- Vụ cướp gà mang đi tiêu hủy là một bài học. Nhưng chính bản thân người dân không tôn trọng sức khỏe của mình. Nếu những bệnh này ở một số thực phẩm, gia súc, gia cầm ăn vào chết ngay họ mới sợ...
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch năm 2009 diễn ra vào ngày 17/2, nhiều người đã quan tâm tới vụ cướp gà tiêu hủy diễn ra vừa qua ở Hà Nội. Ông Hoàng Văn Năm - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, do xuất phát từ người dân, bởi từ tuyên truyền đến thay đổi hành vi là một quá trình, chưa đủ thời gian. Sâu xa hơn, phải làm rõ nguyên nhân: phải chăng là đời sống của dân quá thấp? "Và những bệnh này ở một số thực phẩm, gia súc, gia cầm, nếu người dân ăn một cái lăn đùng ra chết thì may ra họ mới sợ. Nhưng cứ vài ngày sau mới chết thì còn lâu! Bản thân người dân không tôn trọng sức khỏe của mình thì ai bảo vệ được cho họ?" - ông Năm bức xúc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nói: "Vụ việc cướp gà đã mang đi tiêu huỷ thời gian qua là một bài học đau lòng".
Theo ông Tần, khi tổ chức tiêu huỷ tới đây phải lưu ý công tác chuẩn bị, cần vừa động viên, vừa giáo dục ý thức người dân. Đây không chỉ là chuyện ở Việt Nam mà cả thế giới nhìn vào, họ đánh giá ý thức người dân rất không hay, rất kém.
Về vấn đề phòng chống dịch, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Hoàng Văn Năm cho rằng, văc-xin là phương tiện gần như quyết định đối với việc phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.
Gia cầm sống bày bán tràn lan, người dân "nhờn" dịch. (Ảnh: P.Hải).
Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương, tỷ lệ tiêm phòng trung bình chỉ đạt 30-40% gia súc, gia cầm được tiêm.
Ông Năm thẳng thắn, một số tỉnh được Nhà nước cấp cho không 100% văc-xin để tiêm phòng nhưng tỷ lệ bảo hộ vẫn đạt rất thấp. Loại trừ lý do về chất lượng do văc-xin đã được kiểm soát rất kỹ, lý do về bảo quản bởi các tỉnh đều có phòng lạnh... thì nguyên nhân chính vẫn là do cách tiêm phòng.
Ở nhiều địa phương, cán bộ kỹ thuật khi tiêm không có giá đỡ, không cố định nên tiêm không hết thuốc vào con vật hoặc tiêm không trúng nên đáp ứng miễn dịch không tốt.
Trong khi đó, số liệu thống kê của các địa phương cho thấy, tỷ lệ tiêm phòng đạt tới 40-60%. Con số này có thực tế hay không, theo ông Năm, cần phải xem xét lại.
"Báo cáo thì vậy nhưng trên thực tế, không ai biết được tỷ lệ ấy là bao nhiêu. Phải tăng cường kiểm soát. Kiểm soát không phải là thú y, mà là ban ngành đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... Anh thú y chỉ là anh tiêm, phải có kỹ thuật tiêm. Đây là vấn đề chúng tôi trăn trở vô cùng bởi còn nhiều việc chúng tôi sẽ phải chỉ đạo cụ thể" - ông Năm nói.
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng, khó ở chỗ đưa văc-xin tới người dân nhưng họ không chịu tiêm. Việc xử lý bà con cũng rất khó vì do chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ nghèo.
TIN LIÊN QUAN
Theo ông Quang Anh, vấn đề là cấp cơ sở. UBND xã phường hằng tháng, hằng năm phải tổ chức chiến dịch tiêm phòng cho hiệu quả, kể cả phải khống chế dân. Song, chính ông cũng thừa nhận, người chăn nuôi phải tự nguyện chứ ép buộc cũng rất khó.
Hơn nữa, trong báo cáo của Cục Thú y, có 9 tồn tại thì 6 trong số đó xuất phát từ chính lực lượng thú y. Theo ông Năm, đúng là trách nhiệm đầu tiên phải là của lực lượng thú y!
Ông Năm cho biết, vừa qua, việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch chưa tốt, mạng lưới thú y cũng chưa tốt. Sai phạm của một số anh em thú y là do ý thức trách nhiệm, hai nữa là do vật chất, kiếm được ít tiền!
Trên thực tế, mỗi năm, Chính phủ chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác tiêm phòng văc-xin. Chẳng hạn, chỉ trong năm 2008, đã có hai đợt xuất từ kho dự trữ tổng cộng hơn 3 triệu liều văc-xin lở mồm long móng (cả đơn giá, tam giá), 417.000 liều tụ huyết trùng, 628.000 liều dịch tả lợn... Trung bình, giá văc-xin tam giá khoảng 12.000 đồng/liều, đơn giá 4.000-6.000 đồng/liều.
Vậy mà, kết quả khảo sát đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng ở tỉnh Kon Tum (tỉnh được Nhà nước cấp 100% văc-xin tam giá) tháng 10/2008 cho thấy, chỉ có 15% số mẫu có kháng thể bảo hộ đối với tuyp O, 9,2% đối với tuyp A và 0% với tuyp Asia 1.
Khi dịch xảy ra, Cục Thú y chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI lấy 10 mẫu huyết thanh của trâu bò dự án cung cấp, đưa từ Đắc Hoà về Long An (chưa mắc bệnh). Kết quả, 3 mẫu âm tính với tuyp A, 3 mẫu âm tính với tuyp Asia 1, tính chung cả 3 tuyp chỉ có 4/10 mẫu đạt mức kháng thể bảo hộ.
- Hà Yên