221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1160452
Gia cầm sống tràn từ nhà ra đường
1
Article
null
Gia cầm sống tràn từ nhà ra đường
,

 - Dịch cúm gia cầm đang lây lan trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, thế nhưng tại TP.HCM, gia cầm sống vẫn được bán khắp nơi, trên đường, ở chợ hoặc được giấu trong nhà.

Những năm trước bùng phát dịch cúm gia cầm, TP.HCM truy quét ráo riết việc mua bán gia cầm sống, không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch. Tạm lắng đi một thời gian, việc mua bán lại quay trở lại, nhưng hình thức thay đổi. Thay vì mua bán ở chợ, thì nay người ta mua bán ở... khắp nơi. 

Gà sống chuyển “căn cứ” về nhà

Gia cầm sống nhốt nơi tối và khuất nhất trong nhà. Ảnh: Minh Quyên

Trừ các chợ lớn có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, hầu hết các chợ nhỏ, nhất là chợ tự phát đều bán gà sống nhưng dưới hình thức khác nhau.

Trước mặt một phụ nữ bán rau tại khu chợ tự phát trên xa lộ Hà Nội gần Suối Tiên là một lồng gà. Đó là dấu hiệu nhận diện chị có bán gà sống. Chị cho biết, gà được giấu ở nhà, đồng ý về giá cả thì sẽ có người giết thịt rồi đưa đến, hoặc muốn lựa chọn thì đưa về nhà xem, giết mổ tại chỗ.

Khi khách hàng tỏ ý sợ dịch cúm, người phụ nữ này nói ngay: gà mang lên từ Sóc Trăng đã lâu và sống rất khỏe.

Kế bên, một phụ nữ khác lại bày hai con gà mái, loại nuôi ở vườn nhà thôn quê, mà nay do có gà công nghiệp, nên loại gà này được gọi là gà ta. Hai con gà xem ra không được khỏe với màu phân xanh cùng một số mảng da đã bị rụng lông.

Vận chuyển công khai gia cầm sống vào nội thành. Ảnh: Minh Quyên

Người phụ nữ này cho biết: "Không sao đâu, gà lấy từ Long Khánh lên đó, yên tâm đi", người bán gà nói. Chị nói thêm là nếu không thích hai con này có thể vào nhà xem thêm con khác, nhưng phải chắc chắn mua mới dẫn đi.

Tại khu chợ tự phát ở ngã tư Phan Văn Trị - Thống Nhất, quận Gò Vấp, nhiều chủ hàng bán gà bắc ghế ngồi ngay giữa chợ. Chỉ cần có người hỏi mua gà là lập tức họ dẫn đến nhà gần đó coi hàng. Tại một “căn cứ” có gần 80 con gà được nhốt trong những lồng lớn, gà trống, gà mái, gà tơ được phân chia ở 3 lồng khác nhau. Theo như lời mời chào của người phụ nữ này, số gà được chủ hàng đến tận Bến Tre để lấy. 

“Yên tâm đi, nhà chị giam gà, mổ gà không dịch thì ăn làm sao dịch được?” (một người bán gà)
Một chủ hàng gà ở ngôi nhà gần đó cho biết: số gà này được thu thập từ các nơi, miền Đông, miền Tây đều có. Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại dịch cúm, chủ hàng nói luôn: “Yên tâm đi, nhà chị giam gà, mổ gà. Gà không dịch thì người ăn làm sao dịch được?”.

Một chủ hàng gà ở khu chợ nhỏ trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp còn khẳng định là đã được cấp giấy kiểm dịch nhưng lại không cho khách hàng xem giấy kiểm dịch như thế nào.

Theo các chủ hàng, từ khi có lệnh cấm bán gia cầm sống của chính quyền đến nay, họ đã phải chuyển “căn cứ” từ chợ về nhà. Vì thế, gà đều được giam ở những nơi khuất và tối nhất trong nhà. Vừa bán gà, chủ hàng kiêm luôn mổ gà cho khách. Nhà nào cũng có một nồi nước sôi để bên cạnh, bên dưới là thớt, dao, rổ… lỉnh ca lỉnh kỉnh.

Gia cầm sống phơi mặt trên đường

Ngay trong nội thành TP.HCM, gà sống được bày bán ngang nhiên ở nhiều mặt đường. Tại một con hẻm nhỏ sau lưng chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, vài ba con gà được để trong rổ ngay trước cửa hàng rau. Theo những người dân xung quanh, mỗi khi có người của chính quyền địa phương kiểm tra, chủ hàng đưa gà vào nhà như thể đó là gà ăn của gia đình họ, nhưng khi chính quyền địa phương đi rồi, họ lại mang ra bán.

Gia cầm bày bán ngang nhiên tại chợ Cầu. Ảnh: Minh Quyên

Bán chui gia cầm sống còn diễn ra nhan nhản trên những con đường giáp ranh giữa nội và ngoại thành mà chính quyền không sao xử lý được. 

Ở chợ Cầu giáp ranh giữa quận 12 và Gò Vấp, có đến 3 chủ hàng xếp hàng ngang với đủ loại gà ta, gà ác, vịt xiêm, vịt trắng. Khách mua hàng dừng lại khá đông để ngã giá. Cứ hết hàng hay khách có thêm nhu cầu, chủ hàng lại chạy vào ngôi nhà dưới cầu xách giỏ hàng mới ra.

Một khách hàng khi được hỏi về nguy cơ dịch cúm khi ăn gà không rõ nguồn gốc cho rằng, vì thấy nhiều người vẫn mua gà ở đây nên cũng mua.

Còn tại cầu Tham Lương 2 trên đường Trường Chinh, gà vịt được bày bán nhưng với số lượng  không lớn, chỉ khoảng dưới 20 con. Các chủ hàng đều vận chuyển bằng thùng nhựa từ ngoại thành vào để dễ che mắt cơ quan quản lý.

Trên các con đường giáp ranh giữa ngoại và nội thành, dễ dàng bắt gặp nhiều lượt xe máy vận chuyển gà công khai. Gà được cột vào nhau sau yên xe và đưa vào các ngôi nhà gần chợ trong thành phố. Việc xác định đầu mối, chủ vựa gà là hết sức khó khăn. 

Khảo sát thị trường cho thấy, giá gà ở các chợ dao động từ 90 ngàn – 110 ngàn đồng/kg. Đối với những con gà có dấu hiệu bị bệnh, chủ hàng ra giá thấp hơn, khoảng 80 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá gia cầm được bày bán dọc đường giá lại khá thấp, chỉ 60-80 ngàn đồng/kg. 

Hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có 3 tỉnh bùng phát dịch cúm gia cầm: Cà Mau, Sóc Trăng và Hậu Giang. Dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nguy cơ lan nhanh trên diện rộng. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long sắp vào vụ thu hoạch lúa đông xuân là mùa vịt chạy đồng nhiều nhất nên khả năng phát tán dịch bệnh là rất cao.

  •  Minh Quyên

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,