Theo nghiên cứu, cứ 5 người thì 4 người mắc chứng đau cột sống ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì chỉ đau lưng, đau cổ. Mức độ vừa, bệnh nhân thỉnh thoảng xuất hiện các cơn cấp tính, đau không di chuyển, ăn ngủ được. Mức độ nặng: tê bì, yếu chân tay, tiểu tiện không tự chủ. Làm sao để phòng chống và điều trị các bệnh gây khó chịu này?
Càng lớn tuổi cột sống càng bị lão hóa. Ảnh minh họa |
Đau lưng thăm hỏi người độ tuổi nào?
Để phòng chống các bệnh về cột sống: cần vận động, thư giãn hợp lý. Tư thế ngồi đúng: |
Đối tượng dễ bị căn bệnh này dòm ngó là người có tuổi, vì càng lớn tuổi, cột sống càng bị lão hóa. Thứ đến là giới trẻ tuổi là nhân viên văn phòng, do cách ngồi làm việc không đúng tư thế; những người lao động nặng nhọc: bê vác nặng gây xiêu vẹo cột sống.
Theo bác sỹ Tan Chong Tien, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình và cột sống, bệnh viện Mount Elizabeth, thuộc tập đoàn y tế Parkway 5, khoảng 80% các vấn đề đau lưng là do quá trình lão hóa và còn lại có thể là do chấn thương, viêm nhiễm hoặc có khối u.
Đối với những người ở độ tuổi từ 20 tới 40, họ thường gặp các vấn đề liên quan tới đĩa đệm như lão hóa và trượt đĩa đệm. Trong khi những người ở độ tuổi trên 50 thường mắc bệnh liên quan tới các khớp và đốt sống, như hẹp ống sống và loãng xương. Trong một số trường hợp, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định tiêm ngoài màng cứng để giảm đau nhưng đây không phải phương pháp điều trị dứt điểm.
Theo bác sỹ Tan, nếu phát hiện các dấu hiệu như xuất hiện cơn đau cấp, mất trương lực cơ, thay đổi hoặc mất kiểm soát bàng quang và nhu động ruột, chấn thương, biến dạng cột sống, không cúi người được, đau lưng không ngủ được… thì bệnh nhân nên đi khám phát hiện sớm và đánh giá đúng tình trạng bệnh để chữa trị kịp thời.
Hiệu quả của phương pháp điều trị hiện đại
Nhân chuyến công tác tới Hà Nội của chuyên gia về chấn thương và đau cột sống – bác sỹ Tan Chong Tien, văn phòng đại diện Tập đoàn Y tế Parkway tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến với độc giả báo VietNamNet vào lúc 3h chiều ngày 26/6/2009. |
Hiện nay phương pháp điều trị phổ biến tại Việt Nam vẫn là “hàn xương”, gắn xương vào với đĩa đệm. Cách làm này có nhược điểm là sẽ làm cột sống mất đi sự chuyển động tự nhiên của cột sống. Chỗ bị gắn không thể cử động linh hoạt được nữa. Thêm vào đó, do bị gắn chắc với nhau nên nó sẽ lại gây áp lực lên các đốt sống và đĩa đệm khác, khiến các đĩa đệm và các đốt sống này lại bị tổn thương.
Một số bệnh viện lớn trên thế giới hiện nay đã áp dụng phương pháp phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo. Cách làm này giúp cho xương sống vẫn linh hoạt chuyển động theo cử động của đốt sống. Tỉ lệ thành công đối với các ca phẫu thuật lên đến 98%. Chi phí trung bình cho phẫu thuật đĩa đệm tại Singapore khoảng 8,000 đô la Sing. Tuổi thọ của đĩa đệm nhân tạo này trong cơ thể có thể lên tới 20 năm.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể áp dụng đối với những người bị tổn thương đĩa đệm thông thường chứ không áp dụng được đối với tổn thương đĩa đệm do lão hoá gây ra.
Bên cạnh đó, y học hiện đại cho phép các bác sĩ thực hiện mổ nội soi thay vì mổ mở, giúp giảm bớt sự đau đớn cho bệnh nhân và vết mổ chóng lành hơn. Các biện pháp điều trị không cần tới phẫu thuật như tiêm steroid ngoài màng cứng hay vào rễ thần kinh đôi khi cũng có tác dụng điều trị thoát vị đĩa đệm và hẹp ống sống. Vi phẫu điều trị thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ. Phương pháp này sử dụng sức nóng của sóng xạ để tạo ra một rãnh nhỏ ở đĩa đệm và nhờ đó giảm áp lực bên trong đĩa đệm.
Đặc biệt, nếu như trước đây, những người bị loãng xương chẳng có cách nào điều trị được thì hiện nay, phương pháp bơm chất xi-măng xương vào đốt sống bị tổn thương nhờ sự hỗ trợ hình ảnh X quang giúp bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi cơn đau.
-
Anh Vũ