- Dù ra trường hơn một năm, nhưng Đào Lê Biên (25 tuổi, Hà Nội) sau một thời gian loay hoay đi tìm việc, giờ đành chấp nhận ở nhà phụ giúp mẹ... bán hàng tạp hoá tại chợ Đồng Xuân. Kinh tế khủng hoảng, nhiều cử nhân mới tốt nghiệp, thậm chí cả những người ra trường đi làm có kinh nghiệm nhiều năm hiện cũng lâm vào cảnh khốn khổ chạy việc.
"Bạc mặt" vì tìm việc
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý lao động, Trường ĐH Lao động xã hội, Đào Lê Biên hăm hở cầm hồ sơ đi tìm việc khắp Hà Nội, hy vọng sẽ tìm được một công việc vừa ý. Thế nhưng, bao nhiêu lần nộp hồ sơ thì cũng bấy nhiêu lần Biên chờ đợi trong vô vọng, vì không thấy nhà tuyển dụng gọi điện thông báo lại.
“Nghe nói các khu công nghiệp có nhiều công ty cần tuyển người, em đã đem hồ sơ rải khắp, nhưng chẳng thấy ai gọi điện thông báo phỏng vấn. Em gọi điện lại hỏi thì được nhà tuyển dụng cho biết, đang trong thời buổi kinh tế khó khăn, công ty ít đơn đặt hàng, phải giảm bớt công nhân nên hiện tại không có nhu cầu tuyển thêm người quản lý nhân lực…” - Biên cho biết.
Thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều sinh viên sau khi ra trường hăm hở đi tìm việc làm, nhưng tìm không ra việc. Ảnh: C.Minh |
Sau nhiều lần "bạc mặt" với việc nộp hồ sơ ở các khu công nghiệp quanh Hà Nội, cuối cùng Biên quyết định tìm một việc làm tạm bợ trước mắt, rồi về lâu về dài sẽ tính chuyện tìm việc khác. Thế nhưng, dù là việc tạm nhưng suốt cả ngày lên mạng tìm thông tin, gọi điện đến các công ty tuyển dụng, Biên vẫn không xin được việc nào.
Đến cuối năm ngoái, có lần được một người bạn giới thiệu nộp hồ sơ vào một công ty phân phối bút bi Bến Nghé ở Hà Đông, Biên đã nộp hồ sơ và đi làm với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Nhưng mới làm được tháng thứ nhất, đến tháng thứ hai thì Biên phải tự xin nghỉ việc vì công việc quá mệt mỏi, trong khi thu nhập lại không đủ chi tiêu.
Hiện tại, thay vì đi tìm việc, Biên đành chấp nhận ở nhà phụ giúp mẹ... bán hàng tạp hoá tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Chị Hương, tốt nghiệp bằng khá chuyên ngành Hoá dầu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khi vừa ra trường cũng tự tin mang hồ sơ đi rải khắp nơi với mong muốn tìm một công việc thu nhập ổn định. Nhưng 7 tháng trời chờ đợi, chị vẫn không tìm được cho mình công việc như ý.
Trước Tết khoảng 4 tháng, chị Hương nộp hồ sơ vào một công ty kinh doanh gas có trụ sở ở Mỹ Đình và được nhận vào làm với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Mới lập gia đình tháng 12 năm ngoái, mức thu nhập này khiến chị phải rất tằn tiện. Với thu nhập hơn 5 triệu mỗi tháng của hai vợ chồng, chị Hương đang tính sẽ phải hoãn... việc sinh con để đi tìm việc làm mới cho thu nhập ổn định hơn, thế nên hành trình tìm việc của chị vẫn chưa dừng lại.
“Tìm việc bây giờ thật khó, trước đây với bằng cấp như tôi ra trường xin việc thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng là không khó, nhưng hiện tại, để đạt được mức lương này quả thật không dễ chút nào. Bây giờ chỉ biết chấp nhận với việc làm hiện tại rồi đợi có cơ hội chuyển việc khác thôi” - Hương thở dài.
Khó tìm việc mới
Không chỉ với những sinh viên mới ra trường khó tìm việc, mà ngay cả những người đã tốt nghiệp ĐH đi làm có 3 - 4 năm kinh nghiệm, khi công ty họ đang gặp khó khăn phải giảm lương, hạ thưởng, thì nhiều người cũng muốn chuyển hướng đi tìm việc làm mới. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, thì đi tìm việc có thu nhập ổn định lại không phải đơn giản.
