- Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài (TP.HCM), công trình trọng điểm với số vốn “khủng” hơn 7.978 tỷ đồng (vốn dự kiến năm 2007) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay công trình mới được triển khai chậm chạp, ì ạch (khởi công từ 6/2008) vì liên tục bị người dân khiếu kiện, khiếu nại do nhiều bất cập nảy sinh trái với quy hoạch được phê duyệt…
Đây là công trình trọng điểm của TP.HCM, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm làm giảm áp lực phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố; liên kết các KCN, cảng biển trong khu vực và giải tỏa lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất đang được đầu tư mở rộng.
Đường đang thẳng, “phù phép” thành cong
Tuy nhiên, không lâu sau khi dự án được phê duyệt năm 1997 tại văn bản số 4537/KTN ngày 12/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bất cập đã nảy sinh trong quá trình giải tỏa, đền bù, hướng tuyến được TP.HCM điều chỉnh trái quy hoạch… khiến dư luận bức xúc. Đến thời điểm này, dự án đang triển khai ì ạch vì liên tiếp nhận được khiếu kiện của người dân gửi các cơ quan chức năng từ cấp thành phố tới Trung ương.
Mới đây nhất ngày 29/7/2009, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc khiếu nại của người dân xung quanh những bất cập liên quan đến dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài.
Theo đơn khiếu kiện mà người dân các tổ 82, 89 khu phố 9, phường 2, quận Tân Bình gửi Thanh tra Bộ Xây dựng, một số ngành chức năng của thành phố đã tự ý điều chỉnh dự án mở tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đoạn đầu tuyến từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn) không theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 1997.
Cụ thể, tuyến đường này được điều chỉnh đi qua 2 tổ dân phố 82 và 89, khu phố 2 (thay vì đi qua khu phố 8, phường 2) là trái quy hoạch, thiệt hại đến tài sản của nhân dân.
Không lâu sau khi dự án được phê duyệt, người dân đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi vì cho rằng một số ngành chức năng ở TP.HCM đã tự điều chỉnh hướng tuyến, trái với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Tử Trực |
Tiếp sau, ngày 8/7/1999, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lại tiếp tục ra văn bản 8103/KTST-QH cùng về quy hoạch chi tiết sử dụng đất, cải tạo và xây dựng khu dân cư liên phường 2, 4. Trong đó, có 2 tuyến giao thông đối ngoại quan trọng đi ngang qua khu vực thiết kế: tuyến đường song hành CMT8 và tuyến đường vành đai trong. Cả 2 tuyến đường này sẽ được xác định sau khi dự án được phê duyệt (!?)
Điều này nghĩa là từ tuyến đường thẳng được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 đã “biến” thành 2 nhánh rẽ vào năm 1999. Trong đó một nhánh là đường Bạch Đằng 2 lộ giới 60m đi qua khu phố 9, phường 2 và nhánh còn lại là đường Hồng Hà lộ giới 20m cắt ngang công viên Gia Định.
Chỉnh đường để… tránh xáo trộn cuộc sống người dân (!)
Năm 2002, rất nhiều đơn thư khiếu nại, thắc mắc của người dân khu phố 8, phường 2, quận Tân Bình sao khi nghe thông tin việc tuyến đường vành đai trên bị điều chỉnh theo hướng đường Hồng Hà, men theo công viên Gia Định đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn, không như phê duyệt phương án của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời vấn đề này, ngày 7/10/2002, ông Trần Quang Phượng, Phó Giám đốc Sở GTCC lúc bấy giờ (giờ là Giám đốc Sở GTVT) thay mặt UBND thành phố khẳng định việc thay đổi trên là không đúng.
