221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1160422
Xén tiền Tết của người nghèo, địa phương chi "vung vinh"
1
Article
null
Xén tiền Tết của người nghèo, địa phương chi 'vung vinh'
,

 - Nhận tiền cứu trợ Tết cho người nghèo, nhiều địa phương đã tranh thủ dùng khoản tiền này vào 1001 mục đích: làm sổ tiết kiệm cho thanh niên nhập ngũ, chuyển tiền thành quà tặng, hỗ trợ các hộ... cận nghèo!

 

Ngày 12/2, PV và CTV VietNamNet tại các địa phương tiếp tục chuyển về những thông tin liên quan đến chuyện ăn chặn và sử dụng sai mục đích tiền hỗ trợ Tết của người nghèo. 

"Xén" cả tiền của người tật nguyền!

Tại TP.HCM, trước luồng dư luận cho rằng có hiện tượng xà xẻo tiền Tết của người nghèo tại phường 27 (quận Bình Thạnh) Chủ tịch UBND phường đã không phủ nhận nhưng cũng không thừa nhận sự việc. 

Anh Lê Minh Khánh (số 418 lô 1, cư xá Thanh Đa) làm nghề xe ôm còn vợ bán cà phê. Gia đình anh chỉ có 2 con, nhưng sẽ không gặp khó khăn gì nếu không phải nuôi thêm 3 đứa cháu- con của người em vợ bị bệnh tâm thần. 

Theo lời anh Khánh, cô em vợ bị bệnh từ nhỏ, thường đi lang thang. Trong những lần lang thang ấy, nhiều thành phần bất hảo đã lợi dụng cưỡng hiếp chị đến 3 lần mang thai. Hiện nay, mẹ của 3 đứa trẻ đã được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Lê Minh Xuân. 

Phát quà cho người nghèo. (Ảnh chỉ mang tính minh họa - Lê Du An)

 Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh, năm nay đã 36 tuổi con của ông bà Nguyễn Bảo (số 122 lô 10, cư xá Thanh Đa). Theo lời ông Bảo, chị Hoàng Anh sinh ra dưới tầm đạn trong cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị. Sinh thiếu tháng trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, chị Hoàng Anh bị bại não và mang di chứng suốt đời.

Tiếp chúng tôi tại nhà bên cạnh, cô con gái ngơ ngác nhìn khách. Ông Bảo cho biết, hiện nay, chị Hoàng Anh không có khả năng lao động và không nhận thức được nhiều.

Chúng tôi cũng không cầm lòng được khi đến thăm gia đình ông Trương Công Đồng, một lão thành cách mạng (số 7 lô B). Cụ Đồng năm nay đã ngoài 80 tuổi, có một người con mang trong người chất độc da cam. 

Di chứng của chất độc khiến chị Trương Thị Mai Thoan (con gái cụ Đồng) nằm liệt một chỗ. Đã gần 30 tuổi nhưng cuộc sống của chị đều phải dựa vào đồng lương hưu của bố và sự tảo tần của người mẹ suốt ngày đầu tắt mặt tối ở chợ.

Gia đình anh Khánh, chị Hoàng Anh, ông Đồng... đều nằm trong diện nghèo được nhận tiền ăn Tết của UBND phường 27. Và còn gần 150 hoàn cảnh thiếu may mắn của những gia đình nghèo trong phường cũng bị bớt xén tiền Tết...

Tiền chuyển thành... quà

Rất vui trước sự chăm lo tận tình và chu đáo của Nhà nước và chính quyền phường 27, những người nghèo như được an ủi phần nào bởi họ đã thực sự được quan tâm. Tuy nhiên, trước gói quà mà UBND phường 27 trao tặng, bà con hết sức ngỡ ngàng. 

Cụ Trương Công Đồng nói, giá như chính quyền thật sự quan tâm thì nên trao giá trị phần quà bằng tiền mặt để tuỳ theo nhu cầu từng gia đình dễ dàng xoay xở.  

Tương tự, anh Khánh, ông Bảo cũng không đồng tình khi phải nhận những phần quà mà chính họ cảm thấy không cần thiết. Bà con cũng cho biết, người nhận quà phải ký vào một danh sách mà trong đó chỉ ghi số tiền trị giá 200.000 đồng. 

Người dân đã liệt kê số quà họ được nhận gồm có: 1 chai nước mắm Phú Quốc (loại nhỏ), 2 chai nước ngọt, 1 gói hạt nêm 250g, một chai dầu ăn Tường An loại 1 lít, 1 hộp bánh và 1 chai nước tương nhỏ. 

Bà con nghèo trong phường cứ râm ran mãi chuyện gói quà. Họ xuýt xoa: Giá như được trao bằng tiền thì trong nhà có thêm vài chục ký gạo, hoặc mua cho con vài bộ quần áo ý nghĩa hơn những món quà mà họ không có nhu cầu. Chưa kể, theo tính toán của người dân, giá trị gói quà trên dù mua với giá của ngày Tết cũng chỉ dao động từ 120.000-150.000 đồng/suất.

Trước sự việc như trên, chúng tôi đã gặp bà Huỳnh Thị Thanh Trúc, Chủ tịch UBND phường 27. Sau khi nghe qua chuyện, bà Trúc không phủ nhận cũng như không thừa nhận sự việc. Theo bà Trúc, việc này do một bộ phận trong phường phụ trách nên bà cần kiểm tra rà soát.

