng quy định hiện hành”
Ngay sau đó công ty SDI có công văn đề nghị UBND.TP cho “điều chỉnh” số lượng biệt thự trong dự án từ 50 căn lên thành 100 căn. Việc này được UBND.TPHCM chấp thuận vào thời điểm tháng 5/2001 và đề nghị công ty liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh dự án.
Thế nhưng chính SDI lại “quên” luôn việc điều chỉnh quy hoạch như tinh thần công văn “cho phép” của TPHCM mà kéo dài tới tháng 4/2006 để ra một công văn khác (số 03 ngày 14/4/2006) cho rằng “chỉ tiêu xây 50 căn biệt thự trên phần đất đã giao 22 ha như dự kiến ban đầu sẽ gây nên một sự lãng phí tài nguyên rất lớn, chi phí xây dựng cao, chắc chắc sẽ giảm sức cầu – gây ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của dự án”. Đồng thời SDI “mạnh dạn” xin “điều chỉnh quy hoạch” lên thành 193 biệt thự và căn hộ liên kế vườn cao cấp ?
Có vẻ vẫn chưa ổn, chưa đầy 1 tháng sau (tháng 5/2006) công ty SDI lại ra công văn “đề xuất ” xin UBND.TPHCM điều chỉnh quy hoạch nhằm “chi tiết hoá” phần bất động sản tại khu dự án 22 ha. Cụ thể, thay vì 193 căn biệt thự như đề xuất, công ty rút lại còn 164 căn (diện tích từ 600- 2000m2/căn, 1- 2 tầng), nhưng “cụ thể hoá” số nhà liên kế sân vườn lên 29 căn (200m2/căn, 3 tầng) một khu căn hộ cao tầng (132 căn). Tổng cộng có 325 hộ gia đình với diện tích sàn xây dựng lên tới 102.540m2.
Gần 1 năm sau (tháng 4/2007) kiến nghị của SDI được Sở quy hoạch kiến trúc TPHCM trình UBND.TP xem xét và ngày 08/01/2008, văn phòng HĐND và UBND.TP ra thông báo chấp thuận phương án đề xuất điều chỉnh của Sở, cho phép SDI điều chỉnh cơ cấu sự dụng đất và quy mô dân số tại khu 22 ha nêu trên.
Như vậy, rất dễ hình dung, dự án sân golf An Phú của SDI kéo dài một phần do chính công ty này điều chỉnh qua lại phần 22 ha, nhằm tăng số biệt thự, nhà ở nhằm nhắm tới mục đích lợi nhuận trong kinh doanh địa ốc
Hậu quả là dự án bị kéo dài thời gian, cả trăm ha đất bị bỏ hoang.Người dân phải nhận khoản đền bù ít ỏi, khác xa giá trị thật của mảnh đất họ đang quản lý, sử dụng..
- Thái Thiện – Thu Lý