- Từ 1/7, bệnh nhân đến các trạm y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện sẽ tăng đột biến do người khám chữa bệnh ban đầu tại các tuyến tỉnh, trung ương sẽ được phân cấp về tuyến cơ sở. Tuy nhiên, dạo qua các điểm y tế cơ sở một ngày trước khi áp Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), thấy việc chuẩn bị cho sự thay đổi này vẫn chưa đâu vào đâu.
Y tế cơ sở kém tự tin
Từ ngày 1/7/2009, Luật BHYT có hiệu lực, hàng triệu người khám chữa bệnh ban đầu tại các tuyến tỉnh, trung ương sẽ được phân cấp về tuyến cơ sở (xã/phường, quận/huyện) nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Điều kiện khám chữa bệnh của trạm y tế xã còn thô sơ, lạc hậu. (Ảnh chụp tại trạm y tế xã Xuân Phương - Cẩm Quyên)
Trạm y tế xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm – Hà Nội) một ngày trước khi đón số bệnh nhân dự kiến sẽ tăng đột biến vẫn chỉ có 1 bác sỹ, 3 y sỹ và 2 y tá có trình độ sơ và trung cấp. Nhân lực mỏng, nhưng trung bình mỗi tháng trạm phải khám chữa bệnh cho 100 bệnh nhi dưới 6 tuổi, chưa kể người lớn (xã Xuân Phương có khoảng 22.000 dân) và toàn bộ các công việc hành chính khác.
Ngoài ra, trang thiết bị y tế đã lạc hậu, có những thiết bị đã hỏng và chưa được thay thế.
Máy siêu âm 2 chiều đã quá lạc hậu không thể cho kết quả chính xác, máy xét nghiệm nước tiểu đã hỏng và bệnh nhân mỗi khi cần xét nghiệm này đều phải thực hiện ở nơi khác và mang kết quả về trạm y tế xã để tiếp tục được xử lý.
Bà Phan Thị Thuỷ, trưởng trạm cho biết: “Nếu triển khai Luật BHYT theo hướng trên, ngoài nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị, trạm cần thêm ít nhất 2 bác sỹ có trình độ chuyên môn sâu. Nếu không thì không thể đảm nhận được”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại trạm y tế xã Tây Mỗ. Cả trạm có 1 bác sỹ, 5 người còn lại trình độ trung cấp nhưng nếu triển khai Luật BHYT như trên sẽ phải “gánh” tới 5.000 người khám chữa bằng BHYT.
“Chúng tôi không thể đáp ứng được với điều kiện hiện tại, vì nhu cầu như vậy là quá lớn”, ông Nguyễn Kim Dũng, trưởng trạm cho hay.
Tại phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), cả trạm y tế không có một bác sỹ nào. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng trạm cho biết: “Cả trạm chỉ có một mình tôi là y sỹ, còn lại đều là trung cấp dược, nữ hộ sinh, điều dưỡng”. Về cơ sở vật chất, chỉ có 6 giường lưu bệnh nhân, tất cả đều đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng.
Trong khi đó, phường Ngọc Lâm có khoảng 22.000 dân và có khoảng gần 4.000 người dân khám chữa bệnh theo BHYT (trong đó có khoảng 1.800 trẻ em dưới 6 tuổi, còn lại là các đối tượng khác).
Theo quy định của Luật BHYT, nơi nào không có bác sĩ thì chưa được phân cấp KCB về cơ sở. Do đó, toàn bộ công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân ở đây do các y bác sỹ của trung tâm y tế quận đảm nhận. Trung bình, mỗi tháng có 400-500 lượt người đến khám. Có tháng cao điểm lên tới 1.000 người, áp lực không nhỏ.
“Như vậy, nếu từ nay người dân bắt buộc phải khám chữa bệnh theo BHYT tại tuyến phường, quận trước thì tôi cũng lo là lượng người sẽ tăng đột biến, trong khi các yếu tố khác vẫn “đứng im”, khó lòng đáp ứng được tốt nhu cầu người dân”, ông Sơn nói.
Chủ trương này được ủng hộ, nhưng trong thực tế, người dân đang băn khoăn lo lắng, còn các địa phương khi thực hiện cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
Dân lo nảy sinh tiêu cực
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, trú tại số 157 phố Chùa Láng (Hà Nội) bày tỏ: “Lên tuyến trên phải chờ đợi lâu, rất mệt nhưng cũng còn hơn ở trạm y tế phường hay trung tâm y tế quận. Tại trạm y tế phường, trình độ bác sỹ thế nào, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn ra sao mọi người chắc cũng không còn lạ nữa”.
Nếu bắt buộc phải khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường, chị Hà thực sự lo lắng: “Thật tình, tôi không tin vào khả năng khám chữa bệnh của y tế cơ sở”.
Chính người dân cũng sợ cảnh quá tải tại các viện trung ương, nhưng họ vẫn đổ về đây vì không tin tưởng vào khả năng đáp ứng của y tế cơ sở. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai - Cẩm Quyên) |
Anh Nguyễn Văn Khang, chồng chị Hà, cho rằng, nếu để người dân được tự do đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo BHYT sẽ tốt hơn.