Riêng với việc mua quà thay vì phát tiền, bà cũng thừa nhận đây là việc làm không đúng dễ gây ngộ nhận. Bà Trúc nói sắp tới sẽ tiến hành thành lập tổ kiểm tra làm rõ vụ việc và hứa sẽ trả lời vào tuần sau khi có kết quả (?).

Đề cập đến việc thiếu công khai các khoản trợ cấp mà người dân được hưởng trong dịp Tết, bà Trúc cho rằng đây là trách nhiệm của khu phố. Việc thiếu thông tin này bà Trúc cũng hứa sẽ... “rà soát lại” xem khu phố nào làm không tốt sẽ có ý kiến sau". 

TT-Huế: “Xẻo” tiền làm sổ tiết kiệm cho thanh niên nhập ngũ

 

19 hộ dân ở tổ 6, phường Phú Hiệp (thành phố Huế) sau khi nhận được tiền Tết 1.000.000 đồng/hộ đã bị Tổ trưởng tổ dân phố yêu cầu nộp lại 100.000 đồng/hộ. Theo ông Tổ trưởng này, số tiền được bớt lại là để làm một sổ tiết kiệm (trong tổ có 1 thanh niên nhập ngũ), đồng thời trích một phần để đóng vào quỹ người nghèo…

 

Nhiều hộ nghèo làm nghề lượm ve chai ở khu định cư 49 hộ, tổ 6 đều bị trừ 100.000 đồng/hộ. Ảnh: Ngọc Lan

Bà Dương Thị Gái (54 tuổi) ở khu định cư 49 hộ, tổ 6, phường Phú Hiệp (TP. Huế)- một hộ nghèo kể lại: “Trước Tết, nghe tivi thông báo Thủ tướng cho người nghèo tiền ăn Tết (mỗi khẩu 200.000 đồng, mỗi nhà không quá 1.000.000 đồng), người dân nghèo ở đây vui mừng lắm vì cả đời chưa khi mô cầm được 1.000.000 đồng trong tay”. 

Ông Nguyễn Xuân Thắng- Tổ trưởng tổ 6, phường Phú Hiệp (TP. Huế). Ảnh: Ngọc Lan

“Sau đó, Tổ trưởng tổ dân phố họp các hộ nghèo và đề ra chủ trương, hộ nghèo nào sau khi nhận được 1.000.000 đồng thì trích lại cho tổ 200.000 đồng để chia cho các hộ cận nghèo. Vẫn biết là nhà mình nghèo xác nghèo xơ nhưng nghe san sẻ cho các hộ cận nghèo, bà con nơi đây đều đồng tình”- chị Trần Thị Minh Nguyệt (42 tuổi) - một hộ nghèo có 6 khẩu ở tổ 6, phường Phú Hiệp cho biết.

Trao đổi về chủ trương Tổ trưởng tổ dân phố 6 trích một phần tiền Tết  của người nghèo, ngày 12/2, ông Cao Thu- Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp cho biết: Trước đây khi UBND thành phố chưa có chủ trương ủng hộ tiền Tết cho các hộ cận nghèo, các tổ dân phố có đề xuất với UBND phường sẽ vận động hộ nghèo được nhận tiền Tết và thu lại 100.000 đồng/hộ (đối với hộ nhận 1.000.000 đồng) để chia cho các hộ cận nghèo. Mặc dù, phường không có chủ trương nhưng tổ dân phố vận động là việc cuả họ và  phải có văn bản cam kết, tự nguyện của các hộ dân nghèo.

 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp, sau khi nhận được thông tin, UBND thành phố sẽ trích ngân sách để ủng hộ các hộ cận nghèo, một khẩu 200.000 đồng và một hộ không quá 1.000.000 đồng thì phường đã chỉ đạo các Tổ trưởng tổ dân phố không được thu tiền và phải phát đúng số tiền của Tết của người nghèo.

 

Danh sách các hộ nghèo nộp 100.000 đồng sau khi nhận tiền Tết là 1.000.000 đồng. Ảnh: Ngọc Lan
Đồng thời, UBND phường cũng thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và cảm ơn những người nghèo trên địa bàn phường trước đó đã có tinh thần chia sẻ, ủng hộ các hộ cận nghèo.

 “Còn đối với việc Tổ trưởng tổ 6 thu 1 hộ 100.000 đồng (đối với hộ nhận được 1.000.000 đồng) thì lãnh đạo phường không hề có chủ trương và không hay biết về việc làm này”- ông Cao Thu nói.

 

Trao đổi với phóng viên ngày 12/2, ông Nguyễn Xuân Thắng- Tổ trưởng tổ 6, phường Phú Hiệp (TP. Huế) thừa nhận việc yêu cầu 19 hộ nghèo nhận được tiền Tết 1.000.000 đồng đóng lại cho tổ 100.000 đồng là việc làm sai trái.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, số tiền 1.900.000 đồng được bớt lại từ 19 hộ nghèo là ông không bỏ túi mà đã sử dụng 500.000 đồng để làm một sổ tiết kiệm cho thanh niên trong tổ chuẩn bị nhập ngũ (10/2), 500.000 đồng đóng vào quỹ người nghèo và 200.000 đồng để ủng hộ hai trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, còn lại 700.000 đồng vẫn chưa chi.

 

Được biết, tổ 6, phường Phú Hiệp có thể xem là một trong những tổ dân phố nghèo nhất, nhì so với các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Huế. Trong đó có khu định cư 49 hộ, hầu hết người dân nơi đây đều sống nhờ nghề lượm ve chai và đạp xích lô, số trẻ em đến trường chiếm tỷ lệ rất thấp.

  • Lê Du An - Ngọc Lan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,
;