Đồng Nai là một trong số ít địa phương của cả nước còn tồn tại voi rừng. Nhưng trong gần một tháng nay đã chết 1/3 voi mà không rõ nguyên nhân.
Trong khi chờ tiền để bảo tồn thì voi quý của Đồng Nai cứ thay nhau chết. |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 13 đến 15 con nhưng đã có 5 con bị chết. Nếu không khẩn trương có biện pháp bảo tồn hợp lý thì số phận khoảng 10 con voi còn lại cũng như “chỉ mành treo chuông”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Cùng với những cái chết bí ẩn của hàng loạt con voi, vài tháng gần đây, tần suất xuất hiện của voi rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu vào rẫy phá hoại hoa màu, tài sản, nhà cửa của người dân rất thường xuyên.
Tại Quyết định 733 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch bảo tồn đàn voi Việt Nam đến năm 2010 đã yêu cầu rõ các tỉnh quan tâm đến số phận đàn voi quý đang có.
Thế nhưng, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu bức xúc cho biết: "Tháng trước bị chết 2 con, giờ lại chết thêm 3 con. Voi chết bất thường như vậy trong thời gian ngắn là có vấn đề. Việc voi chết liên tục là một tổn thất rất lớn”.
Để tránh bị voi phá hoại, người dân chỉ biết dùng các biện pháp đốt lửa, đánh kẻng, rọi đèn pin để xua đuổi. |
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho hay, voi tại rừng quốc gia còn rất ít, nếu tình trạng chết một lúc 2 - 3 con như thế này mà nguyên nhân vẫn chưa sớm làm rõ thì khó có biện pháp để bảo vệ số voi còn lại.
“Bản thân tôi đã từng làm việc với những người có trách nhiệm trong vấn đề bảo tồn voi để xác định trách nhiệm khi voi xảy ra sự cố. Nhưng nay voi chết liên tục mà vẫn chưa có biện pháp gì” - ông Thành nói.
Theo kế hoạch phê duyệt của Thủ tướng, việc bảo vệ đàn voi được các địa phương bắt đầu thực hiện từ năm 2006. Vậy mà thời gian đã đi gần hết 4/5 quãng đường, nhưng việc triển khai thực hiện thì giậm chân tại chỗ.
Ba con voi vừa chết thối tại Lâm trường La Ngà được phát hiện vào ngày 8/7. |
Cũng theo Quyết định 733, kinh phí thực hiện bảo tồn đàn voi lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ và UBND các tỉnh triển khai thực hiện nội dung kế hoạch hành động... Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bổ sung vốn bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các nội dung của quyết định này.
Đùn qua, đẩy lại
Trở lại sự việc tại tỉnh Đồng Nai: Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề cương dự án, vào 8/2008, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hứa Đức Nhị có văn bản 2381 trả lời Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai rằng, theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý đầu tư tại Luật Ngân sách thì việc thẩm định và bố trí ngân sách cho dự án thuộc thẩm quyền tỉnh Đồng Nai.
Theo Sở NN & PTNT, dự án chưa thực hiện vì phần kinh phí để khảo sát lập dự án bảo tồn đàn voi rừng được Sở đề xuất với UBND tỉnh là 108 triệu đồng. Nhưng đến nay, nguồn vốn này vẫn chưa được cấp nên dự án bảo tồn vẫn chưa xây dựng.
Voi thường xuất hiện phá hoa màu của dân tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. |
Theo tìm hiểu của VietNamNet, kinh phí này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai tham mưu cho UBND tỉnh bằng văn bản 410. Trong văn bản đề ngày 18/3/2009 ghi rõ: dự án bảo tồn voi hoang dã thuộc lĩnh vực chi sự nghiệp do Sở Tài chính chủ trì tham mưu đề xuất.
Nhưng sau khi “đẩy” qua Sở Tài chính, đến nay Sở NN & PTNT vẫn chưa được phản hồi.
Ngày 9/7, ông Vương Văn Thịnh, quyền Trưởng phòng Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) giải thích: Đối với kinh phí bảo tồn đàn voi, Sở Tài chính chỉ nhận được văn bản của UBND tỉnh ngày 22/9/2008 về việc chỉ đạo Sở NN & PTNT lập dự thảo văn bản để tỉnh trình Thủ tướng về cấp nguồn kinh phí thực hiện. Sau đó sự việc im lặng cho đến nay.
Do không thống nhất được nguồn kinh phí hơn 108 triệu đồng để thực hiện khảo sát dự án bảo tồn voi hoang dã, nên UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ NN & PTNT cùng làm văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Và trong khi chờ tiền để bảo tồn thì voi quý tại Đồng Nai cứ thay nhau… chết dần.
-
Vĩnh Minh