Những cao ốc bỏ hoang giữa trung tâm Thành phố
Kỷ lục về “ngâm” dự án, lãng phí đất đai ở ngay trung tâm TP.HCM là khu đất góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.
Đây là dự án đầu tư “khủng” nhất về địa ốc của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (vốn đầu tư lên tới 27 triệu USD) nhưng đã hơn 10 năm qua, khách sạn 4 sao liên kết với một đối tác Thái Lan này chỉ là một cao ốc…bỏ hoang.
Dự án khách sạn của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sau hơn 10 năm chỉ là bộ khung như thế này..
Theo người dân tại hẻm 27B Nguyễn Đình Chiểu, vào thời điểm 1995, sau thời gian khởi công rầm rộ thì dự án này ...“xìu” dần, rồi ngưng hẳn vào năm 1998.
TIN LIÊN QUAN
Tiếp đó năm 2000, liên doanh Việt – Thái “tan vỡ” do đối tác nước ngoài thiếu vốn đầu tư. Phía Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tiếp quản phần vốn nhưng không vì thế dự án này thoát khỏi cảnh đình trệ, bỏ hoang.
Hiện trạng khu đất trên 5.000m2 được coi là “cực đẹp”, án ngữ hai mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Đình Chiểu thật khó tưởng tượng: bên trong hàng rào tole cao hơn 2m là hàng khung bê tông rêu mốc, trơ gọng sắt, cỏ mọc đầy sân. Toàn bộ dự án 01 trệt 4 tầng này đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng…
Bên trong dự án số 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 là bãi giữ xe cho các tòa cao ốc.
Điều đáng nói là ngay từ năm 2005, công trình này được xếp là 1 trong 4 địa chỉ lãng phí đất công đầu bảng trên địa bàn quận 1, được cơ quan chức năng TP.HCM đề nghị thu hồi. Tuy nhiên không hiểu lý do gì nó vẫn “án binh bất động”.
Hơn 10 năm phơi sương, nắng, đồng nghĩa với việc hàng trăm tỷ đồng trôi theo…dự án này! Khu đất sử dụng không hiệu quả (làm nơi giữ xe ô tô) là sự lãng phí ghê gớm, gây phản ứng xấu trong dư luận.
Nằm trong danh sách bị đề nghị thu hồi và không thua kém về mức độ “hoang hóa” và “lãng phí” là cao ốc thuộc dự án “Trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Cao ốc văn phòng” số 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, của một “đại gia” ngành dệt - may là Công ty Cổ phần (CP) May Sài Gòn 3.
Hàng ngàn m2 đất công ngay tại trung tâm quận 3, vị trí được coi là “mơ ước” của nhiều đại gia địa ốc Sài Gòn, nhưng hiệu quả mang lại sau nhiều năm giao khu đất này hầu bằng số không.
Quán cà phê Napoli nằm trong danh sách thu hồi, nhưng nhiều năm qua vẫn "án binh bất động", chưa được triển khai (?)
Tọa lạc trên khu đất vốn được giao cho Công ty CP May Sài Gòn 3 để làm văn phòng giao dịch nhưng dự án này chỉ thi công được 1 trệt, 5 lầu thì dừng hẳn. Đến năm 2000, cao ốc văn phòng này được chuyển đổi thành Trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Cao ốc văn phòng”
TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên sự “lên đời” đột ngột này vẫn không cứu vãn được tiến độ “rùa” của dự án. Tiếp tục thi công cầm chừng và đến năm 2007 thì…ngưng hẳn. Đến nay từ một dự án dân sinh “hoành tráng”, nhiệm vụ duy nhất của cao ốc này là thành bãi gửi xe cho các cao ốc xung quanh.
Phù phép biến đất công thành...quán cafe, bãi trông xe
Ngay từ năm 2005, TP.HCM đã ra “tối hậu thư” thu hồi 72 khu đất tại các địa chỉ trong nội thành, trong đó có hàng chục dự án tại khu trung tâm quận 1 và 3. Tuy nhiên đến nay, những “thành trì” bỏ hoang này vẫn chưa thể xử lý.
Điển hình là tại khu Hồ Con Rùa, nơi có nhiều quán cà phê hàng “sao”, thu hút giới thượng lưu Sài Gòn. Một địa chỉ đất công sử dụng sai mục đích thuộc quyền quản lý của Sài Gòn Ship (số 7 Phạm Ngọc Thạch) hiện là quán cà phê Napoli vẫn chưa thu hồi được.
Phía trước khu đất 192 đường Pasteur bỏ hoang nhiều năm, nay mọc lên các kiốt cho thuê...
Hơn 700m2 đất công tại địa chỉ này được Sài Gòn Ship cho doanh nghiệp tư nhân Ngọc Anh thuê dài hạn, theo một nguồn tin - mức giá là vài ngàn USD/tháng, nếu so với mức độ “đẻ trứng vàng” của khu đất thì chưa thấm vào đâu, bởi doanh thu của quán cà phê sang trọng này có thể lên tới cả chục triệu đồng/ngày.
Một địa chỉ “đất vàng” nữa tại trung tâm TP bị bỏ hoang, rồi tự động chuyển đổi thành bãi trông giữ xe ô tô là khu đất thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Dược phẩm 24, địa chỉ 192 đường Pasteur, phường 6, quận 3.
...thực chất bên trong sử dụng làm bãi giữ xe.
Chiều 23/3, có mặt tại địa chỉ này, chúng tôi nhận thấy phía trước khu đất là cánh cửa sắt màu trắng mới được sơn phết lại. Mặt tiền khu đất này cũng vừa được cho thuê làm cửa hàng bán, trưng bày sản phẩm của một doanh nghiệp khác...
Theo người dân quanh khu vực, những thay đổi trên vừa được chủ khu đất này thực hiện cách đây vài tháng, sau khi rộ lên thông tin về thu hồi các dự án lãng phí, bỏ hoang đất công. Việc này nhằm đối phó “che mắt” cơ quan chức năng và dư luận; nếu nhìn bên ngoài rất dễ nhầm tưởng khu đất này đang được…sử dụng hiệu qủa ?
- Nhóm PV Xã Hội
Bài sau: Phù phép “biến” kho bãi thành nhà ở