- “Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam có đủ khả năng đảm nhận các công việc giám sát, quản lý… Các vị trí đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao lao động Việt Nam không hề thua kém lao động các nước, nói gì đến lao động phổ thông” - ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, một người có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp xây dựng nhìn nhận.
Trình độ cao không thua kém, nói gì phổ thông!
Với kinh nghiệm của mình, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, xưa nay, lao động phổ thông trong nước vẫn đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư và chủ thầu nước ngoài.
Ông Hùng cho rằng, pháp luật liên quan đến đấu thầu của Việt Nam còn quá máy móc, nhiều kẽ hở. "Thực tế cho thấy, ở nhiều nước, luật đấu thầu quốc tế cũng phải đưa ra bài toán chào thầu, mời thầu nhưng phải đảm bảo rằng bên trúng thầu phải sử dụng các máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực trong nước. Trong khi đó, chúng ta lại đưa ra những điều kiện máy móc theo kiểu cho phép lao động nước ngoài vào làm việc nhưng không được vượt quá bao nhiêu %…
Theo ông Hùng, công nhân xây dựng chiếm một số lượng không nhỏ, trong khi tốc độ đầu tư của phía Việt Nam đang giảm, các công trình xây dựng cũng giảm, việc này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề tạo việc làm cho công nhân. Trong điều kiện, ấy lại chịu thêm tác động từ việc nhiều nhà thầu nước ngoài trúng thầu và đã đưa công nhân vào, điều này ảnh hưởng đến nhân lực lao động trực tiếp tại các công trình xây dựng,
"Điều này còn ảnh hưởng đến việc làm của một số các ngành dịch vụ ăn theo như nhà máy sản xuất, các loại vật liệu xây dựng… Chúng tôi dự tính, một công nhân xây dựng sẽ kéo thêm được 3 đến 4 công nhân các ngành khác. Trong khi đó, vật liệu xây dựng trong nước đều sản xuất được và không hề thiếu" - ông Hùng tính toán.
Công nhân lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng việc làm
Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ:
Liên quan đến lĩnh vực cơ khí mà tôi theo dõi, hiện ở nước ta có khá nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành). Đối với đa phần các nhà thầu EPC Trung Quốc, 100% công việc sẽ do người Trung Quốc thực hiện, từ lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ... đến kỹ sư, công nhân xây dựng, lắp máy... Vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường Việt Nam nhưng họ vẫn nhập khẩu về.
Ông Nguyễn Văn Thụ |
Nghĩa là, đối với các dự án đó, ta phải nhập khẩu hoàn toàn 100% từ lao động phổ thông đến những vật tư, vật liệu thông dụng mà thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp.
Xin nêu một ví dụ theo kinh nghiệm: Để xây dựng các công trình tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỉ USD thì lực lượng công nhân, xây lắp cần huy động khoảng 2 - 2,5 triệu người (chưa tính công nhân cơ khí tại các nhà máy và kỹ sư thiết kế, quản lý dự án).
Chẳng hạn, nhà máy lọc dầu Dung Quất tổng mức đầu tư 2,5 tỉ USD, lúc cao điểm đã huy động 22 nghìn công nhân xây lắp.
Vậy là, chỉ tính riêng một số lĩnh vực công nghiệp những năm tới, chúng ta kỳ vọng có thể tạo việc làm cho hơn 2 triệu người (nếu tính hết các lĩnh vực công nghiệp thì con số này có thể lên 7 - 10 triệu người) - một con số không nhỏ.
Thử hình dung nếu lực lượng lao động hàng triệu người này không có việc làm, thất nghiệp thì hệ hụy sẽ thế nào?
Chở củi về rừng - Nên hay không?
Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm:
Theo tôi, chúng ta phát triển đất nước là để tạo công ăn việc làm cho người nước mình, cho công nhân nước mình, chứ không phải phát triển nước mình để tạo việc làm cho người nước khác.
Công bằng mà nói, khi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư các dự án ở nước bạn (Lào, Campuchia...) cũng mang công nhân của ta sang. Lý do đơn giản vì người bản xứ đó chưa qua đào tạo phù hợp với những yêu cầu công việc doanh nghiệp Việt Nam tiến hành.
Nhưng, nếu các công ty, nhà thầu nước ngoài đưa lao động phổ thông nước họ vào Việt Nam trong khi lao động Việt Nam đang dư thừa, lại hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu công việc đó (chứ không hề thua kém) thì tôi nghĩ không nên, rất cần xem lại.
-
Huy Hoàng - Vũ Điệp