Ông Phượng cho biết, năm 1997, Sở GTCC giao nhiệm vụ cho BQL DA đầu tư công trình giao thông đô thị nghiên cứu lập dự án đường vành đai trong từ sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài và đưa ra phương án tuyến khả thi. Hướng tuyến này sẽ đi theo quy hoạch tổng thể phát triển cụm hàng không sân bay Tân Sơn Nhất ở đoạn đầu, đoạn cuối nối vào ngã năm Nguyễn Thái Sơn.
Theo đó, phương án này trùng với quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất, được đơn vị này quản lý không cho xây dựng mới bất kỳ công trình nào trong phạm vi phần đất của đoạn đường này. Đồng thời, dự án đi theo hướng tuyến này sẽ tránh giải tỏa gần 200 hộ dân, các cơ quan công sở lớn như Đoàn bay 919, Đoàn tiếp viên Việt Nam Airline, Trung tâm huấn luyện hàng không…
Và đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai đồng loạt vì vướng giải tỏa. Ảnh: Tử Trực |
Trong khi ông Phượng khẳng định dự án vẫn theo đúng phê duyệt năm 1997 thì 2 quyết định của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lại thay đổi theo hướng xuất hiện 2 đường nhánh rẽ thay vì 1 đường thẳng (!?)
Đến ngày 27/11/2007, UBND TP.HCM gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới tuyến đường vành đai trong thành phố, đoạn từ nút giao Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn.
Theo đó, UBND thành phố sẽ điều chỉnh đoạn tuyến từ sân bay Tân Sơn Nhất ra ngã năm Nguyễn Thái Sơn gồm 2 đường nhánh rẽ, mỗi nhánh rộng 20m theo 2 tuyến Hồng Hà và Bạch Đằng hiện hữu. Lý do được đưa ra là để giảm kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, tránh xáo trộn lớn cho khu dân cư tại khu vực. Điều này nghĩa là đường đang thẳng sẽ “biến” thành đường cong.
Nhiều người cho rằng, việc thay đổi hướng tuyến đường trên nhằm mục đích hợp thức hóa các nhà xây dựng, lấn chiếm đất đai trái phép. Vì tuyến đường này đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 và công khai trước nhân dân. Hơn nữa, đoạn tuyến số 2 phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển cụm cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, phần diện tích đất khu vực này đã được quản lý và không cho xây dựng mới bất kỳ công trình nào.
Ngày 31/12/2007, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng về buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Theo đó, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy hoạch từ 4 vành đai xuống còn 3 vành đai theo hướng cắt giảm đoạn vành đai số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn quận Tân Bình, Tân Phú về đại lộ Nguyễn Văn Linh; hợp nhất vành đai số 1 và 2 thành 1 tuyến. Việc điều chỉnh này do Bộ GTVT và UBND TP.HCM nghiên cứu rồi trình Thủ tướng phê duyệt.
Trước tình hình này, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu UBND thành phố tổ chức kiểm tra, làm rõ việc thay đổi tuyến đường để chấm dứt khiếu kiện, giải tỏa nỗi bức xức của người dân.
Dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài(TSN - BL - VĐN) được Thủ tướng CP phê duyệt từ năm 1997 có chiều dài hơn 13,5km. Trong đó, đoạn đầu tuyến là nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dài 1,5km, rộng 20m với 3 làn xe; đoạn nút giao Nguyễn Thái Sơn đến ngã tư Gò Dưa dài 8,1km, rộng 60m và 65m với 12 làn xe; đoạn còn lại từ nút giao Gò Dưa đến cuối tuyến là ngã tư Linh Xuân (giao với Quốc lộ 1A) dài 3,9km, rộng 30m với 6 làn xe. Dự án nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, do Công ty GS Engineering & Construction (GS E&C) - Hàn Quốc đầu tư theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT). Công ty Korea Consultant International - Hàn Quốc tổ chức tư vấn lập dự án. Thời gian thực hiện từ 1/2007 và dự kiến hoàn thành vào 12/2013 với tổng kinh phí ước tính hơn 7.978 tỷ đồng. |
-
Thái Phương