221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1188780
Những “hiệp sỹ” xe ôm giải vây kẹt xe
1
Article
null
Những “hiệp sỹ” xe ôm giải vây kẹt xe
,

- Bất kể giờ giấc, chỉ cần kẹt xe là các anh có mặt để mở đường, hướng dẫn xe cộ qua lại. Nắng, khói xe, không một đồng tiền công, không một lời khen, cả ly trà đá cũng chưa từng nhận mà còn bị dọa đánh, chém vì… “dám cản đường” nhưng các anh vẫn làm vì một cái tâm. 

Đó là các anh xe ôm ở góc đường Cách Mạng Tháng 8 (CMT8) - Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM. Mỗi lần kẹt xe, CSGT chưa tới kịp là các anh có mặt. Với suy nghĩ đơn giản, hướng dẫn giao thông để bà con qua lại dễ dàng, học sinh, trẻ em không phải hít nhiều khói bụi và trễ học… các anh đã làm “hiệp sỹ” bất đắc dĩ nhiều năm nay. 

“Lục Vân Tiên” giữa đời thường  

Anh Nguyễn Hoàng Dũng, Đào Tấn Trung, Bùi Anh Kiệt (Long), Minh, Trung… chạy xe ôm ở góc đường CMT8 - Hòa Hưng (Q.10) là những người thường xuyên “vác tù và hàng tổng” giải tỏa đường khi ùn tắc giao thông. 

CMT8 là một trong những tuyến đường kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Từ ngày “lô cốt” mọc lên dày đặc, người dân càng khổ hơn khi đường bị kẹt cứng vào giờ cao điểm ngày một trầm trọng. 

Anh Dũng và anh Trung đang hướng dẫn xe cộ thoát khỏi đám kẹt xe. Ảnh: Thái Phương

"Nếu không có cái tâm, chắc anh em không thể làm nhiều năm như vậy" - Anh Dũng nói. Ảnh: Thái Phương

Anh Nguyễn Hoàng Dũng, 37 tuổi, ngụ P.12, Q.10 cho biết, anh chạy xe ôm ở góc đường này được gần 5 năm, cũng chừng ấy thời gian anh tình nguyện ra đứng đường điều khiển giao thông. 

“Kẹt xe tôi cũng không chạy xe ôm được vì phương tiện đi lại chen chúc nhau chật kín, khách ngại đi xe ôm. Ngay cả chỗ anh em tôi đứng cũng phải dẹp, nhường cho người dân lối đi về nhà” - anh Dũng nói. 

“Những lần thấy người đi đường càng chen càng kẹt cứng trong “trận đồ” ùn tắc, tôi nghĩ đơn giản muốn đường thông thoáng, bà con đỡ hít khói bụi chỉ còn cách ra… đứng đường chỉ dẫn. Thế là anh em bảo nhau làm.” 

Nhiều người đi đường hiểu, thông cảm rồi nghe theo chỉ dẫn của các anh, cũng có người tỏ ra khó chịu, bực mình, la lối om sòm. Thậm chí một số người đi đường còn dọa đánh, chém các anh vì “dám cản đường”. Người khác nạt nộ, buông lời “chỉ là xe ôm chứ là gì mà bày đặt đứng chỉ đường”. Đến phụ nữ đi sai luật, lấn tuyến bị các anh nhắc nhở cũng không tiếc lời chửi mắng và hăm dọa. 

Xe kẹt cứng trên đường CMT8. Ảnh: Thái Phương

Anh Dũng nói thêm, sợ nhất là mấy người côn đồ, say xỉn vì họ không coi ai ra gì. Biết rằng khi kẹt xe ai cũng muốn về nhà nhanh chóng nhưng nhiều lúc các anh phải nhịn đến tím mặt để tránh xảy ra xô xát. Còn khi người đi đường không nhường nhau, cự cãi, các anh can thiệp lại bị chửi là “lo chuyện bao đồng”. 

Anh Bùi Anh Kiệt, 38 tuổi, kể rằng, người đi đường “gửi lời” cho cả nhóm, “khoảng 1 tiếng nữa tao sẽ quay lại tìm tụi mày? Tìm tụi tôi chi vậy? Chém chứ chi, dám cản đường tao hả?...”. Những câu nói hăm dọa thường xuyên được nhắn lại nhưng vì lợi ích của bà con, dù nguy hiểm các anh vẫn làm. 

Anh Kiệt nói mấy ngày trước anh bị gương chiếu hậu trên xe của người đi đường quệt vào làm rách áo. Tuy nhiên, khi hỏi về nhà có sợ vợ la vì áo rách không anh liền vui vẻ “mình làm việc thiện, giúp bà con đi đường dễ dàng chứ có phải cờ bạc, rượu chè đâu mà sợ. Nói vậy chứ không ít lần tôi bị vợ cằn nhằn vì suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tuy nhiên, tôi thấy việc này chỉ tốn chút công lại giúp được nhiều người nên làm”. 

