- Trước tình trạng sử dụng đất đai sai phạm, thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng TN - MT trả lời ĐBQH rằng, do một số địa phương thiếu chỉ đạo kiểm tra để đi đến kết luận phải thu hồi, nên chưa thực sự kiên quyết giải quyết sai phạm. Trong khi đó, cơ chế giá cả đền bù thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư cho dân còn bất cập.
Hàng trăm thư kiện
Đại biểu Lê Như Tiến: "Trên 80% ý kiến kiến nghị cử tri và hơn 85% đơn thư khiếu nại tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, nhà cửa, đền bù, giải phóng mặt bằng". Ảnh: TTXVN |
"Tôi là một trong những người nhận được quá nhiều những đơn từ về chuyện oan ức của dân khi mà ruộng của họ bị lấy, nhất là ở nông thôn. Lãnh đạo cấp địa phương, trình độ hạn chế, không hiểu biết lắm về pháp luật, nhiều khi họ làm một cách rất thiếu trách nhiệm", ông Dũng nói.
Trên 80% ý kiến kiến nghị cử tri và hơn 85% đơn thư khiếu nại tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, nhà cửa, đền bù, giải phóng mặt bằng. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), người vừa "chất vấn" vấn đề này tại phiên họp toàn thể của QH, đã đưa ra con số trên đồng thời cảnh báo "tình trạng buông lỏng quản lý đất đai gây nên những hiệu ứng xã hội bất thuận".
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, trong số hơn 7,8 triệu ha đất Nhà nước giao cho các tổ chức thì có tới hàng trăm nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật, thậm chí còn dùng "ma thuật" biến đất công thành đất tư...
Nhắc đến những sai phạm liệt kê như trên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng nói ông vẫn không thể lý giải nổi tại sao các cơ quan Nhà nước hô hào thiếu hội trường làm việc trong khi hội trường đang có lại sử dụng vào việc cho thuê dịch vụ... đám cưới.
"Tư nhân hoàn toàn có thể lập các dịch vụ, xây dựng công trình phục vụ nhu cầu như vậy, tại sao lại sử dụng công trình, cơ quan Nhà nước để làm dịch vụ cho thuê cưới xin? Có nơi thậm chí cho thuê cả một phần bảo tàng làm dịch vụ cưới xin là không thể chấp nhận được. Bảo tàng là nơi thiêng liêng, vậy mà quốc tế nhìn vào thấy toàn xập xình cưới xin", ông Dũng nói.
Đại biểu Như Tiến cũng dẫn ra 96 triệu mét vuông đất và các công trình gắn liền với đất ở TP.HCM, tọa lạc ở những vị trí đắc địa do các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp nhà nước quản lý cũng rơi vào tình trạng trên như cho thuê giữ xe, rửa xe, gara ô tô, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, kinh doanh phế liệu hoặc xây tường bao chiếm dụng đất để cỏ mọc um tùm nhiều năm gây lãng phí cả trăm ngàn tỷ đồng của Nhà nước.
Khu đất hàng ngàn mét vuông mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội) nhằm thực hiện Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê sau nửa thập kỷ giao cho Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Chụp tháng 3/2009 - Ảnh: T.M) |
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) lo ngại tình trạng cho thu hồi đất lãng phí nhưng lại phê duyệt các dự án xây nhà tầng, cao ốc, chung cư, khách sạn chen chúc trong nội đô.
"Thực tế này không hề ổn", đại biểu Loan nói. Bà cũng cho rằng, phải xem xét lại cái gọi là "đất vàng", không thể nhìn vào giá trị bán, giá trị nội đô của vị trí đất rồi gọi là đất vàng.
Xử lý, nhưng chưa kiên quyết
Là địa phương thực hiện thí điểm sắp xếp lại nhà đất từ năm 2001 theo quyết định của Chính phủ, đến nay TP.HCM đã thu hồi 162 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất hơn 600 nghìn mét vuông. Địa phương này đã thu hơn 14 nghìn tỷ đồng từ sắp xếp lại cơ sở nhà đất, bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, đại biểu Như Tiến nói vẫn không khỏi giật mình khi thường trực Ban chỉ đạo kiểm kê quỹ đất của TP.HCM công bố ngày 10/02/2009 cho thấy, tại thành phố có 348 khu đất với 1.170ha bị bỏ hoảng, 285 khu với 78,8ha cho thuê trái phép, 65 khu với 52,12ha cho mượn trái pháp luật bao gồm cả tài sản gắn liền trên đất.
Trả lời chất vấn của đại biểu bằng văn bản, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho hay, dù đã thực hiện các giải pháp nhưng việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai vẫn còn chưa được tiến hành triệt để.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ trưởng, là do thiếu sự chỉ đạo kiểm tra kết luận phải thu hồi, một số tỉnh lo ngại việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở địa phương nên chưa thực sự kiên quyết trong giải quyết các sai phạm.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến các nội dung quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giá đất vẫn còn bất cập.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, cơ quan quản lý công sản cho hay: "Quá trình xử lý cụ thể đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: do lịch sử để lại, nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, hồ sơ pháp lý không đầy đủ, nhiều trường hợp bố trí, sử dụng không đúng mục đích, một số bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong việc xử lý, sắp xếp theo quy hoạch...".
Một trong những giải pháp Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên... hứa trước đại biểu QH đó là sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện thu hồi đất của các dự án "treo". Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyên, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất những chế tài, cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo tính khả thi của các quyết định thu hồi, tránh tình trạng có quyết định thu hồi, điều chỉnh quy hoạch nhưng dự án vẫn "treo" và ngày càng phức tạp hơn.
Gửi câu hỏi về một vấn đề đến 2 Bộ trưởng Tài chính và Tài Nguyên - Môi trường, nhận được thư trả lời khá kỹ lưỡng cùng những cam kết của Bộ trưởng nhưng dường như đại biểu Lê Như Tiến vẫn chưa thỏa mãn. Ông đề cập trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, trong việc xử lý những tồn tại kéo dài.
"Trong phần trả lời, tôi chưa thấy nói đến trách nhiệm của từng Bộ trưởng cũng như trách nhiệm chính thuộc về bộ, ngành nào. Sắp tới, ra hội trường tôi sẽ tiếp tục chất vấn vấn đề này", ông Tiến nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng mong tình trạng khiếu kiện đất đai, nhất là ở nông thôn được giải quyết dứt điểm.
"Bác Hồ nói Việt Nam là nước dân chủ. Nước dân chủ thì vấn đề khiếu kiện không thể tồn tại", ông Dũng nói.
Trong số hơn 7,8 triệu ha đất Nhà nước giao cho 144.485 tổ chức sử dụng : - Cho thuê đất trái phép chiếm 0,83% số tổ chức sử dụng đất. (Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trả lời đại biểu Lê Như Tiến) |
-
Xuân Linh - Lê Nhung