221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1221328
Thảm sát cây xanh: Ba "nhà" đều nói đã "làm nghiêm"
0
Article
null
Thảm sát cây xanh: Ba 'nhà' đều nói đã 'làm nghiêm'
,

 - Cả chủ đầu tư lẫn đơn vị được thuê chặt cây đều nói làm đúng... nguyên tắc. Sở Xây dựng cũng cho rằng mình làm đúng trình tự thủ tục trong vụ thảm sát cây xanh! 

Giải thích lý do thuê người chặt hạ hàng chục cây xanh trong dự án cống hoá mương Nghĩa Đô, ông Cù Đức Tố, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ (đơn vị chủ đầu tư) khẳng định: "Công ty đã nhiều lần xin phép và đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép". 

Hiện trường vụ thảm sát cây xanh

Lý giải về việc cả hai giấy phép đã hết hạn từ lâu mà vẫn cho chặt cây, ông Tố cho rằng, chiếu theo hợp đồng kinh tế đã ký giữa hai bên, thì trách nhiệm chặt cây thuộc về Xí nghiệp của Công ty Cây xanh, bởi chỉ có họ mới chức năng chặt cây; cây nào chặt họ phải lên số, đánh dấu cả… 

Nhưng Giám đốc Xí nghiệp Cắt sửa cây xanh, ông Nguyễn Huy Bách "bật" lại: “Tôi chỉ là người thực hiện. Còn ông ấy (ý nói ông Tố- PV) mới là người đề xuất, thuê. Hơn nữa, chúng tôi đi làm việc cho nhà nước, nên không thể làm láo được”. 

Ông Bách cam đoan, không hề chặt quá con số 54 cây theo giấy phép, thậm chí, còn những cây vướng điện đơn vị ông cũng chưa dám chặt.  

Bởi thế, ông này suy luận, con số dân đưa ra khác con số cây trong giấy phép là có thể một số cây rơi vào trường hợp bị chặt trộm, bởi công ty từng được dân báo khi có cây bị chặt trộm.

Dù vậy, khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem hồ sơ của quá trình chặt hạ cây thi ông Bách... xin khất với lý do: hồ sơ đã chuyển lên Công ty Công viên cây xanh, còn cán bộ phụ trách lại đi vắng!

Tiếp tục tìm hiểu trách nhiệm của "công ty mẹ" đơn vị chặt cây, là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây xanh Hà Nội, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc của công ty này cho biết: Quá trình thẩm định, đánh giá hiện trạng cây theo đề nghị của chủ đầu tư dự án (Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ) được tổ chuyên gia thẩm định kỹ lưỡng, trong đó, công ty ông chỉ là một đơn vị thành viên thuộc tổ này.

Khi được hỏi những ban bệ của tổ này, ông Hưng cho biết, tổ được thay đổi thường xuyên theo từng dự án, do Sở Xây dựng (trước đó là Sở Giao thông Công chính) thành lập.

Dù vậy, ông Hưng cũng thông tin, phần lớn việc chặt hạ cây mà công ty ông tham gia là để giải phóng mặt bằng lấy đất cho dự án. Ông Hưng dẫn ra dự án dọc đường Quốc lộ 32 (đường Hồ Tùng Mậu kéo dài) qua cầu Diễn cũng phải chặt hạ cả trăm cây xanh để có mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Công văn đến xin tỉa cây, nhưng Biên bản khảo sát cây lại đề nghị "bổ sung" cho chặt!

Tuy nhiên, khi lần theo quy trình thẩm định việc chặt hạ cây xanh cho dự án này, chúng tôi được biết, trước khi có ý kiến của tổ chuyên gia do Sở Xây dựng thành lập, đã có một đoàn kiểm tra "Khảo sát cây bóng mát" do công ty Công viên cây xanh độc lập tiến hành, sau khi có công văn đề xuất của Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ.

"Phiếu điều tra khảo sát cây bóng mát" của Công ty Công viên cây xanh nêu rõ: "căn cứ công văn đến của công ty Cổ phần đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ ngày 30/7/2008". Theo đó, công văn đến này (có số 41-CV-CT) lại ghi: "xin giấy phép cắt tỉa cây xanh". Song, phiếu điều tra do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hưng ký lại ghi rành mạch ở mục 3- đề xuất biện pháp xử lý (cắt sửa, chặt hạ, đánh chuyển) rằng: Chặt hạ 12 cây xà cừ để làm... bãi đỗ xe!

Như vậy, số cây mà chủ đầu tư xin cắt tỉa đợt sau cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chỉ giới xây dựng cống hoá! 

Chưa hết, trong buổi làm việc với VietNamNet, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng Kỹ thuật môi trường và Công trình ngầm (Sở Xây Dựng Hà Nội) - một đơn vị chủ chốt trong tổ chuyên gia thẩm định và tham mưu cho Sở này ra giấy phép chặt cây, cũng dè dặt cho biết: có thể số cây trên không nằm trong chỉ giới thi công cống hoá nhưng lại nằm trong chỉ giới giao đất của dự án. 

Ông Hiếu khẳng định: "Tổ chuyên gia đã báo cáo và Sở ra quyết định cho phép chặt hạ cây, giao cho đơn vị có giấy phép hành nghề chặt cây (Xí nghiệp cắt tỉa cây xanh thuộc Công ty cây xanh- PV) và đã được thực hiện theo đúng quy trình, hết sức nghiêm ngặt"!  

Trong buổi trao đổi trước đó, ông Hiếu cũng hẹn 1 tuần sau khi liên hệ với Sở Giao Thông Vận tải (trước đó là Sở giao Thông công Chính) để tìm hiểu đầy đủ thông tin do số lượng cây được cấp phép chặt hạ trong dự án này trải qua 2 thời kỳ do cả 2 sở quản lý, nhưng sau đó ông Hiếu chỉ đề cập 12 cây do Sở này cấp phép chặt hạ trong giấy phép 196 ngày 22/9/2008. 

Một gốc cổ thụ còn sót lại sau khi bị thảm sát!

Rốt cục thì cả 3 đơn vị liên quan trực tiếp đến dự án thảm sát cây xanh vẫn một mực cho rằng mình đã làm đúng chủ trương, nguyên tắc. Tuy nhiên, đây không phải là dự án duy nhất của Hà Nội được phép cho chặt hạ cây xanh tuỳ tiện, dù các hạng mục của dự án không hề động chạm đến cây xanh.

  •  Chí Hiếu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>