221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1180166
Sẽ phạt nặng người uống rượu, bia khi lái ô tô?!
1
Article
null
Sẽ phạt nặng người uống rượu, bia khi lái ô tô?!
,

 - Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/7 tới quy định "cấm tiệt" người điều khiển ô tô uống rượu, bia. Thế nhưng, việc xử phạt được dự báo sẽ khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và việc phạt “thí điểm” trong thời gian qua chưa hiệu quả cũng vì lý do này.  

Đó là nội dung được thảo luận sôi nổi nhất tại Hội thảo về rượu, bia và tai nạn giao thông, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/3, do Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Bộ Y tế, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (C26) và Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) tổ chức. 

Hơn 60% vụ tai nạn có “tác nhân” là rượu, bia!

Báo cáo "Nghiên cứu việc sử dụng rượu, bia của các nạn nhân bị tai nạn giao thông" (TNGT) của Viện Nghiên cứu dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) đưa ra cho thấy, trong số nạn nhân bị TNGT tại hai Bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn thì có tới 62% nạn nhân nhập viện có cồn trong máu. Tỷ lệ có cồn trong máu của nạn nhân sử dụng xe máy chiếm 64,5%, hơn một nửa nạn nhân có cồn trong máu bị chấn thương sọ não.

Còn theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C26), chỉ tính riêng từ năm 2006 đến 2008, cả nước đã xảy ra 1.352 vụ TNGT do lái xe uống rượu, bia gây ra.

Theo C26, từ năm 2006 đến 2008, cả nước đã xảy ra 1.352 vụ tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia gây ra. (Ảnh minh hoạ: VNN)

Vì vậy, các đại biểu cho rằng, từ ngày 1/7 tới, cấm tuyệt đối người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng uống bia, rượu lúc điều khiển phương tiện và xử phạt người điều khiển môtô, xe máy nếu nồng độ cồn vượt mức 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở là rất cần kíp.

Ông Jonathon Passmore - chuyên gia phòng chống tai nạn thương tích (thuộc Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng, người đã uống rượu, bia thì không nên lái xe vì nghiên cứu y tế cho thấy khi có nồng độ cồn trong máu là 40mg/100 ml máu thì nguy cơ dẫn tới tai nạn cũng đã rất cao, với nồng độ quá 50mg/ml máu thì nguy cơ xảy ra tai nạn gấp 40 lần so với mức 0.

“Với nồng  độ cồn cho phép ở VN hiện nay là 80mg/100ml máu thì với mức độ hấp thụ của một người trung bình sẽ có nồng độ cồn tương ứng trong máu sau khi uống 3 ly bia trong vòng 1 giờ đồng hồ. Do cấu trúc cơ thể nhỏ hơn và cân nặng nhẹ hơn nên phụ nữ phải uống ít hơn 3 ly thì mới nằm trong giới hạn cho phép. Với nồng độ cho phép kể từ ngày 1/7 ở VN thì nguy cơ dẫn tới tai nạn vẫn cao hơn gấp đôi so với người không uống rượu, bia, nên tốt nhất là không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia” - ông Jonathon Passmore nói. 

Khó xử phạt vì thiếu cơ sở pháp lý!

Ông Nguyễn Văn Điệp - Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai dẫn chứng: để ngăn chặn TNGT, từ 7/1 đến 7/2, CSGT đã tiến hành thí điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu trên quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Xuân Lộc. Song, do thiếu hành lang pháp lý nên hiệu quả chưa cao.  

Ông Điệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Quy định 238 cho phép lực lượng cảnh sát nhân dân được sử dụng (hoặc phối hợp với ngành y tế) phương tiện, thiết bị kỹ thuật để lấy máu kiểm tra nồng độ cồn. Đồng thời, các bộ, ngành có thông tư liên tịch để hướng dẫn việc thực hiện quyết định của Chính phủ, trong đó có sự tham gia của Bộ Y tế.

Vì thế, nhiều cơ quan chức năng cùng kiến nghị sẽ phạt nặng người lái ô tô uống rượu bia (Ảnh minh hoạ: TP)

Từ thực tế đó, ông Điệp cũng cho rằng, việc tổ chức lấy mẫu máu để kiểm tra xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần được thực hiện tế nhị và không gây phản cảm cho người bị kiểm tra. 

Mức xử phạt vi phạm trong Nghị định 146, theo Thượng tá Trần Sơn (C26), vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm. Vì thế, Thượng tá Sơn kiến nghị cần nâng cao hơn nữa mức xử phạt vi phạm uống rượu, bia. 

Ông Sơn cũng cho biết, sắp tới lực lượng CSGT sẽ được trang bị đầy đủ máy đo nồng độ cồn. CSGT sẽ tuần tra công khai và yêu cầu những người nghi vấn thổi vào máy. Người bị kiểm tra có quyền xem chiếc máy đó có được dán tem kiểm định hay không và lấy phiếu kiểm tra được in ra ngay sau đó. Những trường hợp không thổi, sẽ xử phạt như vượt quá nồng độ cồn cho phép.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì đưa ra cảnh báo: ngoài việc xử phạt, cần phải có luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Trong đó quy định cụ thể các hình thức sản xuất, cách phân phối, nơi bán, độ tuổi được mua, thời gian mua và bán; tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn.

Tiến sĩ Tiên cho biết thêm, tại Thái Lan quy định dành 2% nguồn thu từ rượu, bia cho quỹ khuyến khích nâng cao sức khỏe do Bộ Y tế quản lý để tuyên truyền, nghiên cứu hạn chế lạm dụng bia, rượu.

  • Chí Hiếu
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,