221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1229851
Nhập thuốc điều trị cúm A/H1N1 cho trẻ dưới 1 tuổi
0
Article
null
Nhập thuốc điều trị cúm A/H1N1 cho trẻ dưới 1 tuổi
,

 – Sử dụng tamiflu dạng viên nén như hiện nay đang gây một số khó khăn khi sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Do đó, cục quản lý Dược sẽ xem xét nhập thuốc điều trị cúm A/H1nN1 cho đối tượng này. 

Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết: “Hiện nay, có những bệnh nhi dưới 1 tuổi không thể sử dụng tamiflu theo liều lượng và cách thức thông thường. Mỗi khi dùng phải bẻ làm 3, 4 mảnh nhỏ và nghiền nát, khiến trẻ chỉ uống được phần trên. Phần còn lại đọng bên dưới có nhiều thuốc trẻ không sử dụng được”.

Mô tả ảnh.
Tamiflu được khuyến cáo chỉ nên dùng cho người lớn và trẻ em trên 1 tuổi (Ảnh minh họa: Phạm Hải)

Hiện nay, tamiflu được khuyến cáo dùng cho người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Trước trở ngại vừa phát sinh trong quá trình điều trị, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét nhập ngay các loại thuốc điều trị cúm dành cho trẻ dưới 1 tuổi, có thể ở dạng sirô tiện lợi cho việc sử dụng và hấp thu”.

Ngoài 20.000 liều tamiflu đang được dự phòng, Cục quản lý Dược đã dự trữ thêm Zanamivir, đảm bảo không thiếu thuốc điều trị cúm A/H1N1 cho người dân. 

Trước thông tin có một số nhà thuốc tại TP.HCM tăng giá bán tamiflu lên đến 1,5 triệu/hộp 10 viên, ông Cường cho biết: “2 đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành kiểm tra và xác minh thông tin trên. Đến nay, chưa có nơi nào bán tamiflu với giá cao như thế”. 

Ông Cường khẳng định: “Trong mùa dịch cúm, thanh tra Bộ sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh, mua bán tamiflu. Nếu phát hiện nơi nào có dấu hiệu đầu cơ, tích trữ và tự ý đẩy giá bán cao hơn sẽ bị rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức”. 

Ban hành hướng dẫn thiết lập bệnh viện dã chiến 

Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Cục đã ban hành quyết định về việc hướng dẫn thiết lập bệnh viện dã chiến phòng chống đại dịch cúm cho các địa phương trong cả nước”.

Mô tả ảnh.
Tại TP HCM, khi chưa có hướng dẫn thành lập thì 2 trường học cũng đã kịp biến thành bệnh viện dã chiến. Cả 2 trường này đều hoàn thành "sứ mệnh" của mình (Ảnh: VNN)

Theo đó, tùy theo tình hình cụ thể của dịch bệnh, có hai loại hình bệnh viện dã chiến là bệnh viện dã chiến cấp 1 và bệnh viện dã chiến cấp 2. 

Bệnh viện dã chiến cấp 1 được thiết lập nếu dịch cúm xảy ra trong trường học, nhà máy, xí nghiệp, công sở và những cơ sở tập trung đông người, do ngành y tế phối hợp với cơ sở đó triển khai). 

Bệnh viện dã chiến cấp 2 được thiết lập khi số người mắc lớn, vi-rút cúm có khả năng biến thể, có nguy cơ gây tử vong, một số trường hợp có biến chứng nặng phải nhập viện gây ra tình trạng quá tải. 

Để hạn chế di chuyển người bệnh từ vùng dịch đến vùng chưa có dịch, bệnh viện dã chiến cấp 2 được thiết lập để thu dung, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều trị người mắc cúm. Việc thiết lập bệnh viện dã chiến cấp 2 đòi hỏi sự tham gia của các ban, ngành có liên quan, trong đó y tế (quân và dân y) đóng vai trò chủ đạo.

Ngày 13/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 25 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó, miền Nam: 10 ca, miền Bắc: 10 ca, miền Trung: 2 ca, Tây Nguyên: 3 ca.

Như vậy, tính đến 17h ngày 13/8, Việt Nam đã ghi nhận 1300 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, có 2 ca tử vong.

Nhân viên tòa nhà Parkson nhiễm cúm

Ngày 13/8, ông Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.1 (TP.HCM) cho biết, một nhân viên làm việc tại Trung tâm thương mại Parkson, địa chỉ số 35-45 bis đường Lê Thánh Tôn đã bị nhiễm cúm A/H1N1.

Đó là chị Đ.T.P.L., một nhân viên làm tại bộ phận thu ngân thuộc phòng hành chính của ban quản lý tòa nhà Parkson. Khi có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, chị L. đã được làm xét nghiệm vào ngày 11/8 và có kết quả dương tính với virus cúm A/H1N1 vào ngày 12/8.

Hiện, chị L. đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, sức khỏe ổn định, tiên lượng tốt.

Được biết, ban quản lý tòa nhà Parkson có 20 nhân viên, trong đó 3 nhân viên làm việc tại bộ phận thu ngân đã tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân L.

Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu, Trung tâm Y tế dự phòng Q.1 vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh của chị L. “Phòng thu ngân của ban quản lý tòa nhà Parkson không tiếp nhiều khách hàng như các bộ phận khác”, ông Thể nói.

Trung tâm Y tế dự phòng Q.1 đã tiến hành khử khuẩn toàn bộ văn phòng của ban quản lý tòa nhà này, đồng thời yêu cầu 3 nhân viên làm việc chung với bệnh nhân L. tự cách ly, giám sát tại gia. 

(Thanh Huyền)

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,