Ngành đóng tàu cũng chịu tác động nặng nề của suy thoái kinh tế, khiến nhiều lao động phải bỏ việc đi tìm công việc mới. Ảnh: VĐ |
Anh Hùng là kỹ sư của một công ty thiết kế tàu thuỷ ở Hà Nội. Khoảng một năm về trước, mức thu nhập hàng tháng của anh vào khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian gần đây, công ty anh không còn nhận được nhiều hợp đồng thiết kế tàu như trước, nên thu nhập của nhân viên cũng giảm hẳn.
Hiện tại, với mức lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, không đủ cho cuộc sống chi tiêu sinh hoạt hàng ngày nên anh Hùng đang nhấp nhổm muốn đi tìm một công việc mới. Nhưng nộp hồ sơ đã hơn một tháng nay mà anh vẫn chưa thấy nhà tuyển dụng nào gọi điện phỏng vấn.
“Khoảng một năm về trước, nhiều công ty mời tôi làm với mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng nhưng phải đi xa Hà Nội nên tôi không muốn đi, giờ thì mình có chấp nhận làm xa với mức lương đó mà cũng chưa thấy công ty nào gọi. Kinh tế khó khăn nên đi xin việc vào thời điểm này thật quá khó” - anh Hùng nói.
Cách đây 3 năm, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Vinh, anh Trần Văn Quê (27 tuổi, quê Thanh Hoá) đã đích thân được Công ty Hoya ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đến tận trường tuyển dụng vào công ty làm với mức lương 4 triệu đồng/ tháng.
Sau gần 2 năm làm việc, Quê bấm chí xin nghỉ làm để chú tâm vào việc học lên tiếp, hy vọng có một tương lai xán lạn hơn. Thế nhưng, sau một thời gian đi học buổi tối với mức học phí cao ngất ngưởng, Quê đành quyết định đi làm tiếp để có tiền trang trải cuộc sống và ăn học.
Nhưng cầm hồ sơ đi nhiều nơi xin việc, thậm chí chấp nhận quay lại khu công nghiệp nộp hồ sơ với mức lương chỉ bằng 1/2 khi còn làm ở Công ty Hoya, Quê vẫn không thể có được một chỗ làm vì gần như không có nhà tuyển dụng nào có nhu cầu tuyển lao động mới.
Dù đã đi làm và có hơn 2 năm kinh nghiệm, nhưng anh Quê đang đau đầu vì không tìm được việc làm. Ảnh: VĐ. |
Trước Tết Kỷ Sửu, lần theo địa chỉ trên mạng, Quê lại đem nộp hồ sơ vào một công ty bảo hiểm trên đường Hoàng Quốc Việt và rất vui khi nghe công ty gọi điện đến phỏng vấn, ký hợp đồng đi làm.
Nhưng khi có mặt và đọc các điều khoản trong hợp đồng với điều kiện phải bỏ ra khoản tiền gần 1 triệu đồng mua bảo hiểm và phải đi mời mọi người mua bảo hiểm ăn chia theo phần trăm, Quê lại chán nản bởi thấy mình không phù hợp.
Quê than vãn: “Thời buổi khó khăn, không tìm ra việc nên tôi chấp nhận đi làm trái nghề, nhưng khi đọc các điều kiện ký kết với công ty thì tôi… không thể làm được. Mình quan hệ hạn hẹp, lại không có nhiều kinh nghiệm nên đành chịu”.
Cũng như Quê, anh Lê Minh Sơn, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng GTVT cũng xin vào làm việc cho một công ty cầu đường được 2 năm. Đầu năm ngoái, anh Sơn xin nghỉ việc để ôn thi đại học. Đến khi thi đậu và đi học trở lại vào buổi tối, anh Sơn muốn xin việc trở lại nhưng tìm khắp nơi vẫn không thể được.
“Bây giờ khủng hoảng kinh tế, nhiều công trình xây dựng phải dừng thi công nên kỹ sư xây dựng như tôi đi xin việc rất khó. Thôi thì phải chấp nhận vừa đi học vừa chờ lúc nào xin được việc thì đi làm vậy” - Sơn thở dài cho biết.
-
Gia Văn