221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1184956
Thất nghiệp về quê "bói cũng không ra việc"
1
Article
null
Thất nghiệp về quê 'bói cũng không ra việc'
,

 - Hàng trăm thanh niên tại vùng bán đảo Cà Mau từ thành thị trở về trong tâm trạng lo lắng, bế tắc trước bước đường mưu sinh đầy khó nhọc…

 

Thanh niên nông thôn rời đồng ruộng, chân ướt chân ráo vào nhà máy những tưởng sẽ có khoản thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, kiếm được đồng tiền vào thời buổi suy thoái kinh tế này không dễ dàng như họ nghĩ.

 

Ngậm ngùi về quê nằm dài chờ việc  

 

Năm 2005, ông Nguyễn Văn Đức, ấp Kinh Tế, phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu nuôi tôm thất bại. Khoản nợ ngân hàng và vay nóng bên ngoài gần 200 triệu đồng không khả năng trả được. Hai đứa con trai ông lên tận Bình Dương làm công nhân để nuôi sống cả gia đình 7 miệng ăn. Tuy nhiên, khoản lương công nhân chỉ đủ sống, không thể trả món nợ lớn này.

 

Có được việc làm trong ngành chế biến thủy sản là niền ao ước của lao động nông thôn ĐBSCL. Ảnh: Trần Hà       
Đầu năm 2009, bất ngờ cả hai đứa con ông quay về quê vì...hết việc. Nhà đã nợ nần, nay phải nuôi thêm hai miệng ăn, nỗi khổ chồng lên nỗi khổ. Ông Đức ngậm ngùi nhận xét: "Làm ăn thất bại phải bỏ xứ ra đi đã là nhục, nay quay về quê là cái nhục thứ hai".

 

Hùng, Tâm – hai đứa con ông ở tuổi đôi mươi, sức dài vai rộng, nay nhận làm bất cứ nghề gì miễn có tiền, chính thức chấm dứt mộng đi làm ăn xa.

 

Gia cảnh ông Đức chỉ là một trong số trên 30 gia đình có con đi làm công nhân vừa quay về xã nhà do chung cảnh ngộ: các xí nghiệp ở Thành phố đang sa thải công nhân.

 

Chị Nguyễn Kim Lý, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu là xã viên HTX mây tre đan 8/3, mất việc đã 8 tháng nay. Nguyên nhân không có gì khác là các HTX bí đầu ra cho sản phẩm nên hạn chế thu mua sản phẩm đầu vào. Chị nói như mếu: "Mọi khi một ngày đan thảm kiếm được 15.000 đồng, bây giờ nằm nhà, chẳng có đồng nào hết".

 

Trường hợp anh Đinh Văn Luân, ấp 4, xã Long Điên Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu là đối tượng tham gia xuất khẩu LĐ tại Hàn Quốc từ năm 2005. Năm 2008, Luân về nước sau khi đã hết hạn hợp đồng. Với tấm bằng CN kỹ thuật chế tạo máy trong tay Luân xin mãi chẳng nơi nào nhận. Cuối năm 2008, anh lên TP.HCM chạy xe tải cho một công ty nước ngoài, nhưng rốt cuộc cũng phải về quê nằm dài…chờ việc ! 

 

Luân cho biết: "Bằng cấp bây giờ cũng chẳng xin được việc trong thời buổi người đông, việc hiếm. Đi đến đâu người ta cũng bảo đã hết việc rồi". 

 

Đào tạo may dân dụng chiếm tỷ lệ cao trong đào tạo nghề nông thôn, nhưng ra trường rất ít học viên xin được việc làm. Ảnh: Trần Hà.

Trường hợp anh Nguyễn Thanh Nhanh, huyện Giá Rai, Bạc Liêu, sau khi được Trung tâm đào tạo nghề huyện cấp cho chứng chỉ may dân dụng về nhà ngồi không vì chẳng nơi nào cần đến tấm chứng chỉ này.

