- Những ngày nắng nóng gay gắt đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân một số nơi trên địa bàn TP.HCM vì nạn thiếu nước ngày càng trầm trọng. Có nơi giá nước đội lên đến 50 ngàn đồng/m3, thậm chí 100 ngàn/m3...
Vật vờ thức đêm canh nước
“Nhà chỉ có hai vợ chồng xài nước chẳng bao nhiêu nhưng đêm nào cũng phải thức canh. Ban ngày nước máy không chảy, ban đêm khoảng 2 - 3h sáng nước mới chảy rỉ nhỏ. Vợ chồng tôi phải ngủ rồi để chuông báo thức, khoảng 2h sáng dậy mở vòi nước. Nhờ vậy hôm sau mới có nước xài” - chủ cơ sở nhôm Vinh Quang trên đường Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, Q.7 cho biết.
Chị Phương, số nhà 167, đường Phạm Hữu Lầu nói, những hộ dân dọc hai bên đường nhà chị đều không có nước máy. Nhà nào có giếng khoan thì dùng nước giếng để sinh hoạt, giặt giũ, còn không phải trông chờ vào nước do xe bồn chở xuống.
“Nhiều đêm canh nước muốn mờ mắt, khoảng từ 12h đêm đến 4h sáng có nước nhưng chảy từng giọt, canh cực lắm. Nếu chịu khó hứng cả đêm cũng được khoảng 200 lít nước. Ban ngày nhiều lúc thấy xe bồn chạy ngang qua, biết là nước về nhưng chưa được hứng bao nhiêu đã hết sạch” - chị Phương nói.
Cứ 5 phút lại có một xe ba gác chở nước chạy qua đường Phạm Hữu Lầu. Ảnh: Thái Phương |
“Những hộ dân ở đầu đường, đại lý buôn bán lớn đều có bồn chứa nước lớn dưới đất, mỗi lần xe bồn tới là họ nhanh tay bơm vào bồn. Nhà nào ở càng sâu bên trong nước càng không tới nên phải thuê xe ba gác mua nước từ nơi khác tới. Thậm chí phải… hẹn trước xe ba gác mới tới lượt.”
2h chiều ngày 2/3, khi PV VietNamNet tới đường Đặng Nhữ Lâm, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè đã có 2 người ngồi trước cửa nhà canh xe bồn chở nước chạy qua trong cái nắng gay gắt.
Bác Vũ Quang Phụ, số nhà 15/10 cho biết, lúc trưa có một xe bồn chở nước đến rồi nhưng nhà tôi chỉ hứng được một chum đã hết sạch. Tôi ngồi chờ từ giờ đến chiều xem còn xe nào chạy qua nữa không?
“Một ngày khoảng 2 - 3 xe bồn chở nước hoặc không có xe nào, giờ giấc lại thất thường nên chúng tôi phải ngồi canh cực khổ thế này đây. Phải chi thông báo giờ đổ nước nhất định cho người dân biết mà hứng nước thì tốt biết mấy” - bác Phụ nói.
“Mang tiếng ở TP.HCM mà bao năm nay cả khu này không có nước máy làm tôi tưởng mình đang ở vùng quê heo hút… Nhà nào cũng hồ chứa, thùng phi, chum, vại chật nhà mà chẳng bao giờ đầy nước…”
Có tiền cũng không mua được nước xài
“Cứ khoảng 5 phút lại có một chiếc xe ba gác chở nước thuê đi bán nước cho dân. Nhà tôi một ngày xài hết khoảng 25.000 đồng/500 lít. Tính ra một tháng chỉ riêng tiền nước mất đứt 750.000 đồng, vậy mà nhiều lúc có tiền cũng không có nước xài” - chị Phương nói. “Thậm chí có khi một số đại lý bán nước còn hét giá 60.000 đồng/m3 mà vẫn không có nước bán”.
Người dân một số khu vực huyện Nhà Bè, Q.7… đã quen với việc mua nước với giá “cắt cổ”.
Nhiều nơi nước máy chỉ khoảng 4.000 đồng/m3 khi tới tay người dân đã bị đẩy lên tới 50.000 đồng/m3 vẫn không đủ nước cung cấp.
“Nhà tôi con cháu đông, nhiều lúc tụi nó phải chia nhau… tắm rửa trên cơ quan để về nhà khỏi tốn nước! Rồi khi xe bồn không chạy, cả xóm phải mua nước của xe ba gác chở từ nơi khác đến với giá 8.000 đồng/200 lít” - bác Phụ nói.
Bác Phụ chỉ mong có nước xài hàng ngày mà vẫn khó quá. Ảnh: Thái Phương |
Theo người dân ở xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè cho biết, đại lý ở đây còn đội giá nước lên đến 100 ngàn đồng/m3. "Giá cao ngất trời mà vẫn phải mua chứ biết đi đâu nữa", chị Hương ở đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè bức xúc.
Chỉ cách nhau một con rạch nhỏ nhưng một số hộ dân ở hẻm 206, đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè lại phải mua lại nước của hộ bên kia rạch với giá 15.000 đồng/m3.
Không chỉ nước máy, nước giếng khoan lọc sẵn cũng được người dân ở đây mua với giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/m3.
“Nước giếng khoan giá rẻ hơn mình để sinh hoạt, còn nước máy mua về chỉ dám dùng làm nước uống, nấu ăn” - chị Hứa Thị Kim Xuân, người dân khu vực này than.
"Đi họp tổ dân phố, cán bộ khu phố nói phải chờ khu dân cư phía trong quy hoạch xong mới kéo đường ống vô tới đây. Chẳng biết khi nào mới hết cảnh tốn tiền mà vẫn phải chầu chực hứng nước”.
Còn những hộ dân trên đường Đặng Nhữ Lâm, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè cho biết, mỗi ngày chỉ cần xe bồn của công ty cấp nước chở đều đặn khoảng 2 - 3 xe thì cả dãy sẽ có nước xài thường xuyên.
Tuy nhiên, họ thắc mắc không biết tình trạng xe bồn chỉ bơm một nửa nước trong bồn rồi chở cho các đại lý, số còn lại để người dân phải mua với giá mắc hơn có xảy ra không vì nước bơm chưa được lâu bồn đã cạn?
-
Thái Phương