221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1198936
Vedan “sửa sai”, sông Thị Vải có dấu hiệu hồi sinh
1
Article
null
Vedan “sửa sai”, sông Thị Vải có dấu hiệu hồi sinh
,

 - Ngày 10/05, Đoàn công tác do Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã làm việc với Công ty TNHH Vedan Việt Nam và đi thị sát trên sông Thị Vải nhằm kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm về môi trường của công ty này.

 

>>Kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm của Vedan

 

“Quyết tâm sửa sai”

 

Theo ông Yang Kun Hsiang – Tổng giám đốc Vedan Việt Nam, ngay sau “sự cố” về môi trường nghiêm trọng và bị cơ quan chức năng xử lý, Công ty Vedan đã tiến hành giảm công suất từ 20-80% và ngưng hoạt động một số nhà máy. Đến nay, Vedan đã hoàn tháo dỡ toàn bộ hệ thống đường ống, đường ống ngầm, máy bơm và các thiết bị liên quan đến việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

 

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đang kiểm tra hệ thống xả thải của công ty Vedan.   
Ngoài ra Vedan đã xin xây mới hai dự án xử lý nước thải công suất mỗi hệ thống là 2.500m3/ngày đêm; đầu tư thêm một hệ thống xử lý nước thải hiếu khí bùn hoạt tính; xây dựng mới hệ thống xử lý cao cấp để xử lý độ màu; mua sắm thiết bị để chuẩn bị lắp đặt hệ thống quan trắc tự động…

 

Theo Vedan nhằm cải thiện công tác bảo vệ môi trường, tổng công ty này đã đầu tư tăng thêm dự tính lên tới 31,3 triệu USD.

 

Dấu tích còn lại của một ống xả "chui" nay đã bị bịt kín... 
“Trong quý 3 và 4/2009, Vedan sẽ hoàn thành các hạng mục cải tạo, xây mới các dự án liên quan, từ đó từng bước khôi phục lại năng lực sản xuất. Chúng tôi cam kết tuyệt đối chấp hành pháp lệnh bảo vệ môi trường, quyết tâm sửa sai, đẩy mạnh đầu tư thêm hệ thống máy móc thiết bị...” - Tổng giám đốc Vedan Việt Nam cam kết.

 

Sau khi nghe Vedan “giải trình”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã trực tiếp xuống nhà máy sản xuất để xem xét việc khắc phục hậu quả môi trường của công ty này.

 

Bộ trưởng đã đến xem hệ thống hiếu khí bùn than hoạt tính; kiểm tra quy trình xử lý, vận hành hệ thống nước thải, xem xét việc phá bỏ hệ thống ống ngầm từ các hầm chứa ra đến cảng Vedan..

 

Một đường dẫn "xả chui" khác của công ty Vedan cũng được bịt kín.   
Bộ trưởng TN-MT cho rằng, Vedan cần nỗ lực để sớm đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành; đồng thời ông lưu ý các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần tăng cường kiểm tra giám sát; đánh giá, xử lý nhanh các số liệu quan trắc vè nguồn nước; nắm thống kê khối lượng nước vào và thải ra…

 

Dấu hiệu “hồi sinh”  

 

Đi khảo sát trực tiếp trên sông Thị Vải, đoạn từ cảng Vedan đến Cảng Phú Mỹ bằng ca-nô, bộ trưởng Nguyên đã có nhận xét trực quan rằng sông Thị Vải đã có dấu hiệu hồi sinh.

 

“Nếu so với năm 2005 khi lần đầu tôi đi thực tế, chất lượng nước sông Thị Vải đã khá hơn rất nhiều. Thời điểm đó nước đen như chè, bốc mùi khủng khiếp, khó có sinh vật nào sống được. Tiếc là khi ấy chưa phát hiện ra “thủ phạm”..” - Bộ trưởng Nguyên nhớ lại.

 

Lần trở lại này, ông Nguyên đã xuống ghe cá của người dân để hỏi về đời sống và nghe tâm tư của họ. Anh Phạm Minh Tùng, một người dân có 30 năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông Thị Vải cho Bộ trưởng TN-MT biết: thu nhập bình quân 1 ngày của gia đình anh là 500 ngàn đồng nhờ đánh bắt các loại thuỷ sản.  

 

Anh Tùng đưa con tôm sú bắt được tối qua cho Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên xem. Theo anh, phải "hên" lắm mới đánh bắt được loại tôm to như vậy.     

Theo anh Tùng, từ khi Vedan bị phát hiện và ngưng nước chưa xử lý ra sông, cá tôm đã có trở lại. Tùng khoe với bộ trưởng mấy con cua, tôm sú vừa bắt được tối hôm trước và cho rằng mình “gặp hên”, bởi những loại thuỷ sản như vậy số lượng không còn nhiều ở sông Thị Vải.

 

“So với trước đây, khi dòng nước còn trong xanh, có những ngày tụi tôi kiếm được cả chục kg tôm cá là bình thường. Nay chỉ được vài kí là nhiều” - anh Tùng chia xẻ.

 

Sau khi khảo sát dọc sông Thị Vải, Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên nhận xét: sông Thị Vải đang có “dấu hiệu hồi sinh tốt”. Theo Bộ trưởng, chất lượng nước được cải thiện có nhiều nguyên nhân, do ảnh hưởng bởi cơn lũ năm ngoái đã “đẩy” nguồn nước bẩn từ sông ra biển; quan trọng là việc kiểm soát được nguồn xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải, điển hình là trường hợp Vedan.

 

Tuy nhiên, ông Nguyên vẫn băn khoăn, liệu Thị Vải đã hoàn toàn sạch, bên dưới dưới lòng sông, liệu có bao nhiêu kim loại nặng bồi lắng? “Để dòng sông ngày càng sạch, không có cách gì khác là phải tiếp tục giám sát, kiểm tra quyết liệt hơn nữa” - ông Nguyên quả quyết.

 

Dự kiến ngày 11/5, Đoàn công tác Bộ TN-MT sẽ làm việc với 3 tỉnh TP là TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai nhằm tìm giải pháp giải quyết dứt điểm vụ Vedan và xử lý việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên sông Thị Vải. 

  • Thái Thiện                  
     
                             

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,
/script>