Nhiều nhà, đất công tại TP.HCM đang trong tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Chỉ điểm qua một vài tổng công ty, tập đoàn tại TP.HCM, diện tích được giao, cho thuê lên đến hàng triệu mét vuông. Thế nhưng không phải tất cả diện tích này đều sử dụng hiệu quả.
VNPT giữ đất để... kinh doanh địa ốc
Các đơn vị quản lý nhiều nhà đất Theo danh sách tổng hợp phương án xử lý nhà đất thuộc khối doanh nghiệp nhà nước vừa được Ban chỉ đạo 09 TP.HCM (Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP) trình Bộ Tài chính và UBND TP phê duyệt thì các đơn vị có nhiều nhà đất trên địa bàn TP gồm: dẫn đầu (tính theo số lượng cơ sở) là Tổng công ty Lương thực miền Nam với 350 cơ sở nhà đất, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn 292 cơ sở, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN 286 cơ sở, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn 193 cơ sở, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn 180 cơ sở, Tổng công ty Bến Thành 175 cơ sở, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn 161 cơ sở, Công ty Kho bãi TP 158 cơ sở, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 134 cơ sở, Tập đoàn Điện lực VN 130 cơ sở, Tổng công ty Dệt may Gia Định 126 cơ sở, Công ty Dược Sài Gòn 100 cơ sở... |
Có những vị trí “chưa sờ đã thấy nóng” như khu đất trên 840m2 ở mặt tiền đường Pasteur (Q.3) do Công ty điện thoại Đông TP đang sử dụng làm điểm giao dịch; khu đất gần 500m2 ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng (Q.1) đang là văn phòng làm việc, khu đất trên 4.600m2 đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.1), khu đất gần 15.700m2 trên đường Điện Biên Phủ (Q.1) là văn phòng làm việc, tổng đài, nhà kho, sân tennis...
Chính VNPT thừa nhận đang quản lý số lượng cơ sở nhà đất khá lớn tại TP.HCM, đồng thời cho biết Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND TP có ý kiến thống nhất về phương án xử lý, sắp xếp lại nhà, đất của đơn vị. Theo đó, tiếp tục giữ lại sử dụng 240 cơ sở, kiến nghị cơ quan chức năng cho thuê, bán chỉ định cho đơn vị 45 cơ sở và chỉ bàn giao cho ngành nhà đất TP một cơ sở diện tích 283m2 (thật ra đây là khu nhà tập thể của cán bộ công nhân viên ngành).
Khi giám sát tại VNPT, ông Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) đặt vấn đề: giá đất nhà nước cho thuê “rẻ như cho không” nên không ít công ty cứ ôm khư khư đất thuê để sử dụng nhưng không hiệu quả. Nếu như giá đất thuê được tính ngang với giá thị trường thì VNPT có thuê nổi hay không? Một vị lãnh đạo VNPT khẳng định: “Có nâng giá thuê bằng giá thị trường thì VNPT cũng quyết giữ. Nếu các doanh nghiệp khác chịu được thì VNPT chịu được”.
Khu đất trống 41ha của VNPT trên đường Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Ông Lịch chất vấn: “Nếu như giao đất cho anh, buộc anh phải nộp ngân sách TP một số tiền lớn thì có quyết nhận hay không?”. “Vậy thì chúng tôi sẽ cân đối lại, lãi thì làm, lỗ thì giao lại cho UBND TP” - lãnh đạo VNPT đưa ra phương án.
“Ôm” nhiều nhà đất nhưng quản lý không nổi
Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đang quản lý, sử dụng gần 230 cơ sở nhà đất với tổng diện tích gần 370.000m2. Hơn hai phần ba diện tích này là kho bãi và Công ty Kho bãi TP là đơn vị được giao quản lý nhiều nhà đất nhất trong số các công ty trực thuộc Resco. Resco giải thích đó là diện tích quản lý trên sổ sách, thực tế tổng công ty và các đơn vị thành viên “chỉ” quản lý 130 mặt bằng, tổng diện tích hơn 264.000m2. Diện tích còn lại đã hoặc sẽ bàn giao cho các đơn vị khác sử dụng, làm dự án hoặc bị giải tỏa...
Một trong hơn 280 cơ sở nhà, đất của VNPT tại góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 đã bị “cắt” cho thuê làm sàn giao dịch chứng khoán. |
Trong buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP tại Resco, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc quản lý không hiệu quả hệ thống kho bãi do UBND TP giao quản lý. Nhưng tổng giám đốc Resco Nguyễn Tín Trung giải thích phần lớn những kho bãi có “vấn đề” đều do các đơn vị thuộc trung ương tiếp quản và sử dụng từ sau giải phóng, sau đó mới ký hợp đồng thuê kho với Công ty Kho bãi TP, giờ muốn bán đấu giá phải thu hồi kho. “Nhưng Công ty Kho bãi TP không thể bứng hàng loạt các đơn vị đang sử dụng ra ngoài để thu hồi kho bán đấu giá” - lãnh đạo Resco kêu khó.
Sử dụng đất trái ngành nghề
Một “đại gia” sử dụng nhiều nhà đất công trên địa bàn TP phải kể đến đó là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Bên cạnh các kho lớn với diện tích lên đến hàng chục ngàn mét vuông, đơn vị này còn quản lý nhiều khu đất mặt tiền đường, ở vị trí “vàng” mà giá thị trường lên đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông. Riêng Công ty Lương thực TP quản lý hơn 300 cơ sở nhà đất, dù đã qua nhiều lần xử lý, điều chuyển, thu hồi nhưng đến nay đơn vị này vẫn còn “nắm” gần 100.000m2 đất tại TP.
Theo giải thích của công ty, có nhiều mặt bằng công ty đang tạm quản lý để chờ phương án xử lý hoặc bàn giao cho các đơn vị liên quan. Trong thời gian này dù công ty muốn đầu tư, nâng cấp các cơ sở để sử dụng có hiệu quả hơn cũng không được vì vướng thủ tục hành chính, cơ quan chức năng chỉ cho phép sử dụng tạm thời. Do vậy, công ty đã chọn phương án là... cho thuê trong thời gian ngắn, dù biết cách làm này là không đúng quy định.
Vinafood 2 cũng cho biết đơn vị này có tám cơ sở nhà đất bị tư nhân hóa mà lãnh đạo đơn vị không hay. Đến nay, Vinafood 2 đề nghị được giữ lại 125 cơ sở nhà đất nhưng trong đó có khoảng phân nửa là để kinh doanh ngành nghề chính, nhiều nhà đất trong số còn lại được dùng để làm nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại...
Với tổng diện tích gần 375.000m2, Tổng công ty Dệt may Gia Định (Giditex) là một trong những đơn vị đang “sở hữu” nhiều mặt bằng, trong đó có không ít mặt bằng nằm ở khu vực trung tâm TP, có diện tích rộng và đều là những vị trí mà các doanh nghiệp khác “nằm mơ” cũng không thể có được. Hơn phân nửa trong số diện tích trên đang được Giditex đem liên kết với các đơn vị khác để làm văn phòng, cửa hàng, nhà xưởng...
Số còn lại trực tiếp do tổng công ty quản lý hoặc nằm trong tay các công ty con và hiện nay đã được cổ phần hóa. Từ văn phòng, nhà xưởng, kho hàng... là những mặt bằng có vị trí đẹp, diện tích lớn đã được Giditex chuyển công năng thành trung tâm thương mại, khách sạn, chung cư...
Theo Tuổi trẻ