- 50 bệnh nhi cấp cứu mỗi ngày với các triệu chứng về đường tiêu hóa, khiến Bệnh viện Nhi Đồng 2 quá tải.
Nhiệt độ tại TP.HCM hiện ở mức cao, có khi lên 370 – 380C, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa gia tăng, bệnh viện quá tải, 4 - 5 bệnh nhi phải nằm chung giường, hoặc chữa trị ở hành lang bệnh viện.
Bệnh nhi nằm la liệt ...hành lang
Từ Bình Phước, chị Nguyễn Thị Hiền vượt hơn trăm km đưa con xuống TP.HCM, nhập viện Nhi Đồng 2. Hai mẹ con chị Hiền đùm túm nhau ra nằm ngoài hành lang bệnh viện.
“Bề ngang chiếc giường khoảng 8 tấc, mà có tới 3 - 4 cháu nằm cùng, chật chội, trời nắng nóng, trẻ con quấy khóc… tôi đành ôm con ra hành lang nằm”, chị Hiền xót xa nói.
Sau khi được bác sỹ chỉ định nhập viện, chị Hiền giật mình khi đưa con xuống buồng bệnh nhi, chứng kiến những chiếc giường bé xíu phải “cõng” 3 - 4 đứa trẻ, và các bà mẹ cố chen lên đó để chăm con. Tưởng bác sỹ nhầm, chị bế con quay lại hỏi, mới “té ngửa” ra khi biết bệnh viện quá tải, bệnh nhi phải nằm cùng giường.
Bệnh viện quá tải, bệnh nhi và người thân phải nằm ra hành lang của bệnh viện. Ảnh: Thu Hòa |
Dọc theo hành lang Khoa Tiêu hóa, la liệt bệnh nhi cùng người thân trải chiếu nằm điều trị. Để tránh cái nóng, người ta dùng chăn, mền căng lên, để che bệnh nhi.
“Buổi trưa trời nóng quá, cháu khóc triền miên, nhưng đành chịu vì không còn cách nào khác. Bệnh viện thiếu giường, đành phải để cháu nằm đất, mà cứ lo chưa hết bệnh này lại phát thêm bệnh khác”, chị Trần Thị Thanh lo lắng.
Bệnh viện quá tải, thiếu giường, các dịch vụ “ăn theo” mọc lên, căng-tin của bệnh viện trang bị thêm vài chục ghế và cho thuê với giá 10.000 đồng một cái. Để thuê được, phải đến sớm và đặt cọc 300.000 đồng.
“Không mướn giường, để con nằm đất thì xót ruột, nhưng mướn thì phải đặt cọc tới 300 ngàn, lại không còn tiền để mua thuốc và chi tiêu… tôi đành cắn răng, bấm bụng, chẳng biết phải làm sao nữa”, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân rầu rĩ.
Nguy cơ lây bệnh cao
“Thấy bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang chúng tôi cũng thương nhưng đành phải chấp nhận vì cơ sở hạ tầng bệnh viện chỉ có như vậy!”, bác sỹ Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Tiêu hóa nói.
Lượng bệnh nhi tăng cao, khiến nhiều bé phải nằm ra hành lang của bệnh viện. Ảnh: Thu Hòa |
Bác sỹ Ngọc cho biết, từ trước Tết, Khoa Tiêu hóa luôn rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh nhân nhập viện kín tất cả các phòng, nằm la liệt ngoài hành lang. Muốn vào khám chữa bệnh, bác sỹ phải chen lấn mới vào được.
Bác sĩ Ngọc lo lắng về khả năng lây bệnh giữa các bệnh nhi, vì bệnh tiêu hóa về gan mật có khả năng lây nhiễm cao, nhưng không có cách nào để cách ly các bệnh nhi.
Để giảm bớt tình trạng quá tải của Khoa Tiêu hóa, khi thấy bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi, giảm bệnh và gia đình có khả năng chăm sóc, thì bệnh viện làm thủ tục cho xuất viện để tránh khả năng lây lan bệnh, và giảm tải.
Cách phòng tránh bệnh đường tiêu hóa: -Cách phòng bệnh tốt nhất là nên cho trẻ ăn chín, uống sôi. -Ăn uống điều độ theo thời gian bữa ăn trong ngày, không nên ăn các thức ăn khó tiêu như thức ăn nhiều mỡ. -Không cho trẻ dùng thức ăn nghi ngờ bị ôi thiu và sữa để lâu ngoài không khí. -Tránh thức ăn, đồ uống dễ kích thích như nước uống có ga, tránh hít phải khói thuốc lá. - Dụng cụ phục vụ trong ăn uống cho trẻ cần phải vệ sinh kỹ. Đặc biệt, bình sữa phải rửa sạch, để nơi thoáng mát. |
- Thu Hòa