221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1190746
Bài 1: “Nóng lạnh” chợ vũ khí vùng biên
1
Article
null
Bài 1: “Nóng lạnh” chợ vũ khí vùng biên
,

- Đao, kiếm Nhật, roi điện, súng hơi gas bắn đạn bi sắt, cao su (có thể bắn chết chó, mèo)… bán như rau quả. Đó là lời giải cho tình trạng băng nhóm tội phạm dễ dàng có được hung khí để gây án thời gian qua.

Chợ Gò (huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia) nằm cách xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, An Giang 30 phút đi ghe. Nơi đây, từ lâu đã có tiếng là kho hàng lậu tây nam. Bên ngoài những thứ đồ gia dụng, một số cửa hàng chợ Gò còn cung cấp cả vũ khí như đao, kiếm Nhật, roi điện, súng bắn đạn cao su, bi sắt.

7 giờ sáng cuối tuần, chúng tôi có mặt tại một căn nhà sàn mái lá ở ấp 2, xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sau 20 phút chờ đợi, chiếc ghe đưa tôi cùng 5 người khác thẳng hướng chợ Gò, không cần hộ chiếu, thị thực.

Một người quay sang hỏi: “Chú em đi “kiếm tiền” hay “đi chợ”"? Bất ngờ vì câu hỏi pha tiếng lóng của người đồng hành, tôi đành trả lời: “Cả hai”. “Chắc chú mày là đại gia…”, ông cười khà khà rồi tiếp lời: “Dân ở đây một là đi chợ Gò mua hàng về bán lẻ, hai là vào sòng bạc kiếm vận hên. Vậy mà chú mày đi cả hai”.

Đáp lại những gì vị khách giải thích, tôi chỉ biết gãi đầu và nhe răng cười cho đến khi chiếc ghe nhỏ cập bến đất Pung Xăng (huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia).

Chốt biên phòng của nước bạn ở huyện Brây Chusa, Tà Keo, Campuchia. Bên dưới là những cậu bé chèo ghe thuê.

Trước mặt tôi, chốt biên phòng nước bạn là một căn chòi mái tôn theo kiểu nhà sàn với dòng chữ “Police” bằng sơn trắng, nhưng không ai canh gác. Cậu bé trạc 10 tuổi chèo ghe nhỏ đến nhận chở tôi đi một vòng khu chợ Gò với giá 50.000 đồng.

Chợ Gò là nơi giao thương giữa người Việt và Campuchia, nên đồng tiền dùng để thanh toán được chấp nhận cả 3 loại: Riel, Việt Nam đồng và USD, tạo thuận lợi cho người mua kẻ bán dễ giao dịch.

Súng bắn bi sắt, roi điện hút hàng

Khu chợ Gò có gần 40 ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng mặt hàng rất đa dạng, như máy nghe nhạc, máy tính xách tay, xe đạp điện… Tuy nhiên, đó không phải là thứ mà dân chơi đổ về đây bận tâm, họ “săn” những món hàng độc khác.

Tại một nhà sàn bán đồ điện tử, ngay trên cặp ampli là hai hộp nhựa chứa đầy đĩa phim sex. Ông chủ mặc quần lửng, áo ba lỗ, đeo sợi dây chuyền vàng choé vừa chỉ dẫn vừa nói giá cả từng đĩa phim lẻ lẫn phim bộ.

“Nói trước, chỉ có tiếng Thái thôi bạn à”, người bán nói tiếng Việt sành sỏi. Bức tường gỗ trong quầy bán dầu gội đầu, nước hoa cũng dán đầy hình những cô gái loã lồ. Khi tôi tỏ vẻ tần ngần trước những thứ hàng trên, ông chủ cửa hàng dẫn ra phía sau nhà giới thiệu một mặt hàng “độc” hơn.

Sau khi xếp những cây thuốc lá sang một bên, dưới đáy thùng giấy lòi ra gần 10 cây roi điện ngắn. Theo người đàn ông này quảng cáo, với hiệu điện thế 1800 volt, ai trúng đòn cũng phải “giãy nảy” hoặc chết ngất.

Bên trong một cửa hàng ở chợ Gò.

Như để chứng minh cho khách, ông rút ra một cây roi điện, màu đen, hình chữ nhật, lớn hơn gói thuốc lá rồi bấm điện. Tiếng nổ tạch tạch toé ra khiến con chó bị xích trong góc nhà bật dậy sủa liên tục.

Bất ngờ trước sự hiện diện của roi điện, một loại công cụ hỗ trợ vốn chỉ có lực lượng cảnh sát sử dụng, nay lại được rao bán như rau quả, tôi từ chối khéo, hẹn quay lại sau để tìm hiểu giá ở những cửa hàng khác trong khu chợ.

Thằng bé dẫn đường tên Shi, một chữ bẻ đôi không biết vì suốt ngày phải chèo ghe nhưng hỏi về những mặt hàng ở khu chợ Gò, nếu khách có nhu cầu nó sẽ dẫn đến tận nơi. Tôi bị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, khi được một chủ cửa hàng cuối khu chợ quảng cáo cả kiếm Nhật, gậy ma-trắc, găng tay bắt dao, súng bắn đạn cao su, bi sắt (có thể bắn chết chó, mèo).