“Đây sẽ là động lực để tất cả các bệnh viện, các trạm y tế phường, trung tâm y tế quận phải tìm mọi cách để tự nâng cao chất lượng khám, phục vụ người bệnh của mình. Như vậy, rõ ràng bài toán quá tải ở các viện trung ương sẽ được giải quyết một cách tự nhiên. Nếu Bộ làm cơ học thế này, tôi cho là hơi cứng và chỉ giải quyết được bề nổi. Sau một thời gian, đâu sẽ lại vào đó cho mà xem”, anh Khang nói.
Các bệnh viện trung ương đang quá tải trầm trọng, người bệnh phải nằm trên cáng ngoài hành lang. (Ảnh chụp tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia - Cẩm Quyên)
Anh Khang cho rằng, bắt buộc người dân khám chữa ban đầu tại cơ sở, nhưng cơ sở không thay đổi củng cố thêm cái gì thì không thể khám cho lượng người đông như vậy.
“Làm thế này là vì quyền lợi của chính chúng tôi, chúng tôi ủng hộ. Nhưng phân cấp đột ngột như thế này thì chính chúng tôi lại là người chịu hậu quả”, anh nói.
Cả gia đình anh Trần Văn Trung ở Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, quận Long Biên) đều có BHYT. Nhưng anh hầu như không bao giờ đến trạm y tế phường hay trung tâm y tế quận. Mỗi khi gia đình có người ốm đau, anh đều đưa thẳng vào Bệnh viện Đức Giang để chữa.
“Có lần, cũng đưa qua trung tâm y tế quận, nhưng rút cuộc vẫn lại phải vào Bệnh viện Đức Giang với lý do quận không xử lý được nên chuyển lên tuyến trên. Chờ đợi kiểu này rất mất thời gian, con mình có khi còn ốm thêm. Với quy định mới này, chỉ e rằng dân thì vẫn không được khám bệnh mà lại nảy sinh thêm tiêu cực, phiền phức ”, anh lo lắng.
Luật mới có phải thuốc chữa "quá tải"?
Trưởng trạm y tế xã Xuân Phương cho hay: “Có nhiều trường hợp trình độ cán bộ đủ đáp ứng, nhưng không có đủ trang thiết bị, chúng tôi bắt buộc phải viết giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân”.
Tại trạm y tế xã Tây Mỗ, người dân đang... quay lưng với khám chữa bệnh ban đầu theo BHYT, bởi “sau nhiều lần dùng thuốc miễn phí của BHYT mà không hiệu quả, mức sống lại cao hơn nên nhiều người dân đã chấp nhận sử dụng y tế dịch vụ".
"Điều này đã ăn sâu vào tâm lý của họ, nên nếu có thực hiện BHYT bắt buộc tại cơ sở, rất có thể người dân sẽ tìm cách vượt tuyến như thường”, ông Dũng nói.
Bác sỹ Tạ Hữu Duy (Trung tâm y tế quận Long Biên) cho biết: “Vấn đề khó khăn nhất vẫn là quyền lợi bệnh nhân. Trình độ bác sỹ và các phương tiện phải đảm bảo thì mới giữ bệnh nhân lại được, nếu không thì mình vẫn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.
Như vậy, nếu chỉ quy định người dân bắt buộc phải khám ở tuyến cơ sở mà các cơ sở chưa có đủ điều kiện và thời gian chuẩn bị thì tình trạng vượt tuyến sẽ vẫn diễn ra theo nhiều cách, và cả gốc lẫn ngọn của vấn đề quá tải vẫn không giải quyết được.
Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, nhiều tuyến y tế huyện đang ở tình trạng hoạt động không hết công suất vì không có bệnh nhân. Khi Luật BHYT có hiệu lực, nếu không thể đáp ứng được lượng người khám quá đông thì cơ sở y tế đó phải báo cáo với bảo hiểm xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc".
Ông Kính nói thêm: "Y tế cơ sở cũng phải xem xét lại năng lực của mình. Trong trường hợp nhân lực mỏng, cơ sở vật chất kém, trang thiết bị không được đầu tư đầy đủ thì phải báo cáo với sở y tế để được giải quyết”.
Theo báo cáo cuối năm 2008 của Bộ Y tế, cả nước có hơn 10.300 xã, phường có trạm y tế. Các trạm y tế này nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, khám bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Bên cạnh sự xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, có khoảng 30% trạm y tế cấp xã chưa có bác sỹ.
Tình trạng này phổ biến ở hầu hết các địa phương, kể cả ở các thành phố lớn.
Tại Thủ đô Hà Nội còn 3 xã, thị trấn chưa có trạm y tế. Theo báo cáo của Sở Y tế, thành phố hiện có 20 huyện nhưng chỉ có 13 bệnh viện đa khoa, 20 trung tâm y tế, trong đó 19% trạm y tế xã chưa có bác sỹ, hơn 20% số trạm y tế chưa được xây dựng kiên cố và 27% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia. |
-
Cẩm Quyên - Vũ Điệp