Một ly trà đá cũng chưa được nhận 

Anh Đào Tấn Trung, 39 tuổi tâm sự, có khi một mình lọt thỏm giữa hai hàng xe cộ ngược chiều, nguy hiểm luôn chầu chực. “Những lúc hai xe buýt tránh nhau, tôi đứng giữa chỉ đường, một sơ suất nhỏ của tài xế cũng đủ làm mình mất mạng. Chưa kể có khi điều khiển giao thông cả mấy tiếng đồng hồ hít đủ bụi, khói xe…”. 

Nhìn dòng xe cộ chật như nêm, tiếng còi, tiếng người cự cãi vì va chạm, quan sát kỹ mới thấy các anh đang cố gắng ra hiệu, làm đủ mọi cách để giải vây dòng xe đang kẹt cứng. Vậy mà mấy năm qua, chưa một lần các “hiệp sỹ” nhận được lời khen nào từ chính quyền địa phương, khu phố. 

“Mình làm vì cái tâm là chính nhưng nói thật nhiều lúc đứng mấy tiếng đồng hồ ngoài đường mà chưa khi nào nhận được… ly trà đá. Đó là chưa kể tụi tôi làm không một đồng tiền công, bị người đi đường chửi mắng, về nhà vợ cằn nhằn làm chuyện không đâu…” - anh Dũng bộc bạch. 

Chỉ cần kẹt xe là các anh có mặt để giải vây. Ảnh: Thái Phương

Ngay cả việc xin mấy cái còi, gậy chỉ đường cũng bị làm khó không cho. Có anh phải lấy cây tầm vông, quấn vải lên dùng làm gậy chỉ đường. Thỉnh thoảng kẹt xe gần hết tuyến đường, các anh phải đi bộ mở đường cả cây số để tìm lối thoát cho xe cộ.  

Anh Trung cho biết, nhiều lần đứng điều tiết giao thông mồ hôi nhễ nhại, mặt phơi nắng, nóng hầm hập phả vào người. Đến khi hết kẹt xe người mệt lử không thể chở khách nổi. Vậy mà nhiều người còn dè bỉu “điều khiển giao thông là việc của công an, hơi đâu làm cho mệt”. 

“Tuy nhiên, anh em tụi tôi quan niệm chỉ cần thấy cảnh học sinh, trẻ em đi học về vừa đói, vừa mệt lại gặp kẹt xe, hít đủ loại khói, bụi… là mình phải cố gắng làm tốt để họ được về nhà sớm” - anh Trung nói. 

Khi hỏi các anh có bao giờ nản và “để ai muốn đi sao thì đi, kẹt xe thì chờ CSGT đến giải tỏa không”, anh Dũng cho biết, khi nào còn chạy xe ôm ở góc đường này và còn kẹt xe, cánh xe ôm sẽ tiếp tục giải vây cho bà con. 

“Chỉ mong người đi đường chấp hành Luật Giao thông và nghe lời hướng dẫn của chúng tôi. Dù chỉ là xe ôm, không phải công an, dân phòng nhưng vì một cái tâm, một tấm lòng ra hướng dẫn giao thông cho bà con đi lại dễ dàng” - anh Minh tâm sự.

Ý kiến người dân:

Bà Kho Thị Rạ, người dân P.12, Q.10: Tôi thấy mấy anh xe ôm ở khu vực này thường xuyên ra điều khiển giao thông mỗi khi kẹt xe. Các anh không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng mà còn giúp các cháu học sinh, trẻ em đi nhà trẻ không bị trễ học, ngồi sau lưng mẹ không phải hít khói bụi nhiều. Ở những tuyến đường khác tôi thấy có người dân điều khiển giao thông nhưng không thường xuyên bằng các anh xe ôm này. Nếu phường khen thưởng, tuyên dương và khuyến khích để nhiều người làm “hiệp sỹ” mở đường như các anh thì hay biết mấy. 

Chị Đặng Hữu Thu Nga, bán sinh tố ở góc đường CMT8, P.10, Q.10: Tôi buôn bán hằng ngày ở đây nên chứng kiến các anh xe ôm ngày nào cũng vất vả hướng dẫn giao thông khi kẹt xe. Thấy các anh nhiệt tình, hò hét khan cả tiếng mà người đi đường không nghe, có người cố chấp còn gây gổ, cự cãi với các anh. Bà con xung quanh khu vực này ai cũng biết việc làm của mấy anh xe ôm là đáng quý. Nếu những tấm gương người tốt như vậy mà không được nhân rộng thì thật đáng trách. Nhiều lúc CSGT chưa tới kịp, nếu không có các anh xe ôm làm người mở đường, có lẽ người đi đường còn khổ hơn.

  • Thái Phương 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,