- Nhiều người cho rằng, dự thảo Nghị định xử phạt hành chính giao thông đường bộ mức đưa ra mức phạt 3 triệu đồng với người lái ô tô uống rượu bia là quá cao, không phù hợp với "văn hoá" làm việc trên bàn nhậu của đàn ông Việt Nam. Còn các nhà làm luật thì nói: mức phạt tuy nặng thật nhưng hợp lý.
VietNamNet ghi nhận ý kiến nhiều chiều xung quanh dự thảo quy định này.
Quy định quá "căng" với đàn ông lái xe?
Anh Vũ Hoàng, nhân viên kinh doanh của một công ty thiết bị tin học trên đường Nguyễn Du thường tự lái ô tô đi làm. Anh Hoàng cho biết, hầu như ngày nào anh cũng uống một ít rượu khi bàn việc cùng đối tác hay ký hợp đồng nhưng chưa bao giờ bị phạt vì vượt ngưỡng nồng độ cho phép như quy định trước đây.
"Uống rượu công việc thì không bao giờ "phê", nhưng mặt đỏ và thở ra... rượu là tất nhiên, vì thế nếu mức phạt mới được áp dụng thì tôi chỉ còn nước thuê lái xe riêng, nhưng làm nhân viên mà thuê lái xe thì kỳ quá!", anh Hoàng bộc bạch.
Dù Luật quy định lái ô tô có uống rượu bia là bị phạt,nhưngmức phạt sẽ khác nhau với từng mức nồng độ (Ảnh minh hoạ:TP) |
Dù ghét bia rượu, nhưng công việc giao dịch ngân hàng của anh Phùng Quốc Hùng thì va chạm với rượu bia mỗi ngày là không thể tránh khỏi. Anh Hùng lo rằng, khi bỏ nồng độ cồn giới hạn rồi áp mức phạt có thể lên đến 3 triệu khi người lái có uống tí rượu là "quá căng"!
Có lẽ đó không là câu chuyện của riêng anh Hoàng, anh Hùng mà với cả hàng trăm ngàn người có ô tô riêng, hằng ngày tự lái đi làm, tiếp khách và tất nhiên là có uống dù chỉ một ít bia, rượu.
Theo dự thảo này, các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông: lái xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường sẽ bị phạt 8-12 triệu đồng.
Bởi thế, khi được hỏi về dự thảo mức phạt 2-3 triệu cho hành vi lái ô tô uống rượu bia, rất nhiều người cho rằng mức phạt dự thảo đưa ra là quá cao, chưa "sát" với "văn hoá" của... đàn ông Việt Nam.
"Khi Luật công bố cấm tiệt người lái ô tô uống rượu tôi cũng bất ngờ và cho rằng khó đi vào thực tiễn. Nhưng nay nghe dự thảo Nghị định đưa ra chế tài phạt này thì có vẻ những nhà làm luật quyết tâm lắm rồi. Tôi hay ai đó chẳng may bị phạt 1, 2 lần trong một tháng thì hết lương. Khi đó thì chắc phải bỏ rượu hoặc bỏ việc", anh Hoàng bi quan.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khi được hỏi ý kiến cũng đồng tình mức phạt đó vẫn là quá cao. Ông Hùng nói: "Luật đã quy định cấm hoàn toàn hành vi này rồi, nhưng khi đưa ra mức phạt về mặt kinh tế thì cần phải tính toán cho phù hợp để dễ đi vào cuộc sống".
Vì thế, theo ông Hùng, ngoài mức phạt tiền, cần bổ sung các hình thức phạt khác như giữ giấy phép lái xe của người vi phạm. "Như thế vừa có tính răn đe, lại không quá chênh lệch với túi tiền người vi phạm" - ông Hùng có ý kiến.
Phạt nặng nhưng nhân văn?
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Vụ Trưởng Vụ An toàn giao thông, (Bộ GTVT) thành viên Ban soạn thảo: mức phạt đã được điều chỉnh nặng hơn, song cũng đã phân chia nhiều mức cụ thể với từng nồng độ cụ thể để sao cho hợp lý và nhân văn.
"Luật cấm tiệt uống rượu bia khi lái xe ô tô, nhưng tất nhiên khi nồng độ cồn trong máu cao mới bị phạt nặng. Trong Nghị định (dự thảo) lần này chia ra 2, 3 mức phạt khác nhau: nồng độ bằng không đến mức giới hạn cho xe máy (lấy theo mức quy định trong nghị định 146). Rồi nồng độ từ giới hạn cho xe máy đến ô tô (theo mức cũ) cũng có mức phạt khác. Nghĩa là cũng linh hoạt chia ra mức phạt cao nhất với nồng độ vượt quá cao, còn có mùi thôi thì mức phạt nhẹ hơn", ông Thuấn nói. Cũng theo ông Thuấn, quy định này so với quy định cũ (điều 49, Nghị định 146) là rất tiến bộ như việc bỏ quy định tạm giữ phương tiện. "Quy định mới chỉ nhắm vào phạt nặng hành vi của người vi phạm thay vì "phạt" cả phương tiện như trước. Phương tiện không có lỗi, hơn nữa, phương tiện nhiều khi không phải của người vi phạm mà là của tổ chức, cơ quan nên tạm giữ sẽ gây ra khó khăn cho hoạt động sản suất của tổ chức đó, gây lãng phí cho xã hội", ông Thuấn phân tích. Ông Thuấn giải thích thêm: "Hơn nữa, đình chỉ hoạt động phương tiện là không phù hợp với quy định xử phạt hành chính, cho nên bỏ điều này, đồng thời tăng mức phạt lên cao là hợp lý". Còn Thượng tá Trần Sơn, Phó Phòng Hướng dẫn Luật và xử lý vi phạm (Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt) cũng cho rằng mức phạt đó là phù hợp. "Đó là những hành vi có nguy cơ gây tai nạn cao, không chỉ cho người lái xe mà cho người khác, cho xã hội, khi xảy ra tai nạn thì thiệt hại không biết bao nhiêu mà lường trước được. Phải có chế tài phạt nặng để răn đe đi kèm thì công tác tuyên tuyền, giáo dục, mới có kết quả tốt", ông Sơn nhấn mạnh.