221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1190988
Bài 3: Đi chợ sắm… quân trang
1
Article
null
Bài 3: Đi chợ sắm… quân trang
,

 - Trong khi sắc phục công an buôn bán lén lút theo đường biên giới về Việt Nam bị bắt giữ, tiêu huỷ, thì tại TP.HCM, có thể mua những loại hàng này dễ dàng.

Sau vụ Huỳnh Hữu Nhân giả dạng cảnh sát trong sắc phục đại uý công an để cướp 400 lượng vàng của tiệm vàng Tân Kim Hiếu ở quận 7, TP.HCM, nhiều người té ngửa nhận ra, để “giống” một cảnh sát không khó, thậm chí rất dễ, chỉ cần ra… chợ và có vài trăm ngàn đồng trong túi.

Công khai ở chợ

Theo chân H., một tay sưu tầm đồ “độc”, chúng tôi đến chợ Dân Sinh trên đường Yersin, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1. Không khó khăn mấy khi tiếp cận, tìm mua các loại công cụ hỗ trợ, sắc phục công an... tại ngôi chợ nổi tiếng về các loại hàng “độc”.

Ở đây, khi hỏi mua những món hàng, dụng cụ hỗ trợ của công an thì được bà T.K.D, khoảng ngoài 40 tuổi, chủ ki-ốt T.K.D dè dặt. Sau hồi “nhìn trước ngó sau” từ đầu đến chân một cách xét nét, bà thăm dò: “Có thẻ ngành hay không mà đi mua những loại hàng cấm này?”

Khi biết chắc chúng tôi không phải công an đi "cơ sở", bà D. hỏi thẳng: “Muốn mua những thứ gì?”. Bà chủ ki-ốt vừa hỏi, vừa rút những gói nilon đen từ bên dưới hàng hoá khác ra giới thiệu.

Bà D. nói: “Những dụng cụ của công an như: giày, vớ, mũ bảo hiểm... có thể bày bán công khai không sợ, nhưng các loại khác thì… không dám liều, cẩn thận vẫn hơn”.

Vừa giải thích xong, bà D. lần lượt giới thiệu giá cả các mặt hàng được bày bán công khai. Giá mỗi loại như: giày công an 200 – 250 ngàn đồng/đôi, nón bảo hiểm 300 ngàn đồng/cái…

Những sợi dây nịt của cảnh sát như thế này dễ dàng tìm thấy ở chợ.

Không chỉ có ki-ốt của bà D., nhiều ki-ốt chung quanh còn trưng bán các loại công cụ hỗ trợ như: dùi cui bằng cao su 50 ngàn đồng/cái, dùi cui bằng inox 150 ngàn đồng/cái…

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua dây thắt lưng của công an, bà D. đưa ra giá 150 ngàn đồng/cái, kèm theo câu nói bất cần: “Nếu được giá đó thì chờ 5 phút đi lấy hàng, còn không chịu thì thôi”.

Nhận cái gật đầu của chúng tôi, bà D. đi qua một ki-ốt gần đó. Khoảng 5 phút sau mang về sợi dây nịt có tên: “Công ty May 19/5 – Bộ Công an”.

Tại một ki-ốt khác ở chợ Dân Sinh, chúng tôi nghe ông H.K chỉ dẫn: “Những người quen mới được mua hàng độc, còn những người lạ thì đừng hòng”. H.K nói thêm, với quần áo ngành thì phải quen và phải đợi.

Chúng tôi dạo qua chợ Tân Bình, một số ki-ốt cũng buôn bán mặt hàng nhạy cảm này. Biết chúng tôi đang tìm mua công cụ hỗ trợ của ngành công an, một người đàn bà khoảng gần 50 tuổi, chủ ki-ốt M.H, dè dặt. Nhưng sau một lúc dò xét, bà chủ ki-ốt này liền đồng ý bán.

Một sợi dây nịt của ngành công an, bà chủ ki-ốt M.H đưa ra giá "cạnh tranh" 110 đồng/chiếc và gọi điện thoại cho người nhà mang ra. Khoảng 20 phút sau, chúng tôi nhận được sợi dây nịt có mác “Bộ Công an” như lời bà chủ này quảng cáo: “Hàng nào có thể làm giả, nhưng những cái mác này thì đố ai làm giả!”

Quân trang bán vô tư ở cửa hàng của ngành công an

Một dân chuyên bán sắc phục công an tiết lộ: “Những mặt hàng này thường các anh em trong ngành được cơ quan cấp phát mà chưa có nhu cầu sử dụng đến, nên tuồn ra ngoài bán”.

Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi về những loại hàng này là đồ nhái, bà D., chủ ki-ốt ở chợ Dân Sinh quả quyết: “Làm gì có hàng giả!”

Theo chủ ki-ốt M.H ở chợ Tân Bình, mặt hàng này ít người tìm mua. Nhất là sau nhiều vụ công an bắt giữ những đối tượng giả danh công an đi cướp, thì việc mua bán mặt hàng này ít sôi động hơn.

Trong vai những người khách có nhu cầu, chúng tôi đến cửa hàng Phương Nam, số 125 Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, quầy bán hàng của Công ty 19-5 (thuộc Bộ Công an).

Đáp lại sự dè dặt của chúng tôi, hai nhân viên nữ ở cửa hàng trưng bày sản phẩm trước cổng công ty niềm nở hỏi: “Hai anh cần mua gì?”

Hiện nay, không khó để sở hữu quân trang của cảnh sát.

Sau khi trả lời muốn mua nón bảo hiểm của công an, một nhân viên liền mở tủ kính trưng bày lấy cho chúng tôi xem. “Có nhiều kích cỡ lắm, anh xem vừa cỡ nào em lấy”.

Trong lúc chúng tôi đang lựa hàng, một thanh niên đeo ba lô bước vào đề nghị được mua một đôi giày công an.  

“Không cần xuất trình thẻ ngành à?”, tôi hỏi thì được cô nhân viên trả lời với gương mặt tỉnh bơ: “Không anh, cái này người dân mua được mà!”

Bất ngờ trước cách bán hàng “hơi bị thoáng”, tôi đánh bạo hỏi có bán dây nịt của ngành, liền được đáp ứng ngay lập tức.

Trong khi đợi tôi săm soi chiếc nón của công an có 2 sọc dọc trắng, cô bán hàng quay sang bỏ đôi giày công an vào túi cho cậu thanh niên kia và tiếp tục niềm nở chào hàng mấy vị khách đang xếp hàng phía sau.

Cảnh này một phần lý giải vì sao những đối tượng xấu lại dễ dàng có những công cụ hỗ trợ, sắc phục của cảnh sát để đi gây án trong thời gian qua, điều mà dư luận lâu nay vẫn thắc mắc...

  • Đàm Đệ - Quốc Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;