221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1182694
Dự án "5 trong 1" phát triển chuỗi đô thị phía Tây
1
Article
null
Hà Nội:
Dự án '5 trong 1' phát triển chuỗi đô thị phía Tây
,

- Nhiều bộ, ngành, địa phương vừa nhóm họp và đóng góp ý kiến cho một dự án khá đặc biệt, giải quyết một lúc 5 mục tiêu: môi trường, cảnh quan, cấp nước, cấp điện và giao thông cho Hà Nội cùng chuỗi đô thị phía Tây... 

Dự án có tên gọi "Hệ - Mạch", được phát kiến bởi Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh, dự định thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình.

Về mặt môi trường, dự án này kỳ vọng sẽ tăng cường lưu lượng nước về Hồ Tây, làm sạch nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Đối với cảnh quan, dự án cam kết sẽ duy trì ổn định mực nước hồ Đồng Mô, làm đẹp cảnh quan khu du lịch và làng văn hóa Việt Nam, cải thiện đôi bờ sông Tích và sông Đáy.

Quan trọng hơn, dự án đặt vấn đề cung cấp nguồn nước sinh hoạt và công nghiệp cho Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây đến sau 2020, đồng thời xây dựng trạm phát điện công suất 100MW tại khu vực xóm Đạo, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Dự án "5 trong 1" hiện đang được yêu cầu không nghiên cứu theo hướng sử dụng vốn ngân sách (Chỉ mang tính minh họa - Ảnh: H.H).

Cùng với đó, dự án đưa ý tưởng sẽ xây dựng hệ thống giao thông kết hợp cấp nước theo trục Đồng Mô - Hà Nội, gồm: Đồng Mô - Mỹ Đình - sông Tô Lịch (dài 30,4km); Hóa Thạch - Trung Văn (dài 25,2km); mạng vành đai 3 Xuân Đỉnh - Thịnh Liệt (dài 15,2km); mạng vành đai 4 Tây Tựu - Tam Hiệp (dài 22,14km); mạng vành đai 5 Liên Trung - Tả Thanh Oai (dài 26,2km); mạng vành đai 6 Liên Hồng - Mỹ Hưng (dài 34,6km); mạng vành đai 7 Tam Hiệp - Phương Trung (dài 26,95km) và mạng vành đai 8 Trạch Mỹ - Hoa Sơn (dài 33,7km).  

Nguồn nước cho cấp điện và cấp nước được dự án Hệ - Mạch tính toán chọn nguồn nước sông Đà, với đầu mối lấy nước tại Khe Suối (hồ Hòa Bình) trên địa bàn xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc. Đáng chú ý, dự án cho rằng sẽ xây 8 trạm cấp nước trên tuyến (tuy không đề xuất rõ vị trí) và cửa xả cấp nước cho Hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Nhuệ... có nhu cầu.

Như vậy, tổng diện tích đất sử dụng cho dự án sẽ khoảng 985ha, trong đó 838,3ha đất giao thông; 48ha xây trạm xử lý nước và 98,7ha cho các công trình khác. Nhà đầu tư khái toán dự án cần tổng vốn 46.721 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn và đề nghị được vay vốn ưu đãi để thực hiện hoặc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho phần cấp nước, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, phương án dùng nước hồ Hòa Bình như kiến nghị là chưa rõ về định lượng, ảnh hưởng đến giảm sản lượng điện của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đồng thời, sơ đồ khai thác, các tính toán về năng lượng và cân bằng nước của dự án này còn sơ bộ, chưa hợp lý, chưa được các đơn vị tư vấn chuyên ngành tham gia tính toán và nghiên cứu...

Ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường: Cần tính toán những tác động tích cực của đề án đối với phát triển kinh tế, xã hội, cải tạo môi trường của Thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận đến nguồn nước của hồ Hòa Bình và từ hồ chứa về hạ lưu sông Hồng, nhất là mùa kiệt. Hơn nữa, cần làm rõ những tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến thủy điện Hòa Bình, biến đổi nguồn nước hạ lưu hồ Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ và đề án cấp nước chuỗi đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai...

Tổng hợp các nhận định, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo Liên danh tư vấn lập qui hoạch chung xây dựng Thủ đô mở rộng phối hợp với công ty (kể trên) nghiên cứu, kiểm tra các đề xuất của dự án để tiếp thu, thể hiện các ý tưởng có tính khả thi trong Đồ án qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.    

  • Hoàng Huy    
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,