Ngày 11/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM, chuyển sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố.
Theo đó, Cơ quan CSĐT đề nghị Viện KSND tối cao truy tố đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính (GTCC), nguyên Giám đốc BQLDA Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước và ông Lê Quả, nguyên Phó BQLDA về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đưa lên xe về trại giam. Ảnh: Phan Công
Theo kết luận điều tra, tháng 9/2008, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện ông Huỳnh Ngọc Sĩ, ông Lê Quả làm trái công vụ dùng tài sản Nhà nước cho thuê lấy tiền chia nhau chiếm hưởng cá nhân.
Cụ thể, tháng 5/2001, sau khi Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế Đại lộ Đông Tây, ông Sakashita, đại diện Công ty PCI đặt vấn đề với ông Lê Quả thuê trụ sở tại số 3 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, TPHCM làm trụ sở.
Ông Quả đã báo cáo với ông Sĩ và được ông Sĩ thống nhất đồng ý, giao cho ông Quả thực hiện. Việc ký thỏa thuận của ông Sĩ và ông Quả không báo cáo xin phép các cơ quan có thẩm quyền.
Từ tháng 8/2001 đến tháng 11/2002, Công ty PCI đã trả tiền thuê trụ sở cho BQLDA với số tiền 5.000 USD/tháng, tổng cộng là 80.000 USD (16 tháng), tương đương 1,2 tỉ đồng. Người trực tiếp nhận tiền là ông Quả. Thực hiện chỉ đạo của ông Sĩ, ông Quả không nhập số tiền cho thuê trụ sở BQLDA theo quy định của pháp luật mà tự quản lý để chi tiêu.
Ông Quả đã sử dụng 350 triệu đồng để chi giao dịch, tiếp khách BQLDA nhưng không có hoá đơn chứng từ chứng minh việc chi này. Số tiền còn lại, hàng tháng ông Quả giao cho bà Chu Thị Mai, nhân viên Phòng hành chính lập danh sách chia cho cán bộ nhân viên BQLDA.
Bà Mai đã lập phương án ăn chia được ông Quả duyệt chia cho 87 người, tổng cộng trên 813 triệu đồng, người được nhận nhiều nhất là ông Quả với số tiền 53,9 triệu đồng, ông Sĩ là 52,250 triệu đồng, người ít nhất là 100.000 đồng. Ngoài ra, ông Quả còn trích 35,7 triệu đồng để chi cho công việc của BQLDA gồm chi tiền liên hoan, sửa chữa nhà, lắp đặt điện thoại, phúng viếng...
Tổng cộng các khoản chi cho cán bộ công nhân viên và sử dụng cho BQLDA là hơn 849,577 triệu đồng. Cho đến nay, các ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Lê Quả và những người liên quan đã nộp lại 1,110 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Tại CQĐT, ông Sĩ nhận chịu trách nhiệm chung đối với toàn bộ các hoạt động của BQLDA cũng như chịu trách nhiệm về công tác quản lý tài chính của BQLDA theo quy định. Ông Sĩ giao nhiệm vụ cho ông Quả giải quyết các vấn đề phát sinh trong ngày. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, ông Quả chuyển hồ sơ tài liệu để ông Sĩ chỉ đạo giải quyết, những công việc khác, ông Quả trực tiếp báo cáo tại các cuộc họp giao ban.
Trụ sở BQLDA là nhà thuộc sở hữu của UBND TPHCM giao BQLDA sử dụng làm trụ sở làm việc, không được cho thuê, cầm cố, kinh doanh. Ông Quả không có quyền cho Công ty PCI thuê phòng làm việc.
Trong số 87 người của BQLDA được nhận các khoản tiền có nguồn gốc từ số tiền thu được do Công ty PCI thuê trụ sở làm việc mà có, tất cả đều thừa nhận được chia tiền có nguồn gốc trên, nhưng không được tham gia bàn bạc chủ trương cho Công ty PCI thuê trụ sở làm việc.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ trên hệ thống sổ sách theo dõi quản lý tài chính kế toán của BQLDA không có khoản tiền thu từ việc cho Công ty PCI thuê trụ sở làm việc. BQLDA không có văn bản báo cáo với UBND TPHCM để xin ý kiến cũng như không có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của UBND TP về việc cho Công ty PCI thuê trụ sở làm việc của BQLDA.
Từ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 2 bị can gồm ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Lê Quả theo tội danh trên. Đối với bà Chu Thị Mai và những người có liên quan khác mặc dù được chia tiền nhưng không tham gia vào việc bàn bạc với ông Sĩ và ông, đã khai báo thành khẩn và nộp lại tiền khắc phục hậu quả nên CQĐT chỉ yêu cầu cơ quan chủ quản xử lý về mặt hành chính.
(Theo CAND)