"Hô biến" đất công thành...nhà riêng
Năm 1997, Công ty Kho bãi TP là đơn vị được giao quản lý, kinh doanh khối tài sản công lên tới 337 nghìn m2, nhưng hiệu quả thì không những không được như kỳ vọng mà còn...“hao hụt” theo thời gian: tính đến năm 2005 thì chỉ còn trên 200 nghìn m2.
TIN LIÊN QUAN
Tình trạng kho bãi bị chiếm dụng làm nhà ở đã “vượt” tầm kiểm soát của đơn vị này.
Từ chức năng kho bãi, khu nhà tại địa chỉ số 88 Gò Công biến thành nhà ở của các hộ dân.
Như trường hợp kho số 88 Gò Công, phường 13, quận 5, một địa chỉ đất công bị tư nhân hóa như một sự đã rồi của đơn vị thuê kho bãi.
Từ 1985, Công ty Kho bãi ký hợp đồng cho Công ty Vật tư tổng hợp (VTTH) TP.HCM thuê kho bãi này. Đến năm 1994, bên thuê đơn phương ngưng ký hợp đồng, nhưng không chịu bàn giao mà bố trí cho 6 hộ CB-CNV sử dụng làm nhà ở. Để “hợp thức hóa”, công ty này đã ban hành 5 quyết định và 1 thông báo của lãnh đạo “cho phép” biến đất công thành đất tư (?)
Tương tự, hai kho bãi thuê có diện tích 700m2 tại địa chỉ số 958 Lò Gốm, phường 8, quận 6 và số 176/11 Hậu Giang, phường 6, quận 6 cũng được lãnh đạo công ty này “cấp phép” hô "biến" thành nhà ở cho 14 hộ CB-CNV.
Kho bãi 555 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh... biến thành khách sạn, nhà phố.
Điển hình cho việc “phù phép” biến hóa đất công, phải kể đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng tại các kho số 552 (diện tích 1.846m2) và kho 555 (diện tích 2.967m2) trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Với vị trí “vàng”, cả hai kho bãi này sau khi bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay vì giao lại Công ty Kho bãi sử dụng thì lại được UBND quận Bình Thạnh giao cho Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh để đơn vị này phân lô, bán nền. Có 47 căn nhà (dạng nhà phố, biệt thự) được xây dựng, trong phần lớn đã được cấp “giấy đỏ”.
Theo cơ quan chức năng TP.HCM, việc cho phép giao đất, biến đất công thành đất tư nhân của UBND quận Bình Thạnh là vượt thẩm quyền.
Hiện nay, dấu tích của hai kho bãi này đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là các dãy nhà phố sang trọng. Cho đến nay việc khắc phục hậu quả ngoài kiểm điểm lãnh đạo Công ty Kho bãi và UBND quận Bình Thạnh (qua các thời kỳ) chỉ là truy thu tiền sử dụng đất, thuế hết sức tượng trưng (?)
Chuyện này còn kéo dài đến bao giờ?
Theo thống kê, TP.HCM có hàng trăm địa chỉ kho bãi sử dụng không đúng mục đích. Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 8 đã có 77 kho bãi, diện tích 317.362m2, trong đó có 23 kho sử dụng sai mục đích, cho thuê lại với diện tích 24.270,6m2 và 10 kho bỏ trống với diện tích 33.495,3m2.
Theo một lãnh đạo quận 8, trên địa bàn hiện rất thiếu đất phục vụ đầu tư hạ tầng, thực hiện các dự án dân sinh như trường học, bệnh viện, chương trình xóa nhà lụp xụp ven kênh rạch. Nguyện vọng của quận là được lấy 77 kho bãi trên để xây dựng các công trình phúc lợi, thế nhưng nhiều năm qua, các đơn vị quản lý kho bãi vẫn không chịu giao lại cho địa phương mà cho thuê mướn tràn lan...
Nhà kho tại địa chỉ 176/11 đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là dãy nhà của 14 hộ cán bộ nhân viên Công ty Vật tư tổng hợp TP.
Trả lời VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn TP có tới 10.000 địa chỉ nhà đất, kho bãi cần phải kê khai về mục đích sử dụng. UBND TP cùng Bộ Tài chính đang tích cực rà soát, đánh giá đúng số tài sản công này. Trước mắt TP đã chỉ đạo thu hồi 6 địa chỉ kho, bãi bỏ hoang tại quận 8 với diện tích trên 18.500m2; thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc giám sát, thu hồi đất công sử dụng không hiệu quả lãng phí trên địa bàn.
TP.HCM hiện đang rất thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở. Năm 2009, kế hoạch phát triển quỹ nhà tái định cư của TP là 5.549 căn nhà và nền; 15.099 căn nhà ở xã hội. Còn sau năm 2010, trong kế hoạch triển khai cải tạo, xây dựng chung cư, nhà tập thể hư hỏng xuống cấp, TP cần đến 255.991m2 đất xây dựng. Do vậy đẩy mạnh tiến độ thu hồi được hàng trăm nghìn mét vuông đất kho bãi lãng phí, sử dụng sai mục đích đang là chuyện “cần làm ngay” của TP.
TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, để làm được việc này, TP.HCM cần quyết tâm gì?
Ông Đặng Văn Khoa – đại biểu HĐND TP, người “có công” lớn cùng báo chí phản ánh hàng chục địa chỉ kho bãi lãng phí trên địa bàn TP cho rằng: việc sử dụng đất lãng phí là một vấn đề không mới bởi nó đã kéo dài vài chục năm nay. Câu hỏi mà người dân đặt ra là cái thực trạng này còn đến bao giờ (?)
“Ông Huỳnh Ngọc Sỹ trong vụ PCI là chuyện nhỏ, vấn đề công sản sử dụng lãng phí mới là chuyện lớn. Nếu chúng ta không làm mạnh, làm căn cơ là có lỗi với lịch sử, có lỗi với người dân TP” - ông Khoa nói.
Bên trong kho bãi số 557 bến Bình Đông vừa bị UBND TP ra quyết định thu hồi...
Ông Khoa cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, như lịch sử, cách quản lý còn sơ hở… dẫn tới việc thu hồi đất công chậm chạp. Nhưng nguyên nhân chính là ai đó, đã đặt cái quyền lợi của cá nhân, của nhóm mình lên trên tất cả quyền lợi khác. Bằng mọi cách, thủ thuật để bảo vệ quyền lợi cá nhân họ.
Do vậy cần thay đổi căn bản về chủ trương giao, cho thuê công sản, đưa hoạt động này về đúng quy luật thị trường. Toàn bộ mặt bằng phải được tính ra giá trị thực, theo giá thị trường, vì hiện nay đang cho thuê với giá cực thấp. Lúc này thì chẳng ai dám “ôm” đất rồi bỏ hoang làm gì!
Chỉ tiếc về việc này nhiều đại biểu HĐND TP đã đề xuất cho UBND TP rất lâu rồi nhưng không biết sức ì nào cản trở (?)
“Bây giờ người dân cần một hành động mà phải là hành động thực sự. Cần một quyết tâm từ cấp cao nhất chứ không phải là lời hứa suông”.
-
Nhóm P.V Xã Hội