- Quy định cấm người uống rượu bia điều khiển ô tô trong Luật Giao thông Đường bộ mới vừa được Bộ GTVT giới thiệu (có hiệu lực từ 1/7) đang gây chú ý trong dư luận, nhất là việc áp dụng trong đời sống...
Phạt nặng, tăng nặng
Nói về lý do đưa ra quy định này, ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, thành viên ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) cho rằng, Luật GTĐB năm 2001, chưa quy định cấm tuyệt đối người điều khiển ôtô uống rượu bia (Điều 8 luật GTĐB 2001 quy định cấm: Người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở- PV).
"Để hạn chế các tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia; đặc biệt là đối với ô tô, khi xảy ra tai nạn, “sự vụ” sẽ lớn hơn nhiều nên ban soạn thảo đã đưa vào luật tuyệt đối cấm người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia” - ông Quyền nói.
Cục phó Cục Đường bộ cũng cho biết thêm, để thực hiện quy định này, Bộ GTVT đang tiến hành sửa đổi lại nghị định 146/2007/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. “Hình thức xử lý của các lỗi mới quy định, trong đó có hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện sẽ được quy định cụ thể và theo hướng sẽ tăng nặng” - ông Quyền nói.
Quy định này đi vào đời sống, sẽ hạn chế những vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu! (Ảnh VNN) |
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, quy định xử phạt về điều này sẽ nghiên cứu phạt nặng hơn, nhưng Bộ GTVT phải xin ý kiến rộng rãi đã. Song trước mắt, Nghị định 146 vẫn chưa có gì “lỗi thời”, vẫn còn ý nghĩa rất quan trọng.
Việc cấm tuyệt đối liệu quá cứng nhắc? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng cho biết, dự thảo lần đầu trên diễn đàn Quốc hội có tranh luận rất ghê. Nhưng quyết tâm của Quốc hội là phải làm đồng bộ chứ không châm chước người này người kia mà làm cho việc kiểm soát, thi hành khó khăn.
Khi được VietNamNet hỏi quan điểm về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Ngay từ khi Bộ GTVT lấy ý kiến ở lần dự thảo, Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên cũng hoàn toàn nhất trí.
"Thậm chí, Hiệp hội còn kiến nghị cũng áp dụng như thế với người điều khiển xe máy vì thực tế, người đi xe máy uống rượu gây tai nạn còn nhiều hơn người lái ô tô. Nhưng vì thực hiện với xe máy khó hơn, hơn nữa, cái gì cũng nên làm từ từ, vì vậy, sau khi thực hiện thành công với người điều khiển ô tô, ta nên nghiên cứu, bổ sung với người lái mô tô" - ông Hùng nói.
Không khó để xử phạt!
Về phía Cục CSGT đường bộ đường sắt (C26) - Bộ Công an, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Cục trưởng cho biết: "Từ trước đến nay, CSGT cũng đã tiến hành việc xử lý người uống rượu bia bằng máy đo hơi thở. Hiện nay, trên thế giới có hai loại máy, một là đo qua hơi thở, hai là lấy mẫu máu. Từ bây giờ, Cục đã bắt đầu khảo sát, nghiên cứu xem nên sử dụng loại máy nào, mẫu nào thích hợp để đưa vào xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến uống rượu bia khi điều khiển phương tiện".
Tuy nhiên, theo ông Nghị, Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng trăn trở, nếu việc tuyên truyền không sâu rộng, dẫn đến ý thức người dân kém khi Luật bắt đầu có hiệu lực, thì có thể số người vi phạm nhiều, làm cho lực lượng CSGT vốn đã mỏng trong công tác tuần tra kiểm sát sẽ xử lí không xuể!
"Và trước mắt, Cục cũng phải đợi liên Bộ GTVT, Công an làm việc, ban hành mức xử phạt mới có thể áp dụng và triển khai công tác kiểm soát xử lý" - Thiếu tướng Nghị nói.
Cũng về vấn đề xử phạt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô cũng cho biết, sẽ không quá khó!
“Với quy định nghiêm cấm lái xe ô tô không uống rượu bia, công tác xử lý, xử phạt cũng sẽ dễ dàng hơn. Trước đây, khi nghi vấn các lái xe sử dụng rượu bia, CSGT phải sử dụng đến các máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, với quy định này, bằng cách nhìn bằng mắt, qua hơi thở bình thường cũng có thể nhận biết lái xe có uống rượu, bia hay không. Tất nhiên vẫn phải luôn có máy đo bên cạnh để khi người vi phạm có thắc mắc thì sẽ giúp họ tâm phục khẩu phục” - ông Hùng bày tỏ.
Ông Hùng cũng thừa nhận, do uống rượu bia là thói quen, thậm chí được coi là “nét văn hoá” của nam giới, trong đó có các lái xe ô tô nên việc thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, cùng với biện pháp cưỡng chế, ông Hùng kiến nghị: “Việc tuyên truyền vận động phải làm quyết liệt để lái xe ý thức được. Các doanh nghiệp cũng phải đưa vào quy chế, lịch trình làm việc phải được bố trí chặt chẽ để các lái xe không có điều kiện uống rượu bia”.
-
Hà Lê