221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1175524
Xe "dù" hoạt động ngay trong... bến!
1
Article
null
Hà Nội:
Xe 'dù' hoạt động ngay trong... bến!
,

 - Đã gọi là xe "dù" nghĩa là xe không vào bến, nhưng thời gian gần đây, tại các bến xe Hà Nội xảy ra nghịch lý: xe trong bến vẫn bị thanh tra giao thông (TTGT) phát hiện là xe "dù"!  

"Xe bay"!

Sau 10 ngày ra quân lập lại trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Thủ đô, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết xe "dù" vẫn nhan nhản trong các bến xe "xịn". 

Ngày 6/3, tại Bến xe Nước Ngầm, Thanh tra GTVT đã lập biên bản 7 trường hợp vi phạm, tạm giữ 5 xe "dù". Còn tại Bến xe Giáp Bát, 5 trường hợp vi phạm cũng bị phát hiện, trong đó có 3 xe "dù" bị tạm giữ.

Theo ông Trần Đăng Hải, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT, thì từ đầu tháng 3 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã tạm giữ được trên 30 xe "dù" trong các bến.

Xe "dù" không chỉ hoạt động ngoài cổng bến... (Ảnh: C.Hiếu)

Các xe này dù vào bến nhưng lại không có sổ nhật trình, không hề có phù hiệu chạy tuyến cố định nên có thể coi là xe "dù".

Vậy, điều khó hiểu là tại sao các xe khách to kềnh càng, chứ đâu phải cái kim mà vẫn lọt vào trong các bến, đón trả khách qua mặt hàng loạt nhân viên bến xe?

Một doanh nghiệp vận tải (xin giấu tên) cho biết mánh khoé của xe "dù": "Có những doanh nghiệp có tới 50 đầu xe thường xuyên chở khách từ Hà Nội đi Thanh Hóa nhưng chỉ có hơn 30 xe là có "nốt" chạy ở Bến xe Giáp Bát. Ai đó sẽ hiểu số xe còn lại là xe dự phòng nhưng không phải mà hầu hết số xe này nằm đâu đó tại Phủ Lý, thậm chí là Pháp Vân để chờ những xe có "nốt" chở khách đến sang xe sau đó tiếp tục đi về Thanh Hóa. Còn xe có "nốt" thì lại quay về bến để giữ chỗ tiếp tục quay vòng".

Qua tìm hiểu của phóng viên, thực tế có rất nhiều xe chạy tuyến Thanh Hóa xuất phát từ Bến xe Giáp Bát nhưng chỉ chạy đến Phủ Lý, thậm chí là ngay đầu đường Pháp Vân rồi sang khách cho xe khác sau đó tiếp tục quay lại bến để đón khách.  

Một tài xế xe khách chất lượng cao của tuyến này ngán ngẩm cho hay: Nói ví dụ, một xe chạy tuyến Thanh Hóa xuất Bến Giáp Bát lúc 10h sáng, nhưng 14h chiều đã có mặt tại chính bến này để đón khách. Trong khi đó, quãng đường từ Hà Nội đi Thanh Hóa xe khách phải chạy từ 3h30 phút đến 4h mới đến nơi. Chưa kể nút Pháp Vân thường xuyên tắc. Vì lẽ đó, nên cánh tài xế hay gọi những xe này là "xe bay"! 

Nhân viên bến tiếp tay cho xe “dù”?!

Ông Nguyễn Huy Quang, Giám đốc Công ty quản lý Bến xe Hà Nội khẳng định: Không có chuyện bến chứa chấp xe "dù" hoạt động trong bến.

Ông Quang dẫn chứng: Thông báo số 22 của công ty yêu cầu tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ tại Bến xe Giáp Bát không cho 51 xe (có danh sách cụ thể) vào hoạt động trong bến.

Tuy nhiên, hằng ngày có hàng nghìn lượt xe ra vào bến nên việc kiểm soát các xe trên cũng khó khăn, hơn nữa để tránh ùn tắc tại cổng bến, nên theo quy định các xe đều chạy thẳng vào sân trả khách nên xe "dù" có thể lọt vào. Vì vậy, ông Quang cũng cho rằng không loại trừ có những nhân viên biến chất cố tình cho xe "dù" vào bến.

Và thực tế, khi đối chiếu danh sách 51 xe bị cấm hoạt động trong bến theo Thông báo số 22 của Công ty Quản lý bến xe với danh sách số xe "dù" bị lực lượng TTGT tạm giữ trong 10 ngày qua không ngạc nhiên khi có những xe có mặt trong cả 2 danh sách nói trên.  

Ông Hà Vinh Quang - Đội trưởng Đội TTGT cho biết, bản kiểm điểm của các chủ xe “dù” bị tạm giữ cho thấy không phải tự nhiên các xe này được vào bến. Mà thực tế là phải nộp một khoản ngoài sổ sách cho nhân viên bến xe để được vào bến hoạt động. Cá biệt, có những xe khi kiểm tra sổ nhật trình chạy xe ngoài bìa sổ đã bị tẩy xóa biển số, nhưng không hiểu sao vẫn được bến cho phép xuất bến hoạt động như thường!? 

Mà ngay trong bến, vẫn có xe "dù" hoạt động. (Ảnh: C.Hiếu)

Cắt nghĩa một phần cho thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, kể từ khi Quyết định 16/2007/QĐ-BGTVT, có hiệu lực thì công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đang "tuột dần" khỏi tay Sở GTVT.

"Với quy định, xe chỉ cần chấp thuận một đầu tuyến là có thể mang xe về Hà Nội hoạt động vô hình trung đã tạo điều kiện cho xe "dù" cũng như tiêu cực phát triển. Bởi các bến xe Hà Nội đã đủ lượng xe nên không thể cho thêm xe vào hoạt động. Trong khi đó, các xe đã đăng ký một đầu tìm đủ mọi cách vào bến nên mới có hiện tượng xe “dù” trong bến" - ông Linh nói. 

Vì vậy, theo vị Phó GĐ Sở GTVT, Thủ đô có những đặc thù riêng, và vì giao thông vốn đã phức tạp, nên cũng cần có cơ chế quản lí riêng. Ví dụ để quản lí vận tải liên tỉnh, tránh xe "dù" nói trên thì nhất thiết những nhà xe này phải có sự chấp thuận của hai đầu bến, thay vì chỉ 1 đầu như hiện nay.

Song, theo lí giải của Cục Đường bộ, quy định như ông Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội nói là không cần thiết, vì sẽ gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Mỗi cơ quan quản lí (Sở GTVT Hà Nội và Cục Đường bộ) đều có lí lẽ riêng. Nhưng hậu quả nhãn tiền có thể thấy là hoạt động vận tải liên tỉnh đang trở nên nhốn nháo, và tình hình ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam của Thủ đô vẫn là căn bệnh trầm kha.

  •  Chí Hiếu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,