Thằng Shi ra vẻ thạo chuyện cho biết, phần lớn người Việt qua đây thường mua vài ba cây roi điện, kiếm Nhật, đao, hoặc súng bắn bi sắt mang về Việt Nam chơi.

Đường “tuồn” vũ khí về Việt Nam

Dẫn tôi vào cửa hàng xe đạp điện, thằng Shi xổ một tràng tiếng Campuchia dặn dò gì đó với ông chủ rồi quay sang nói với tôi: "Vào xem đi". Trong khi chờ tôi, thằng Shi chèo xuồng sang cửa hàng gần đó nói chuyện rôm rả với 5 đứa trẻ khác, dường như là “đồng nghiệp” của nó.

Tôi bước về phía sau dãy xe đạp điện bên trong nhà, thùng giấy lớn đựng 3 bộ kiếm Nhật và 5 cây roi điện loại dài đang được mở ra cho 3 vị khách khác săm soi.

Kiếm Nhật, loại được bày bán ở chợ Gò.

Qua vài câu xã giao, một thanh niên trong nhóm khách cho biết, họ đến từ TP.HCM, qua đây để lùng mua một bộ kiếm Nhật Shoushou dòng Katana, nghe đâu loại thép này có thể chém… đứt sắt.

Có vẻ như khách chưa vừa lòng với bộ kiếm đang xem, nên ông chủ vội vàng giải thích, ở đây không có loại các vị khách đang cần tìm, nếu muốn mua phải đặt cọc trước 2 triệu, sau 7 ngày quay lại sẽ có.

Thấy tôi lớ ngớ với những thanh kiếm sáng loáng, bén ngọt, một thành viên trong nhóm khách cho hay, loại ở đây là kiếm Nhật dòng Katana, nhưng là loại làm bằng thép Sanma trắng, dài 1,2 mét, không bén bằng loại Shoushou.

Tôi vờ chẳng bận tâm đến mấy thanh kiếm dài thô kệch, đánh bạo thử hỏi về súng lập tức nhận được ngay thái độ e dè của chủ cửa hàng.

Với ánh mắt soi xét, ông cho biết, ở đây không bán súng bắn đạn thật, nhưng những loại như súng Colt xài công nghệ gas CO2  bắn đạn nấm chì hoặc đạn nhựa thì bao la.

Súng bắn đạn bằng khí CO2, có thể bắn chết chó mèo.

Sau khi xem qua, lựa lại mấy thanh kiếm, nhóm thanh niên kia quyết định mua 3 roi điện loại nhỏ với giá 500.000 đồng và đoản kiếm Yakizashi 0,9 mét, chuôi làm bằng gỗ sồi, giá 50USD. Biết chuyện vận chuyển những thứ này sang phía Châu Đốc (An Giang) không dễ, chủ cửa hàng dùng tấm vải lớn cuốn tất cả lại.

Sau khi đặt cọc tiền cho mấy cây roi điện, kiếm Yakizashi, nhóm thanh niên gọi cậu bé chèo ghe đang nói chuyện với thằng Shi dưới bậc thềm chở đi mua hàng tiếp. Còn tôi lại mân mê những cây kiếm Nhật dòng Katana sáng loá.

Chẳng bao lâu, nhóm thanh niên kia quay lại nhận hàng. Kiếm Nhật và roi điện được đặt dưới cùng, bên trên dùng những bịch bánh kẹo, dầu gội đầu, sữa tắm ngụy trang cho những món hàng “độc” trở lại bờ bên kia.

Sắp xếp đâu vào đấy, một người móc điện thoại ra tắt nguồn rồi mở lại máy, sau đó gọi cho chủ nhân chiếc ghe máy đã đưa họ sang. Thấy tôi thắc mắc, một người giải thích: “Qua bên này (Campuchia – PV), ông chỉ cần tắt máy, sau đó khởi động lại là tự động nó bắt sóng”.

Sau khi mua hàng, kiếm Nhật, súng, roi điện... được giấu trên những chiếc ghe như thế này và tuồn về Việt Nam.

Đến lúc này tôi hiểu vì sao dân đến chợ Gò vẫn alô liên tục, trong khi chiếc điện thoại trong túi tôi trở thành “cục gạch”.

Chưa đầy nửa tiếng sau, chuyến ghe máy chở những thanh kiếm và roi điện mất hút về phía An Giang, dưới cái nắng buổi trưa gay gắt vùng biên giới tây nam.

  • Quốc Quang

Kỳ sau: Thâm nhập đường dây bán vũ khí giữa TP.HCM

Vũ khí từ biên giới được ngụy trang cẩn thận, sau đó tuồn về TP.HCM bằng đường bộ. Những món hàng nguy hiểm này, khi đã có mặt ở nội thành cùng với số lượng không nhỏ vũ khí xuất xứ từ Trung Quốc hợp thành thị trường ngầm…

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;