221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1210456
Hà Nội "làm lại" giao thông: Đường ít tắc, cảnh sát nhàn
1
Article
null
Hà Nội 'làm lại' giao thông: Đường ít tắc, cảnh sát nhàn
,

 - Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, tình hình ùn tắc trong 1 tuần qua tại những nút giao áp dụng cách tổ chức mới là gần như không có, dù quãng đường di chuyển của phương tiện dài thêm ra, song không đáng kể.

Nhàn nhất là... cảnh sát giao thông!

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh không khỏi sững sờ khi một loạt ngã ba Lương Thế Vinh, Nguyễn Quý Đức, Kim Giang, Chùa Láng, ngã tư cầu Trung Hoà, Pháo Đài Láng... bị "chặn" lại. 

Ngã ba Nguyễn Quý Đức - Nguyễn Trãi. (Ảnh: C.Hiếu)
Các nút giao thông này được mềm hoá, tạo thành những "đảo giao thông" trông khá lạ mắt và cũng gây không ít khó chịu với người dân khi họ phải vòng vèo nhiều lần. 

Không thể phủ nhận, trong những ngày đầu tiên, cách làm này đã ít nhiều gây khó khăn cho người tham gia và gây ra... ùn tắc cục bộ, như hai ngày đầu trên trên tuyến đường Nguyễn Trãi.

Nguyên nhân được chỉ ra là: Hai ngày đầu dân chưa quen đường. Thêm vào đó, người này qua thấy lạ, đứng lại nhìn  một chút, người kia vòng lại nhìn một chút gây tắc đường. Nhưng một tuần sau, tình hình đã đổi khác.

Theo đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội), trên dọc tuyến Nguyễn Trãi có 3 điểm hay ùn tắc vào giờ cao điểm là: ngã 3 Nguyễn Quý Đức, ngã 3 Khương Đình và ngã 3 Kim Giang. Song 10 ngày nay, khi dựng các "ba-ri-e mềm" chặn lại, buộc các phương tiện quay đầu tại hai đầu cách ngã 3 chừng 100m thì nạn ùn tắc chấm dứt hẳn. Nhất là ngã 3 Kim Giang, trước nay phải huy động 4 đến 5 CSGT phân luồng giờ cao điểm thì nay chỉ bố trí 1 CSGT trực.

Tương tự, 5 ngày nay, rất khó để bắt gặp hình ảnh CSGT đội 3 đứng chốt ở ngã tư Trần Duy Hưng - Láng - Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, không vì thế mà có cảnh ùn tắc xảy ra tại ngã tư này.

Thay vì được điều tiết bằng đèn và có sự hỗ trợ của 6 CSGT vào giờ cao điểm, một tuần nay, ngã tư này đã được thay bằng một "đảo giao thông" cỡ lớn dài khoảng 300m. Dòng xe từ đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh được ưu tiên chạy thẳng, còn dòng xe dọc đường Láng được uốn qua "đảo giao thông", vòng lên Nguyễn Chí Thanh (và Trần Duy Hưng) gần 100 mét rồi quay đầu lại, rẽ vào Láng.

Thiếu uý Hùng, CSGT đội 3 cho hay, với cách tổ chức này, đội đã tiết kiệm được 5, 6 chiến sỹ trực ở đây, để tập trung cho các nút cầu Lê Văn Lương, cầu Trung Liệt đang là điểm nóng ùn tắc.

"Chỉ là tổ chức lại nên kinh phí sẽ rất ít"

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: "Đây là chiến dịch tổ chức lại giao thông trong mục tiêu giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông nội đô Hà Nội".

Ông Hùng dẫn ví dụ thực tế và phân tích: Nút Nghi Tàm - An Dương, trước đây, nếu muốn đi từ đường Thanh Niên vào đường An Dương thì phải vượt qua bốn dòng giao thông: dòng từ đường Nghi Tàm về Yên Phụ, dòng từ Yên Phụ về Thanh Niên, dòng từ An Dương rẽ về Yên Phụ, dòng từ phố Yên Phụ con ra phố Yên Phụ lớn. 

18h, vẫn là giờ cao điểm, nhưng ngã tư cầu Trung Hoà đã không còn ùn tắc từ khi có "đảo giao thông", dù CSGT đã "vắng bóng"! (Ảnh: C.Hiếu)
"Như thế, sẽ gây ùn tắc và nguy cơ tai nạn cao. Nay tổ chức lại, ta "dẫn" dòng đó đi theo một lối riêng, từ Thanh Niên nhập dòng Yên Phụ, quay ngược lại, chuyển dần sang làn phải rồi tách dòng vào An Dương. Dù quãng đường có dài thêm khoảng 100m, nhưng thời gian thì không hề dài thêm ra" - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, một điều mấu chốt để Sở GTVT quyết tâm lựa chọn giải pháp tổ chức lại giao thông theo cách nói trên là vì kinh phí rất rẻ, lại phù hợp với mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có của Hà Nội. 

"Chúng tôi chỉ tổ chức lại, vì trước nay có chỗ chưa hợp lý. Chỉ thêm dăm ba cái rào chắn, vài cái biển, mấy ông thanh tra, cắt cắt xén xén mở mở tí thôi nhưng sẽ thông thoáng hơn nhiều. Tất nhiên cũng cần có rút kinh nghiệm, chỉnh sửa thêm", ông Hùng nói.

Những nút được lựa chọn thí điểm là những nút có hạ tầng yếu, mặt cắt nhỏ; các đầu nối lộn xộn và hay xảy ra ùn tắc. 

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, sắp tới, một số tuyến phố sẽ được tổ chức lại bằng phương pháp này.

Ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, người được giao nhiệm vụ kiểm tra tại "đảo giao thông" này thì thận trọng hơn: "Nói giải quyết triệt để ùn tắc thì còn quá sớm, nhưng nếu trước đây, đến 19h, nhiều khi nút này vẫn còn ùn, thì năm ngày nay, cứ sau 18h, nút này đã rất thoáng, rất ít nguy cơ ùn tắc".

Vẫn còn quá sớm để nói "cuộc cách mạng trong tổ chức lại giao thông" sẽ giúp Hà Nội giải quyết xong hết "điểm đen" ùn tắc trước ngày đại lễ. Nhưng ít ra, người Hà Nội vẫn có quyền hy vọng tình hình giao thông sẽ được cải thiện, sau những tín hiệu tốt đẹp đầu tiên này.

  • Chí Hiếu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,