 

Tình trạng học viên đã qua lớp đào tạo nghề tại các trung tâm giới thiệu việc làm hay trung tâm đào tạo nghề sau khi lấy chứng chỉ về nhà nằm chờ việc cũng rất phổ biến. May mắn lắm mới tìm được việc làm, nhưng phần lớn không trúng với ngành nghề đã được tào tạo…

 

Chị Hoàng Thị Hồng, xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu học xong lớp may dân dụng do Trung tâm đào tạo nghề huyện, hiện ở nhà may cho khách trong xóm với khoản thu nhập không đáng kể.

 

Hồng cho biết: "Học được nghề may, nhưng hiện nay các nhà tuyển dụng hạn chế nhận lao động mới nên em về nhà may trong xóm, kiếm chẳng được bao nhiêu tiền…".

 

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Cà Mau số lao động ra trường từ các trung tâm đào tạo việc làm tự đi tìm việc rất ít. Chiếm chưa đến 10% trên tổng số đã được đào tạo. Nguyên nhân được lý giải do công tác đào tạo chưa gắn với thị trường, lao động chưa tháo vát, phần lớn học viên là nông dân nên chưa quen với tác phong công nghiệp...

 

Lao động về quê, áp lực lên những vùng quê nghèo  

 

Em Hồ Thị Ngân, ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau đi lao động tại tỉnh Đồng Nai trong một cơ sở chuyên làm cúc áo lương mỗi tháng 1,1 triệu đồng đã về quê mấy tháng nay vì nhà máy cắt giảm công nhân cho biết: "Làm cực quá, lương không đủ chi cho tiền nhà trọ, tiền cơm, tiền tiêu xài. Ngày về ba em phải lên Đồng Nai đón vì hết tiền đi xe đò".

 

Nhiều lao động từ các TP lớn trở về chịu cảnh thất nghiệp hoặc làm những công việc trước đây vốn quen thuộc với họ như chạy ghe thuê, khuân vác...nhưng thu nhập cũng chỉ sống qua ngày.  Ảnh: Đoàn Quý  

Trường hợp Nguyễn Thành Tâm, huyện U Minh, Cà Mau là công nhân cho một cơ sở may tư nhân TP.HCM mới về quê cho biết: "Ông chủ của em đã chính thức phá sản, tụi em ai về quê nấy. Về đây thú thật em không biết làm gì để sống nữa".

 

Làn sóng thanh niên bỏ quê lên thành phố tìm kế sinh nhai xuất hiện nhiều năm nay như một cứu cánh cho công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay có một cơn sóng ngầm chảy ngược lại…thật sự làm đau đầu những nhà quản lý. 

 

Tại xã Phong Tân, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) có hơn 300 lao động đi làm ngoài tỉnh. Trong số này đã có vài chục người về quê cắt lúa mướn vì đã hết việc. Sự trở về của họ là “gáo nước lạnh” dội lên đầu những thanh niên có ý định rời làng tìm kế sinh nhai.

 

Những thanh niên nông thôn khác chọn cho mình những việc làm giản đơn hơn. Cha con ông Trần Thanh Điền đã hơn 5 năm nay làm thuê cho ông Nguyễn Văn Ba, cùng ấp Bửa 2, xã Long Điền Đông. Mỗi năm đến vụ muối là cha con ông ra đồng vác, cào, cõng... muối cho ông Ba. Thu nhập từ nghề nặng nhọc này cũng kiếm được 10 triệu đồng/người/năm. Với khoản thu nhập này, ông an tâm ở lại quê nhà làm việc.

 

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Bạc Liêu - Cà Mau thanh niên nông thôn vẫn còn trên 60% chưa có việc làm hoặc có việc làm không thường xuyên. Nay những tỉnh thuần nông lại phải chịu thêm lao động dôi dư từ các thành phố lớn dạt về. Áp lực ở những vùng quê nghèo thật nặng nề. Đến nay, bài toán giải quyết lao động nông thôn thất nghiệp vẫn là lời giải khó.

 

  • Trần Hà – Phan Công

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;