- Sau hơn 8 tháng rà soát toàn bộ các đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội mở rộng, Tổ công tác liên ngành Thành phố vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 240 đồ án, dự án trong khu vực từ vành đai III đến sông Đáy và huyện Mê Linh được triển khai đợt 1.
Qui mô diện tích đất của 240 đồ án, dự án được đề nghị triển khai đợt đầu này là 9.502ha, thuộc các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên và quận Hà Đông.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, mặc dù huyện Mê Linh không thuộc khu vực từ vành đai III đến sông Đáy (theo Thông báo 144TB-VPVP của Văn phòng Chính phủ), nhưng xét thấy đây là khu vực đã có qui hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004, hơn nữa đối chiếu với định hướng Qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang nghiên cứu thì huyện Mê Linh là khu vực ít biến động - nên Hà Nội và Bộ Xây dựng thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào khu vực rà soát đợt I.
"Tin vui" cho nhiều dự án đang mòn mỏi đợi
Đối tượng rà soát giai đoạn trước mắt được UBND TP Hà Nội xác định là các đồ án qui hoạch và dự án đầu tư xây dựng đã, đang được triển khai, đặc biệt là các đồ án, dự án được chấp thuận, phê duyệt trong vòng 1 năm về trước kể từ ngày 1/8/2008 - tuy nhiên trừ các dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh ổn định; các dự án thứ phát trong khu, cụm, điểm công nghiệp; các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án thực hiện chính sách nhà nước với các đối tượng bị thu hồi đất, bị di dời theo pháp luật.
240/785 đồ án, dự án vừa được Hà Nội kiến nghị cho phép triển khai đợt 1 (Ảnh: H.H). |
Về nguyên tắc, các tiêu chí đánh giá đợt này vẫn được Tổ công tác liên ngành "bám sát" Qui hoạch Vùng Thủ đô, nhiệm vụ Qui hoạch chung Hà Nội mở rộng và phù hợp tiêu chí, kết quả rà soát, phân loại, xếp hạng của Bộ Xây dựng dịp tháng 7/2008 (ngoại trừ một số trường hợp Thành phố Hà Nội cho là "đặc biệt hoặc có hoàn cảnh và lý do đặc thù").
Bên cạnh đó, còn có các tiêu chí cụ thể cho từng địa bàn, khu vực. Ví dụ, đối với các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Hoài Đức, Đan Phượng - các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực cần kêu gọi xã hội hóa (văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, thể thao, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng) và cần đẩy mạnh đầu tư để tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (công nghiệp, du lịch, dịch vụ) đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định đầu tư, phê duyệt dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư được Thành phố đề xuất tiếp tục triển khai.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại Đan Phượng, các dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đang xây dựng cơ sở hạ tầng; các dự án thuộc khu vực phía Đông vành đai IV dự kiến; đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cũng được đề nghị cho phép tiến hành đợt này.
Cùng trong danh sách đề nghị cho triển khai tương tự còn có các dự án thuộc tại phía Đông vành đai IV thuộc địa phận Hoài Đức và ngoài khu vực dự kiến xây dựng trục đường Thăng Long (khu vực ảnh hưởng từ phía Nam khu đô thị Kim Chung - Di Trạch đến phía Bắc đô thị Bắc An Khánh).
Cùng với đó, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị và nhà ở tại huyện Hoài Đức đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất và tại các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa đang bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được đề xuất cho phép triển khai.
Ngoài ra, một số dự án giải quyết bức xúc dân sinh hoặc liên quan đến chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cơ bản cũng được tiếp tục triển khai đợt 1.
Việc tiếp theo của Hà Nội là... khớp nối
Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cho biết, do phần lớn các dự án đầu tư (đặc biệt tại Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức...) chưa có nền qui hoạch chung, nên ngay sau khi Thủ tướng chấp thuận danh mục các đồ án, dự án được triển khai đợt 1 này - Thành phố sẽ chỉ đạo điều chỉnh, khớp nối các dự án, đồ án này lại.
Rà soát, đối soát cụ thể lần cuối và báo cáo kết quả cuối tháng 6/2009, Tổ công tác liên ngành TP Hà Nội tổng hợp được 785 đồ án qui hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội (tăng 41 đồ án, dự án so với báo cáo trước), chiếm qui mô đất đai 59.078ha. |
Đối với các dự án xây dựng tuyến giao thông theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn Hà Tây cũ và 4 xã thuộc Hòa Bình đã được Thủ tướng và nhiều bộ, ngành chấp thuận trước 1/8/2008 như: đường trục Bắc - Nam; đường trục phía Nam; đường cao tốc Hòa Lạc kéo dài đến TP Hòa Bình; đường Đỗ Xá - Quan Sơn; đường từ Đền Và đến Thành cổ Sơn Tây, đường trục từ Miếu Môn đến Hương Sơn... UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai.
Trừ khu đô thị Thanh Hà A và B, Thành phố Hà Nội kiến nghị được giao phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét dự án đối ứng để hoàn vốn cho các nhà đầu tư những dự án BT kể trên, vì phần lớn các dự án này có qui mô rất lớn, lại nằm tại nhiều khu vực nhạy cảm về qui hoạch thoát nước, ý tưởng vành đai xanh và chuỗi đô thị vệ tinh của Thủ đô (chiểu theo "đề bài" qui hoạch chung Hà Nội).
Hà Nội cũng mong muốn sau khi Thủ tướng duyệt danh mục các đồ án, dự án được triển khai đợt 1 - sẽ cho phép Thành phố tiếp tục phối hợp Bộ Xây dựng rà soát và đề xuất danh sách đồ án, dự án được phép triển khai đợt 2, đặc biệt là các dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng, dân sinh bức xúc.
-
Tràng An Nguyễn